Xây dựng “barie” để lọc các dự án FDI kém chất lượng

17/11/2022 - 18:22
(Bankviet.com) Mặc dù chính sách thu hút đầu tư liên tục được sửa đổi, bổ sung, Bộ Chính trị cũng đã ban hành một Nghị quyết riêng về thu hút đầu tư nước ngoài, song Việt Nam vẫn đang thiếu vắng những hướng dẫn chi tiết hay những công cụ hỗ trợ việc sàng lọc, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các địa phương.

 

Thông tin tại hội thảo "Bộ công cụ sàng lọc các dự án đầu tư tại Việt Nam" do Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 16/11, ông Đậu Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh, trải qua 35 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) năm1987 được ban hành, Việt Nam đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà ĐTNN. Đây cũng là điểm sáng trong phát triển kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua.

Vẫn còn những hệ lụy buồn 

Tuy nhiên, thu hút ĐTNN (FDI) cũng đã bộc lộ một số mặt hạn chế: một số DN FDI chuyển giá và trốn thuế; một số DN khác phớt lờ các quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam và kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội.

Vụ việc tại biển miền Trung năm 2016 hay xa hơn là vụ việc xả thải ra sông Thị Vải năm 2009 là những lời nhắc nhở về những rủi ro tiềm tàng đối với môi trường mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát tốt.

Theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi rường) tại 28 tỉnh phía Bắc từ năm 2017 đến năm 2019, tỷ lệ DN FDI vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tăng lên. Cụ thể, năm 2017 có 44,5% DN FDI vi phạm; năm 2018 là 56% và đến năm 2019 con số này là 68%.

Bên cạnh đó, tình trạng người lao động bị đối xử thiếu công bằng, thậm chí ngược đãi cũng đã xảy ra tại một số DN FDI. Các số liệu thống kê cũng ghi nhận vấn đề đình công tập thể diễn ra thường xuyên hơn đối với các DN FDI so với các DN tư nhân Việt Nam.

Hơn nữa, theo nghiên cứu của VCCI, quy mô vốn trung bình một dự án FDI có xu hướng nhỏ lại. Chỉ khoảng 5% dự án sử dụng công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp. Mức độ nội địa hóa các sản phẩm mới đạt khoảng 20-25%, thấp hơn so với các nước trong khu vực…

Vì thế, theo ông Đậu Anh Tuấn, câu hỏi đặt ra là làm sao để thu hút các dự án FDI có chất lượng từ các nhà đầu tư với định hướng kinh doanh có trách nhiệm, giảm thiểu các rủi ro về kinh tế-xã hội và môi trường do các dự án FDI kém chất lượng gây ra?

Kêu gọi hành động

Kể từ khi Luật ĐTNN được ban hành năm 1987, khung khổ pháp lý cũng đã có những điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư nói chung và ĐTNN nói riêng. Mới đây nhất, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 và nhiều luật chuyên ngành khác được ban hành, sửa đổi…

Đặc biệt, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ĐTNN đến năm 2030. Nghị quyết được đánh giá là đã đặt nền tảng mới cho chiến lược thu hút FDI của Việt Nam, tạo cơ hội hướng tới các nguồn FDI chất lượng cao.

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, trong thu hút FDI để thu hút các dự án FDI chất lượng hay các dự án kinh doanh có trách nhiệm, Việt Nam vẫn đang thiếu vắng những hướng dẫn chi tiết hay những công cụ hỗ trợ việc sàng lọc, đánh giá, thẩm định dự án đầu tư ở các địa phương.

“Bối cảnh hiện nay phù hợp để ngoài việc thực hiện đúng quy định pháp luật đưa vào những tiêu chí mới trong việc lựa chọn dự án FDI theo hướng khuyến khích các dự án kinh doanh có trách nhiệm, có đóng góp tích cực đến KT-XH & MT của địa phương…” Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn phát biểu.

Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, VCCI và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đang kết hợp xây dựng bộ công cụ sàng lọc để thu hút các dự án FDI  có chất lượng, có đóng góp tích cực đến kinh tế - xã hội và môi trường của địa phương…

Cấu trúc bộ công cụ sáng lọc dự án đầu tư

Chia sẻ ý tưởng xây dựng bộ công cụ, Trưởng ban Pháp chê VCCI cho biết, đây là danh mục (checklist) các yếu tố mà các địa phương cần đánh giá khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép đầu tư từ nhà ĐTNN. 

Công cụ sẽ gồm: Các đánh giá bắt buộc về việc liệu dự án có tuân thủ các quy định pháp luật về đầu tư tại Việt Nam; Các đánh giá bắt buộc về những rủi ro tiềm ẩn về kinh tế- xã hội và môi trường; và các tiêu chí khuyến khích DN tuân thủ dựa trên các thông lệ quốc tế và thực tiễn tốt về kinh doanh có trách nhiệm.

Bộ công cụ này nhằm hỗ trợ chính quyền các địa phương trong công tác đánh giá, thẩm định mức độ đóng góp và tác động tiềm ẩn của các dự án FDI xin cấp phép đầu tư tại địa bàn; Góp phần thúc đẩy thực hiện các chủ trương nêu ra tại Nghị quyết 50- NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 – 2030 của Chính Phủ.

“Chúng tôi kêu gọi Bộ KHĐT và các bộ ngành liên quan cùng xây dựng, hoàn thiện và triển khai bộ công cụ này một cách chính thức trong công tác thẩm định dự án FDI tại các địa phương; Tham mưu xây dựng khung khổ pháp lý cho việc thu hút các dự án đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm. Với các địa phương, cần vận dụng công cụ thường xuyên trong công tác thẩm định dự án FDI; Xây dựng các cơ chế hỗ trợ thích hợp cho các dự án đầu tư đáp ứng các tiêu chí về kinh doanh có trách nhiệm. Với các nhà đầu tư, cần tìm hiểu bộ công cụ để có kế hoạch chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu bắt buộc theo quy định pháp luật; khuyến khích đáp ứng các tiêu chí về kinh doanh có trách nhiệm…”- Trưởng ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh.

Dự án đầu tư có thể có ảnh hưởng đến sự tiến triển của toàn bộ các Mục tiêu phát triển bền vững

Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi nhận định, nhiều dự án đầu tư có thể có ảnh hưởng đến sự tiến triển của toàn bộ các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); nhưng cũng không phải tất cả các dự án đầu tư đều đóng góp cho sự phát triển bền vững. Việc đầu tư có trách nhiệm có thể đảm bảo rằng việc đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho con người, môi trường và nền kinh tế tại Việt Nam. Vì lẽ đó, cần có góc nhìn để cân bằng mục tiêu phát triển kinh tế với mục tiêu môi trường và xã hội để thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Theo đại diện UNDP, Việt Nam cần ưu tiên ĐTNN có chất lượng, tạo lợi ích cho nền kinh tế. Song song với đó cần giữ các khoảng không chính sách liên quan đến các hiệp định đầu tư quốc tế và các cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước – nhà đầu tư. Quan trọng hơn là tạo ra cơ chế thúc đẩy sự thống nhất trong việc thực thi chính sách.

"Cần triển khai các công cụ rà soát, các bộ lọc để sàng lọc các dự án đầu tư, kinh doanh có trách nhiệm như một yêu cầu cho việc chấp thuận đầu tư...", bà Ramla Khalidi khuyến nghị.

 

Thanh Thanh -

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