Vốn ngoại đổ vào các dự án startup "xanh" ngày một nhiều

19/08/2022 - 03:55
(Bankviet.com) Các startup xanh đang là trọng tâm, xu hướng được ưu tiên đầu tư với các nhà đầu tư toàn cầu. Điều này đương nhiên dẫn đến sự biến chuyển trong “xu hướng xanh” của startup và doanh nghiệp.

Trên thực tế, môi trường, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đã và đang trở thành xu hướng được ưu tiên đầu tư với các nhà đầu tư toàn cầu. Dẫn “Khảo sát các nhà đầu tư toàn cầu của PWC”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) – United Way Việt Nam, Trưởng làng Thách thức và Sáng tạo xã hội – Techfest khẳng định, các nhà đầu tư toàn cầu đang quan tâm và ưu tiên hàng đầu cho đầu tư vào các doanh nghiệp tập trung vào ESG (môi trường, xã hội và quản trị tổ chức).

Theo đó, hơn 75% nhà đầu tư toàn cầu khẳng định cân nhắc về tiềm năng hoặc ra các quyết định đầu tư cho các doanh nghiệp tập trung vào ESG và coi đó là một phần cốt lõi của chiến lược phát triển doanh nghiệp. Báo cáo cũng chỉ ra các doanh nghiệp tập trung vào ESG hay nói cách khác là các doanh nghiệp, các startup xanh đang là trọng tâm, xu hướng được ưu tiên đầu tư với các nhà đầu tư toàn cầu. Điều này đương nhiên dẫn đến sự biến chuyển trong “xu hướng xanh” của startup và doanh nghiệp.

3344-xanh
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nhiều cơ hội phát triển, gọi vốn

Tại Việt Nam, khái niệm “startup xanh” vẫn còn mới mẻ nhưng bắt đầu có những sự chuyển dịch tích cực. Dù chưa có số liệu thống kê hay đánh giá cụ thể về dòng vốn nước ngoài đổ vào startup xanh tại Việt Nam nhưng với xu hướng toàn cầu, bà Linh đánh giá dòng vốn này đang tăng lên đáng kể, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài mới xuất hiện tại Việt Nam hoặc thêm các tiêu chí đánh giá về độ “xanh” của doanh nghiệp trong quyết định đầu tư.

Cũng giống như bất kỳ các startup nào, các startup xanh cũng phải loay hoay trong tiến trình thành lập, tăng trưởng, quản lý, gọi vốn. “Nhưng riêng về gọi vốn, các startup xanh, khác với các startup khác, có lợi thế tiếp cận được thêm các nguồn tài trợ bền vững từ các chính phủ, các quỹ phát triển, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước và các chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tập đoàn”, bà Linh nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Francis Tuấn Anh, Cố vấn đối tác chiến lược của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, có một thực trạng mà nhiều người chưa biết rằng Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia có rác thải nhựa ra đại dương xanh nhiều nhất.

Tại COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ. “Điều này đồng nghĩa với việc có nhiều lý do khách quan chứ không phải chủ quan nữa để các startup đã và đang thành lập giải quyết bài toán kinh tế xanh, tăng trưởng xanh”, ông Tuấn Anh cho biết.

Startup xanh cần làm gì để thu hút nhà đầu tư?

Trên thực tế, theo các nhà quan sát, nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế hay tổ chức phi chính phủ (NGO) đang đổ về để giúp Việt Nam có thể giải quyết các bài toán về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. “Tuy nhiên, để thu phục các nhà đầu tư nước ngoài, dù với quỹ có lợi nhuận hay phi lợi nhuận không hề dễ”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Với Việt Nam, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh dường như mới đang chỉ bắt đầu nhưng trên thế giới, nhiều quốc gia đã quan tâm và thực hiện từ rất lâu. “Bài học đầu tiên mà các công ty khởi nghiệp Việt Nam nên học là đi ra thế giới xem họ đã làm gì và họ đang giải quyết các bài toán đó như thế nào”, ông Tuấn Anh gợi ý.

Để thành công trong lĩnh vực này, ông Tuấn Anh cho rằng các doanh nghiệp cần có công nghệ, dù là “Made in Vietnam” đi nữa thì phải được chấp nhận và dùng trên khắp thế giới. Còn nếu tư duy chỉ là Made in Vietnam thì doanh nghiệp sẽ không thể thành công.

Theo ông Tuấn Anh, các nhà đầu tư sẽ cần phải thấy được những nhà sáng lập thực sự có đam mê, nhiệt huyết các bài toán về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng xanh. “Ở một số trường hợp, kể cả khi tiềm năng của các doanh nghiệp khởi nghiệp chưa đạt mức tối đa, nhưng khi niềm đam mê của các nhà sáng lập đủ lớn, đủ “đốt cháy” thì có thể thu phục nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chỉ có niềm đam mê thôi là chưa đủ. Các nhà sáng lập cũng cần có kiến thức vững vàng trong lĩnh vực này và có uy tín cũng như khả năng mang lại hiệu quả kinh doanh cho dự án của họ. “Tôi rất tâm đắc bốn chữ T mà một nhà lãnh đạo Việt Nam từng nói, “Tâm, Tầm, Tiếng, Tiền”. Bốn chữ T này hoàn toàn có thể áp dụng cho các công ty khởi nghiệp, nếu họ muốn thành công và có thể thu hút các nhà đầu tư dù là có lợi nhuận hay phi lợi nhuận”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Covid-19, các thách thức của môi trường càng rõ nét hơn, với các vấn đề về đói nghèo và bất bình đẳng gia tăng, thì việc giải được bài toán “nỗi đau” của xã hội, doanh nghiệp hay chính phủ chắc chắn là vấn đề ưu tiên và là nhu cầu hàng đầu của thị trường.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới cũng đã đưa ra 10 xu hướng công nghệ phát triển mạnh đáp ứng các nhu cầu của khách hàng, đặc biệt, trong đó nêu bật các xu hướng công nghệ về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận cho cả các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người nghèo, người khuyết tật, dễ bị bỏ lại phía sau, thúc đẩy chuỗi cung ứng.

“Chắc chắn đây là cơ hội thúc đẩy các xu hướng công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo xã hội vì bền vững, tạo ra “cổ tức kép”, vừa giải bài toán kinh tế - lợi nhuận, vừa phát triển xã hội”, bà Linh nói và nhấn mạnh rằng doanh nghiệp nào nắm bắt được cơ hội, xu hướng và đi đầu, dẫn dắt sự thay đổi sẽ có cơ hội phát triển và mở rộng quy mô vượt bậc trong giai đoạn này.

Số lượng startup tại Việt Nam gọi được vốn triệu USD đang tăng mạnh

Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau ...

Khởi nghiệp sáng tạo chưa thực sự nở rộ tại Việt Nam

"Để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động phát triển, cần thiết lập các cơ chế, chính sách ưu đãi riêng cho các ...

Startup Việt đang thiếu trợ lực trên "sân nhà"

Đa phần các quỹ đầu tư mạo hiểm hiện nay đều đến từ nước ngoài hoặc từ vốn ngoại, nên nguồn lực hỗ trợ startup ...

Linh Đan

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán