Mùa đại hội cổ đông (ĐHCĐ) vừa kết thúc, câu chuyện tăng vốn của các các ngân hàng lại trở nên sôi động. Thống kê cho thấy, kế hoạch tăng vốn điều lệ được trình ở hầu hết các ngân hàng (trừ Techcombank và Sacombank). Các phương án tăng vốn sẽ được hoàn thành thông qua việc: hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…
Hình minh họa - Nguồn: Internet |
Vốn điều lệ của ngân hàng có thể tăng thêm khoảng 100.000 tỷ đồng
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước tính đến hết tháng 9/2021 cho thấy, tổng vốn điều lệ toàn hệ thống các TCTD đạt 715.580 tỷ đồng, trong đó: nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước có tổng vốn điều lệ đạt 169.690 tỷ đồng; nhóm NHTM cổ phần đạt 348.481 tỷ đồng…
Với các kế hoạch tăng vốn được ĐHCĐ các ngân hàng vừa thông qua, nếu các kế hoạch tăng vốn điều lệ được thực hiện thành công, ước tính vốn điều lệ của toàn hệ thống trong năm 2022 sẽ được bổ sung thêm khoảng hơn 100.000 tỷ đồng.
Khối NHTM cổ phần tiếp tục cho thấy tham vọng tăng vốn mạnh mẽ, với tổng số vốn điều lệ dự kiến tăng thêm trong năm 2022 lên tới hơn 87.000 tỷ đồng. Dẫn đầu trong cuộc đua tăng vốn trong năm 2022 là VPBank. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2022 diễn ra hồi cuối tháng 4/2022, các cổ đông của VPBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn từ mức 45.000 tỷ đồng (năm 2021) lên gần 80.000 tỷ đồng (79.334.296.800.000 đồng) trong năm 2022. Như vậy, mức tăng thêm trong năm 2022 được xác định là hơn 34.000 tỷ đồng. Đây cũng là mức tăng vốn “khủng” nhất trong toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2022. Nếu thực hiện thành công kế hoạch này, VPBank cũng là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.
Ngoài VPBank, một số NHTM cổ phần khác cũng lên kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ trong năm 2022, có thể kể đến: SHB Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay, từ 26.673 tỷ đồng lên 36.007 tỷ đồng (tăng thêm khoảng 9.334 tỷ đồng); MB có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm khoảng 9.100 tỷ đồng trong năm 2022, qua đó đưa vốn điều lệ của từ mức 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng; TPBank cũng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ thêm hơn 5.300 tỷ đồng lên mức 21.143 tỷ đồng; MSB cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm khoảng 4.725 tỷ đồng để đưa vốn điều lệ của ngân hàng từ 15.275 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng; OCB cũng triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 4.186 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ trong năm 2022 lên 17.885 tỷ đồng…
Ở khối NHTM có vốn nhà nước, Vietcombank, VietinBank, BIDV cũng đều lên kế hoạch tăng vốn trong năm 2022, trong đó: BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21%; Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng; VietinBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng, lên 53.751 tỷ đồng.
Tăng vốn giúp nâng cao năng lực tài chính
Lý giải việc tăng vốn khủng trong năm 2022, các ngân hàng cho rằng, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng.
Đại diện Vietcombank cho biết, việc tăng vốn điều lệ cũng sẽ tạo điều kiện để ngân hàng mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và đầu tư cho các dự án chuyển đổi để nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của ngân hàng.
Còn với Vietbank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, toàn bộ số vốn tăng thêm được dự kiến sử dụng toàn bộ cho việc mở rộng mạng lưới hoạt động, đảm bảo các tỷ lệ an toàn toàn trong hoạt động sinh lời cho hoạt động kinh doanh.
Tương tự như vậy, với kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 1.600 tỷ đồng trong năm 2022, lãnh đạo VietCapital Bank chia sẻ, việc tăng vốn sẽ giúp ngân hàng gia tăng tiềm lực tài chính và phục vụ cho chiến lược phát triển trung và dài hạn của ngân hàng.
Với HDBank, số vốn điều lệ tăng thêm được dự kiến sử dụng để cho vay trung dài hạn (khoảng 4.000 tỷ đồng), phần còn lại sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động cho ngân hàng.
Hay OCB cũng dự tính số tiền thu được từ việc tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng phần lớn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (hơn 3.200 tỷ đồng). Bên cạnh đó còn để đầu tư công nghệ, nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định,…
Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, tính đến tháng 9/2021, CAR của nhóm NHTM cổ phần ở mức 11,38%; còn CAR của nhóm NHTM có vốn nhà nước ở 9,17%... Dù cao hơn so với quy định tại Thông tư 41/2016/TT – NHNN (theo quy định là 8%) nhưng để đáp ứng các nhu cầu phát triển an toàn, lành mạnh trước những biến động của thị trường thì việc tăng vốn để tăng hệ số CAR là điều cần thiết đối với các ngân hàng.
Với hệ số CAR như hiện nay, một nghiên cứu của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings gần đây cho rằng, quy mô vốn của các ngân hàng Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 10,7 tỷ USD trong 2 - 3 năm tới để đạt các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định.
Theo ông Tamma Febrian, Giám đốc hợp danh, các định chế tài chính, ngân hàng của Fitch Ratings nhận định: “Tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam rất nhanh những năm gần đây đòi hỏi quy mô vốn của các ngân hàng cũng phải mở rộng, đảm bảo các tỷ lệ về an toàn. Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để nâng vốn, cải thiện chỉ số CAR”.