Từng là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam - VinaFood II (UPCoM: VSF) đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn sau khi cổ phần hóa vào năm 2018. Các kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục nhiều năm đã khiến Công ty gặp áp lực lớn, nhưng trong gần hai năm trở lại đây, VinaFood II đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục dù còn nhiều thách thức.
VinaFood II từng là đơn vị sản xuất và xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam. |
Từ năm 2018 đến năm 2022, VinaFood II liên tục báo lỗ với các con số đáng lo ngại. Lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ lần lượt âm 1.485 tỷ đồng (2018), âm 204 tỷ đồng (2019), âm 246 tỷ đồng (2020), âm 349 tỷ đồng (2021) và âm 9,22 tỷ đồng (2022).
Năm 2023 đánh dấu sự trở lại của VinaFood II với mức lãi 23,13 tỷ đồng, và nửa đầu năm 2024 tiếp tục lãi nhẹ 2,53 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận khiêm tốn, Công ty vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế lên đến 2.789,35 tỷ đồng, chiếm 55,8% vốn điều lệ tính đến cuối tháng 6/2024.
Năm 2023, điều kiện xuất khẩu gạo trở nên thuận lợi khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, giúp giá gạo Việt Nam tăng mạnh. VinaFood II đã tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu, đạt sản lượng kỷ lục 1,5 triệu tấn gạo xuất khẩu, mức cao nhất từ trước đến nay. Để đạt được kết quả này, Công ty đã tăng mạnh khoản vay nợ.
Từ ngày 1/1/2023 đến 30/6/2024, VinaFood II đã tăng vay nợ thêm 2.118,3 tỷ đồng, nâng tổng số nợ vay lên 4.677,6 tỷ đồng, tương ứng 191,7% vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với mức trung bình ngành là 72%. Đồng thời, Công ty cũng tích lũy lượng hàng tồn kho lớn, từ 1.145,2 tỷ đồng đầu năm 2023 lên 4.157,5 tỷ đồng vào giữa năm 2024, chiếm 43,5% tổng tài sản. Điều này phản ánh chiến lược tăng cường tích trữ để tận dụng cơ hội thị trường, nhưng cũng mang đến rủi ro nếu không bán được hàng.
Theo ông Nguyễn Huy Hưng, Tổng giám đốc VinaFood II, trong 9 tháng đầu năm 2024, Công ty đã mua vào 1,05 triệu tấn gạo, xuất khẩu 706.765 tấn và bán ra thị trường nội địa hơn 205.000 tấn gạo. Kim ngạch xuất khẩu hơn 427 triệu USD, đạt doanh thu hơn 16.000 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 123 tỷ đồng.
Hiện tại, xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục đạt những kết quả ấn tượng. Đặc biệt, trong năm 2023, Việt Nam đã đạt mức xuất khẩu hơn 8,13 triệu tấn gạo, mang về 4,67 tỷ USD. So với năm 2022, lượng gạo xuất khẩu tăng 14,4% và giá trị kim ngạch tăng mạnh 35,3%. Đến 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu trên 7 triệu tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, thu về 4,37 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Cuối tháng 9/2024, Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – đã tái xuất khẩu gạo trắng non-basmati khi lượng tồn kho tăng cao. Việc Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu đã làm giá gạo giảm mạnh. Cụ thể, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan đã giảm 21,7% từ 650 USD/tấn vào tháng 5 xuống còn 509 USD/tấn vào đầu tháng 10/2024, mức thấp nhất trong 15 tháng qua.
Diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và đặt ra thách thức lớn cho VinaFood II trong việc duy trì đà tăng trưởng.
Khởi tố, bắt tạm giam cựu Chủ tịch, cựu Tổng giám đốc Vinafood II vì bán rẻ "đất vàng" cho tư nhân Đây là hoạt động mở rộng điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất ... |
Cổ phiếu Vinafood II tăng bốc lên đỉnh, Tập đoàn T&T của bầu Hiển tạm lãi 3.600 tỷ đồng Cú sốc cung trên thị trường lương thực thế giới đã “châm ngòi” cho sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu lúa gạo trên thị ... |
Hy hữu: Vinafood II (VSF) “quên” không ghi nhận khoản phải thu dài hạn hơn 620 tỷ đồng trong báo cáo tài chính Mới đây, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II, UPCoM: VSF) đã có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ... |
Đông Quân