Thuế phí kém linh động khó “kìm” giá xăng
Từ đầu năm 2022 đến ngày 11/3/2022, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh tăng giá xăng, dầu 6 lần. Theo đó, giá xăng tăng từ 5.830-6.350 đ/lít (tương đương tăng từ 24,9-26,5%); giá dầu tăng từ 4.620-7.030 đ/lít (tương đương tăng từ 28,1-39,6%).
Trên thế giới, giá xăng dầu tại nhiều quốc gia cũng không đứng ngoài vòng xoáy tăng giá và thậm chí ở nhiều nước giá xăng dầu cao hơn hẳn so với giá mặt hàng này tại Việt Nam.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Ô tô Mỹ, giá bán lẻ xăng bình quân trên toàn quốc là hơn 3,5 USD cho 1 gallon, tức khoảng 92 cent/lít (tương đương gần 22 nghìn đồng), tăng 5% so với đầu tháng 1/2022 và tăng hơn 39% so với đầu năm 2021. Cơ quan này cũng dự báo giá xăng bán lẻ ở Mỹ có thể vượt 4 USD/gallon thời gian tới.
Tại Bỉ, giá xăng cũng tăng cao chưa từng thấy, giá xăng bán lẻ E95 tại nước này là 1,66 Euro/lít (tức khoảng gần 45 nghìn đồng/lít); tại Hà Lan, giá xăng thậm chí còn cao hơn, 2,16 Euro/lít, tức khoảng 56 nghìn đồng Việt Nam.
Các nước như Iceland, Nauy, Phần Lan, Đan Mạch, giá xăng hiện đều ở ngưỡng 50 nghìn đồng/lít.
Tại châu Á, giá xăng bán lẻ tại Australia đã tăng 30% kể từ đầu tháng 1/2021, hiện ở mức 1,3 USD/lít (hơn 30 nghìn đồng). Trong khi Nhật Bản, con số này tăng 10,5%. Giá xăng tại Nhật Bản là 168 yên/lít (hơn 33 nghìn đồng).
Tại Đông Nam Á, giá xăng bán lẻ tại Thái Lan cũng tăng 35%, từ mốc 1 USD/lít vào tháng 1/2021 lên 1,35 USD/lít (gần 32 nghìn đồng) vào tuần qua.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), hiện xăng dầu tại Việt Nam có giá bán lẻ thấp thứ 74 trên thế giới, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Singapore... Cụ thể, mỗi lít xăng RON 95 có mức giá là 29.824 đồng/lít, tương đương khoảng 1,30 USD, chỉ nhỉnh hơn một chút so với giá xăng trung bình trên thế giới. Vì vậy xét về mặt bằng chung, giá xăng dầu tại Việt Nam vẫn ở mức khá “dễ thở” so với các nước trên thế giới và khu vực.
Tuy nhiên ở Việt Nam, báo cáo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại lý giải rõ, trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...). “Do thuế bảo vệ môi trường là cố định nên tỷ trọng của nhóm này sẽ giảm khi giá bán lẻ xăng tăng vì khi đó các cấu phần khác của giá như giá đầu vào, các loại thuế tương đối tính theo % sẽ tăng lên”- báo cáo phân tích kỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem lại thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với các mặt hàng xăng. Mục đích của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào hàng hóa xa xỉ như ôtô, máy bay, du thuyền... hoặc sản phẩm không khuyến khích tiêu dùng như rượu, bia, thuốc lá...Trong khi đó xăng là mặt hàng thiết yếu, người giàu lẫn người nghèo đều phải dùng, sao lại buộc bên mua chịu thuế suất cao đến thế?
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến băn khoăn giá dầu trên thế giới tăng đành phải chấp nhận, nhưng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng hiện quá cao. Trao đổi với báo Công Thương, TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, để “hạ nhiệt” giá xăng dầu trong nước, giảm thuế, phí được coi là giải pháp quan trọng nhất thời gian này. “Bởi vậy, trong số các giải pháp giúp cải thiện áp lực tăng giá bán lẻ xăng dầu, thì việc điều chỉnh cơ cấu mức thu ngân sách Nhà nước qua giá xăng dầu cả về mức và thời gian áp dụng là cần thiết. Trong đó, giảm mức thuế bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là việc cần làm ngay vì việc triển khai đơn giản và có tính khả thi cao”- TS. Nguyễn Minh Phong đề xuất.
