EU đòi hỏi tiêu chuẩn ngày càng cao
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết: Sau 4 năm triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cho thấy kỳ vọng về sự tăng trưởng thương mại Việt Nam EU đã trở thành hiện thực.
Với cơ cấu hàng hóa bổ sung lẫn nhau, lợi thế từ thực thi EVFTA đã giúp trao đổi thương mại hai chiều nói chung và xuất khẩu Việt Nam sang EU nói riêng tăng trưởng ấn tượng. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản… tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi liên tục tăng cao.
Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên |
Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với các nước châu Âu ước đạt 72,3 tỷ USD, giảm 5,3% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 53,3 tỷ USD, giảm 4,7% và nhập khẩu ước đạt gần 19 tỷ USD, giảm 6,8%. Thặng dư thương mại của Việt Nam với thị trường châu Âu trong năm 2023 ước đạt 34,3 tỷ USD.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc); thị trường xuất khẩu thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) và thị trường nhập khẩu thứ 5 (sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan).
7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang EU 29,3 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ, ghi nhận sự phục hồi nhanh chóng. Xuất khẩu tăng nhanh, đẩy xuất siêu sang EU đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4%.
Tuy nhiên, những lợi thế và kết quả này dự báo sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới bởi EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa theo hướng có lợi cho sức khỏe người dùng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… gọi chung là các "tiêu chuẩn xanh".
Đây không chỉ là thách thức đối với doanh nghiệp mới xuất khẩu sang EU mà cả những doanh nghiệp đã có kinh nghiệm tại thị trường này. Bởi các tiêu chuẩn vốn đã quen thuộc đang dần được thay đổi, bổ sung theo hướng yêu cầu cao hơn, xanh hơn.
"Do đó, để xuất khẩu bền vững buộc doanh nghiệp Việt Nam phải đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường của EU và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững", ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh.
Da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực sang EU. Ảnh: Văn Tuyên |
Đánh giá tác động của những quy định này, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng: Hiện nay vẫn chưa có thông tin đầy đủ về việc các doanh nghiệp Việt Nam đang thích ứng hay đang sẵn sàng ở mức độ nào đối với việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hay yêu cầu về bền vững của EU.
Nhưng bà Trang khẳng định, chắc chắn những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU bao trùm gần như tất cả những sản phẩm được xem là thế mạnh của chúng ta khi xuất khẩu vào thị trường EU như nông thủy sản, đồ gỗ, những mặt hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng như dệt may, da giày… Những mặt hàng này đều là một trong những đối tượng được xem là trọng tâm trong việc chuyển đổi xanh của phía EU.
"Cho nên chắc chắn là số lượng, phạm vi các doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi các quy định trên là rất lớn", bà Trang nhấn mạnh.
Coi "tiêu chuẩn xanh" là động lực
Để tiếp tục tận dụng hiệu quả EVFTA thời gian tới, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn đã và đang chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình này.
Đơn cử, thời gian qua, dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, đến nay ngành dệt may lại là một trong những ngành đang gặp những khó khăn nhất định trước những tiêu chuẩn xanh mà thị trường này đang đặt ra.
Sản xuất xanh là hướng đi bắt buộc đối với doanh nghiệp dệt may Ảnh: Cấn Dũng |
Ông Vương Đức Anh - Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, thị trường EU đã luật hóa tất cả những quy định liên quan đến phát triển bền vững và họ có xu hướng yêu cầu những quy định liên quan đến phát triển bền vững không phải ở góc độ mang tính tự nguyện mà là yêu cầu bắt buộc.
"Tập đoàn đang chủ động khâu đào tạo nhân sự cho chiến lược phát triển bền vững này để thay đổi nhận thức về tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất thử nghiệm đối với mặt hàng phát triển bền vững thực sự sẽ rất tốn kém, tốn nhiều chi phí và đang là mục tiêu nằm trong chiến lược trung và dài hạn", ông Vương Đức Anh chia sẻ.
Đối với ngành lúa gạo, hiện nay, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) chưa áp dụng đối với ngành hàng này, song ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, Lộc Trời đã và đang chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai khi phối hợp với người nông dân xây dựng chuỗi liên kết bền vững, hướng tới sản xuất giảm phát thải để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Dominik Meichle. Ảnh: EuroCham |
Để nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong bối cảnh EU đang áp dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn xanh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Dominik Meichle cho rằng: Thị trường châu Âu rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để mở ra cơ hội, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các quy định bền vững của Thỏa thuận Xanh EU (EGD).
Các quy định liên quan tới lĩnh vực phát thải carbon, phá rừng và thẩm định, đòi hỏi đầu tư đáng kể vào lao động lành nghề, công nghệ và tài nguyên.
Tuy nhiên, thay vì coi những yêu cầu này là rào cản gia nhập, các doanh nghiệp Việt Nam nên coi chúng là động lực để đầu tư chiến lược vào lực lượng lao động và hoạt động của mình. Bằng cách trang bị cho nhân viên kiến thức và kỹ năng về thực hành bền vững, tuân thủ và công nghệ xanh, doanh nghiệp có thể kích thích đổi mới và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn.
Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ và thực tiễn xanh, chẳng hạn như thiết bị tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo, tái chế nước và kỹ thuật giảm thiểu chất thải - không chỉ có thể giúp đáp ứng các tiêu chuẩn của EU mà còn giảm đáng kể chi phí và tăng hiệu quả hoạt động, biến việc tuân thủ thành một lợi thế cạnh tranh.
"EuroCham hướng tới một môi trường kinh doanh thịnh vượng cho tất cả thành viên trên khắp Việt Nam. Quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của EuroCham và chúng tôi hoàn toàn cam kết hỗ trợ mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", ông Dominik Meichle khẳng định.