Tham dự cuộc họp có ông Jeff Paine, Giám đốc điều hành AIC và các thành viên AIC. Về phía VNBA có Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cùng đại diện CLB VietFintech và Ủy ban Công nghệ thuộc VNBA cùng lãnh đạo các Ban nghiệp vụ của VNBA.
Tại cuộc họp, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ vui mừng và đánh giá cao việc Liên minh Internet châu Á (AIC) quan tâm phối hợp tổ chức cuộc họp cùng với VNBA.
Điểm qua đôi nét về hoạt động ngành Ngân hàng Việt Nam, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến kinh tế, đời sống, văn hóa - xã hội, thói quen của toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Song, đó cũng là “cú huých” thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của ngành Ngân hàng nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ đại dịch. Trạng thái xã hội “sống chung với dịch” đã cho thấy mức độ cần thiết của số hóa hoạt động kinh doanh, và chủ động tham gia vào cuộc đua trải nghiệm khách hàng trước làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ từ các ngân hàng số thế hệ mới, các siêu ứng dụng và Fintech.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại điểm cầu trực tuyến Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Bảo Đăng |
Tại Thông báo 331/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ngày 30/11/2021, Thủ tướng khẳng định, với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, hoạt động chuyển đổi số thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực ở cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Ngày 10/12/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số ngành Ngân hàng để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số ngành Ngân hàng, phát triển Chính phủ điện tử tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN về “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Dẫn thông tin từ khảo sát của NHNN, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết hiện có tới 95% các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới. Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), dữ liệu lớn (Big Data)… đã được ứng dụng mạnh mẽ và rộng rãi vào các dịch vụ ngân hàng cốt lõi (thanh toán, tín dụng, tiết kiệm). Thanh toán trên thiết bị di động tăng trưởng mạnh hàng năm với 90% về số lượng và 50% về giá trị, nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số. Theo nhận định của Công ty Tư vấn McKinsey, ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực.
Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho rằng việc tiếp cận và nắm bắt kịp thời quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho toàn ngành Ngân hàng, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức về khuôn khổ pháp lý như những vướng mắc trong luật giao dịch điện tử, chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử trong giao dịch ngân hàng…. Bên cạnh đó, những hạn chế về cơ sở hạ tầng, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật… và sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác ngân hàng, đặt ra các vấn đề như: an ninh an toàn, bảo mật thông tin…
“Được biết, AIC là một hiệp hội các công ty Internet và công nghệ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương có cam kết đóng góp vào tiến trình phát triển hệ sinh thái số ở Việt Nam. Trong lĩnh vực chính sách, AIC cũng đã tham gia vào một số tiến trình tham vấn về các vấn đề chính sách số quan trọng ở Việt Nam… Tôi hy vọng rằng, trong buổi làm việc hôm nay, AIC sẽ chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn tốt của quốc tế, khu vực châu Á nói riêng về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng”, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.
|
Chia sẻ về hoạt động trong tiến trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ông Jeff Paine - Giám đốc điều hành AIC cho biết, AIC đã thông qua việc tham gia ý kiến kỹ thuật về dự thảo luật, xây dựng chính sách, nghiên cứu chia sẻ thông tin về chuyển đổi số và phát triển số; hỗ trợ các sáng kiến đào tạo, nâng cao năng lực; chia sẻ kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời AIC đã tham gia vào tham vấn chính sách về các vấn đề như: an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, dịch vụ kỹ thuật số và thương mại điện tử… đồng thời đóng góp ý kiến cho Chính phủ, các cơ quan nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thành viên của AIC đã và đang đóng góp tích cực trong việc xây dựng nền tảng số, sản phẩm và dịch vụ số nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam. Một mảng hoạt động quan trọng của AIC là đóng góp vào việc xây dựng phát triển chính sách liên quan đến chuyển đổi số, kỹ thuật số; nhờ đó, các cơ quan nhà nước có thể tận dụng những điểm mạnh của công nghệ để phát triển kinh tế. Gần đây, AIC nhận thấy có những bước phát triển quan trọng và tích cực về mặt chính sách hướng tới việc thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam như việc NHNN đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng Việt Nam năm 2025 và định hướng năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn năm 2021 – 2025.
"AIC cho rằng đây là một văn bản quan trọng sẽ giúp đẩy mạnh tiến trình số hóa trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam", ông Jeff Paine - Giám đốc điều hành AIC nhấn mạnh.
Cũng theo ông Jeff Paine, các thành viên của AIC là những công ty công nghệ hàng đầu thế giới có khả năng phát triển và cung cấp các giải pháp cũng như nền tảng sáng tạo và tin rằng tiềm năng hợp tác giữa AIC và VNBA là rất lớn.
Tại cuộc họp, bà Nicky Van Domburg - đại diện AIC phụ trách điều phối nhóm làm việc về các vấn đề thanh toán và tài chính số đã chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng thông qua các công cụ và ứng dụng trong thực tiễn như Google Cloud (cung cấp các giải pháp về kho dữ liệu, giải pháp hỗ trợ và quản lý môi trường nhiều dịch vụ đám mây), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML)... giúp hiện đại hóa các hoạt động cốt lõi của ngân hàng, chuyển đổi dữ liệu và phân tích, các ngân hàng có thể tăng cường khả năng tính toán rủi ro…
Bà Nicky Van Domburg cũng đề cập tới việc Amazon cung cấp các hạ tầng, dịch vụ điện toán đám mây an toàn đồng thời chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm của ngân hàng số được xây dựng và phát triển trên nền tảng của Amazon. Đây cũng là đơn vị hợp tác với Unibank của Philippines, hỗ trợ ngân hàng này thúc đẩy lĩnh vực chuyển đổi số.
Các đại biểu tham dự cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ảnh: Bảo Đăng |
Đại diện cho CLB VietFintech, ông Nguyễn Đăng Hùng – Chủ nhiệm CLB, Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết, như Tổng Thư ký VNBA đã chia sẻ, NHNN rất quan tâm đến lĩnh vực chuyển đổi số và đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo điều hành để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Mục tiêu của NHNN là thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới nhằm đổi mới toàn diện các hoạt động của NHNN trong lĩnh vực quản lý về các hoạt động liên quan đến ngân hàng và thanh toán. Bên cạnh đó, NHNN cũng muốn tập trung phát triển ngân hàng số, tập trung đổi mới và nâng cấp trải nghiệm khách hàng, đặc biệt đưa ra các dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số cũng như tối ưu hóa các hoạt động ngân hàng và tiến tới tự động hóa các hoạt động, tiêu chí kinh doanh để phục vụ khách hàng tốt hơn.
NHNN cũng ban hành nhiều văn bản pháp lý nhằm khuyến khích sự hoạt động của các công ty công nghệ tài chính (Fintech), từ đó thúc đẩy sự hợp tác có cộng hưởng giữa ngành Ngân hàng và các công ty Fintech cũng như công ty công nghệ nói chung.
Cũng theo Chủ nhiệm CLB VietFintech, trong lĩnh vực Fintech ở Việt Nam, mảng cộng nghệ thanh toán là mảng hoạt động tương đối sôi động, trong đó, NHNN đã cấp chứng nhận 50 giấy phép trung gian thanh toán cho các công ty Fintech ở Việt Nam. "Theo số liệu về hệ thống thanh toán NAPAS được vận hành bởi chỉ đạo của NHNN, có hơn 10 triệu giao dịch trong ngày, với tổng giá trị gần 5 tỷ USD", ông Hùng chia sẻ. Ngoài ra trong vòng 2 năm vừa qua, dù trải qua đại dịch COVID-19, các ngân hàng thương mại nhờ ứng dụng công nghệ mới đã có thể mở rộng và kiếm thêm hàng triệu khách hàng.
Đại diện Ủy ban Công nghệ - ông Nguyễn Quốc Thành, Phó TGĐ LienVietPostBank cho biết thêm hiện nay có trên 50% ngân hàng Việt Nam đã và đang thuê các tổ chức tư vấn uy tín về chuyển đổi số. Trong đó tập trung vào chuyển đổi số tất cả các hoạt động của ngân hàng, số hóa dịch vụ của ngân hàng cung cấp cho khách hàng, đồng thời mở rộng kết nối với các đối tác cung cấp dịch vụ thông qua nền tảng API... Bên cạnh đó, còn phối hợp về quản lý dữ liệu của khách hàng nhằm đánh giá khách hàng, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng, nâng cao an ninh thông tin, an toàn, bảo mật...
Kết thúc cuộc họp, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng mong muốn VNBA sẽ được hợp tác với AIC trong việc đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam thông qua các hợp tác nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị chung về một số vấn đề chính sách; tổ chức hội thảo thu thập ý kiến đóng góp xây dựng chính sách, văn bản pháp luật của nhà nước về các vấn đề chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng như trao đổi dữ liệu tài chính, bảo vệ dữ liệu cá nhân, tiền mã hóa và tiền số, các hệ thống định danh số, an toàn trong thanh toán điện tử… Đồng thời cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong nước cũng như quốc tế thông qua hội thảo, diễn đàn và/hoặc các nhóm công tác của ngành hoặc của chính phủ, nhằm đạt được hiểu biết chung về các khái niệm, phạm vi cũng như cách thức áp dụng các biện pháp, quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, tổ chức đào tạo góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng số cho cán bộ ngành Ngân hàng cũng được đề cập hợp tác.
Giám đốc Điều hành AIC chân thành cảm ơn Tổng Thư ký VNBA đã dành thời gian trao đổi; bày tỏ mong muốn sau cuộc họp này, VNBA và AIC sẽ tiếp tục có các hoạt động hợp tác nhằm hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng và từng tổ chức hội viên VNBA, cũng như góp phần giải quyết những thách thức liên quan đến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong lĩnh vực dịch vụ tài chính hiện nay. Giám đốc Điều hành AIC cũng đề xuất lộ trình VNBA và AIC sẽ ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) hợp tác trong thời gian tới.