Vốn trong ngân hàng không thiếu nhưng phải lựa chọn kỹ càng doanh nghiệp để giải ngân |
Trước bối cảnh khó khăn về nguồn vốn của nền kinh tế, nhiều ngân hàng không thể cho vay do hết room, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room thêm 1,5%-2% trên chỉ tiêu 14% để tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt trên 15,5-16%.
Theo đó, từ nay đến hết năm, hệ thống ngân hàng phải cung ứng ra nền kinh tế từ 3,5%-4% chỉ tiêu tín dụng, tương ứng khoảng 300.000-400.000 tỷ đồng.
Tại Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp", ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, thống kê tháng 12 hàng năm hệ thống ngân hàng chỉ có khoảng 2%-2,2% nhưng năm nay có tới 3,5%-4% chứng tỏ nguồn vốn tín dụng rất nhiều. Các ngân hàng cũng rất mong muốn cho vay vì họ phải trả lãi tiền gửi cho khách hàng, càng đọng vốn càng tăng chi phí.
Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp đang rất “khát vốn” nhưng ngành ngân hàng vẫn coi việc “tiêu” hết số tiền trên là một thách thức. Bởi lẽ, các tổ chức tín dụng cũng là các doanh nghiệp, cho vay trên các điều kiện, điều khoản cho vay, không thể hạ chuẩn cho vay những doanh nghiệp đang làm ăn thua lỗ…
“Trong bối cảnh này, ngân hàng thương mại phải “đốt đuốc” đi tìm doanh nghiệp tốt dù vốn tín dụng không thiếu”, ông Quang chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng nhưng lại thuộc nhóm “khát”vốn nhất.
Tuy nhiên, ở thời điểm này các ngân hàng lại rất cẩn trọng để đảm bảo nguồn vốn và không dễ dàng hạ điều kiện tín dụng, nói cách khác nới room không có nghĩa là nới điều kiện, vẫn phải đảm bảo đúng nguyên tắc.
“Ngân hàng phải xem doanh nghiệp vay vốn để làm gì, để sản xuất gì, đầu ra ở đâu, có hiệu quả hay không. Khi nới room thêm 1,5-2%, nhà điều hành đã tính toán rất kỹ để cân đối các yếu tố vĩ mô, tỷ giá và lãi suất. Mọi quyết định trong năm nay sẽ ảnh hưởng tới năm sau, chứ không phải hành động trong năm nay thì chỉ năm nay mới chịu tác động”, ông Hùng nhận định.
Thực tế, việc các ngân hàng không hạ chuẩn cho vay cũng là đi đúng với định hướng của NHNN là nguồn vốn phải được chảy vào những ngành ưu tiên, những doanh nghiệp tốt.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Theo đó, Thủ tướng giao Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Các nhà băng phải tiết giảm chi phí, thủ tục hành chính... để có dư địa giảm thêm lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, và góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Tín dụng phải rót vào các lĩnh vưc ưu tiên, động lực tăng trưởng kinh tế như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...", công điện của Thủ tướng nêu.
Cùng với đó, ngành ngân hàng cần nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
Tuệ Minh