Ngay như trong dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 do Bộ Tài chính soạn thảo cũng cho thấy chưa thật sự linh hoạt giữa bối cảnh hiện tại, nhất là khi ban đầu đề xuất phương án giảm thuế BVMT đối với xăng chỉ giảm có 1.000 đồng/lít và 500 đồng/lít, kg với dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 1/4/2022 tới hết năm 2022.
Lẽ ra, Bộ Tài chính cần phải nghiên cứu thực tế, tính toán cụ thể và có đề nghị giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg... ngay từ đầu chứ không phải đợi đến khi giá dầu trên thị trường quá cao, không thể "đỡ" nổi mới quyết định giảm 50% thuế như đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các Bộ cũng như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị thông qua để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022 theo đề nghị của Bộ Tài chính. Mức giảm thuế này giúp hạ nhiệt giá xăng dầu, từ đó hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Nhiều nước giảm thuế để “hạ nhiệt” giá xăng dầu
Theo kinh nghiệm quốc tế, trước diễn biến giá dầu thô liên tục tăng cao gần đây, nhằm giảm bớt tác động tiêu cực với người dân, một số nước đã giảm thuế xăng dầu.
Đơn cử, Hàn Quốc đã giảm 20% thuế nhiên liệu cho xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng trong 6 tháng từ 12/11/2021 đến hết tháng 4 năm nay.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cũng đưa dữ liệu, đối với Thái Lan, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và gasohol, hỗn hợp của ethanol và benzine, hiện ở mức 5,2-5,87 baht/lít. Chính phủ Thái Lan đang kiểm soát giá dầu diesel trong nước bằng cách sử dụng trợ cấp từ Quỹ nhiên liệu dầu mỏ và cắt giảm một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong ba tháng để giới hạn giá ở mức dưới 30 baht một lít. Người dùng thường bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với động cơ diesel ở mức 5,99 baht/lít.
Gần đây, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) đã kêu gọi chính phủ thiết kế lại cơ cấu giá xăng dầu trong nước để đối phó tốt hơn với tác động của việc giá dầu toàn cầu tăng mạnh, theo đó đề nghị chính phủ đưa ra một đợt cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tạm thời khác là 3 baht/lít đối với benzine.
Hay như đối với Hoa Kỳ, phần thuế áp trên giá xăng ở nước này chỉ góp khoảng 17% tổng giá bán, mức thấp nhất trong số các nước thuộc nhóm G7. Đó là lý do vì sao Mỹ là nước duy nhất trong nhóm G7 có giá xăng bán lẻ thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Để sản xuất ra được xăng thành phẩm, Mỹ phải chi ra khoảng 65% trên tổng giá bán lẻ xăng (53% dầu thô + 12% lọc dầu). Đây là một mức tỷ lệ chi phí sản xuất khá cao, chưa kể còn phải cộng thêm chi phí vận chuyển và phân phối trước khi bán ra cho khách hàng. Chính vì muốn giữ giá xăng thấp để doanh nghiệp Mỹ được hưởng lợi về mặt chi phí sản xuất nên Mỹ buộc phải đánh thuế thấp cho mặt hàng này.
Đáng chú ý với Australia, giữa tháng 3/2022, một số chính quyền tiểu bang đã kêu gọi chính phủ liên bang cắt giảm một phần khoản thuế tiêu thụ đặc biệt cho xăng và dầu diesel hiện trị giá 20,8 tỷ đô la Úc, để giảm bớt áp lực cho các gia đình ở nhà cung cấp, trong kế hoạch ngân sách liên bang sẽ được ấn định vào ngày 29/3/2022.
Đề xuất giải pháp ứng phó với giá dầu tăng cao như hiện nay, một số chuyên gia kinh tế cũng “hiến kế”, Việt Nam có thể tham khảo các nước lớn trên thế giới với các giải pháp kìm giá xăng dầu ra sao để điều tiết thị trường khi giá dầu cao nhằm góp phần bình ổn thị trường đối với mặt hàng này.
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường, các cơ quan chức năng cần phối hợp tốt trong công tác điều hành giá, quản lý thị trường, đồng thời nâng cao năng lực khai thác, lọc hóa dầu trong nước nhằm giảm đến mức thấp nhất những tác động xấu đến nền kinh tế. |