Thanh toán trong thương mại quốc tế bằng đồng USD đã trở thành thông lệ gần như phổ biến trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác đề xuất và dồn mọi nỗ lực “phi đô la hóa”, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường thế giới diễn ra ngày càng quyết liệt, đồng USD được cho là đã bị “vũ khí hóa”. Trên thực tế, hiện đã có 8 nước tham gia phong trào “phi đô la hóa” và sử dụng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc làm đồng tiền thay thế, bao gồm Brazil, Nga, Argentina, Saudi Arabia, Bangladet, Pakistan, Iraq và Thái Lan1.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đang nỗ lực loại bỏ sự phụ thuộc vào đồng USD. Một mặt, Trung Quốc tăng cường thực hiện chiến lược “quốc tế hóa” đồng NDT thông qua việc ký kết Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với hàng loạt các quốc gia, nhằm làm cho đồng tiền này được sử dụng rộng rãi bởi chính phủ và khu vực tư nhân, ở cả trong và ngoài nước, giữa các nước khác với nhau. Trung Quốc đã ký kết 40 thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các nước, trong đó 29 thỏa thuận còn hiệu lực, quy mô hơn 4 nghìn tỉ NDT2. Mặt khác, Trung Quốc đẩy nhanh việc đa dạng hóa quỹ dự trữ ngoại hối của mình, trong đó giảm bớt các tài sản bằng đồng USD và thay thế vào đó là các đồng tiền khác như đồng yen Nhật và đồng euro.
Chính phủ Trung Quốc có quyết tâm lớn trong thúc đẩy và có lộ trình cụ thể cho tiến trình quốc tế hóa NDT. Thông qua các giải pháp như dùng Hồng Kông làm thí điểm cho việc quốc tế hóa NDT; thông qua các trung tâm tài chính quốc tế để mở rộng giao dịch tiền tệ, tạo sức lan toả mạnh và rộng lớn; thúc đẩy thanh toán tiền NDT vào các nước láng giềng và thông qua các nước “đại diện” làm điểm trung chuyển đối với các nước ở xa. Các lĩnh vực mà Trung Quốc thực hiện quốc tế hóa đồng NDT, bao gồm thanh toán trong các hoạt động xuất nhập khẩu; tiền gửi ngân hàng; hoán đổi tiền tệ (currency SWAP); đầu tư trực tiếp và gián tiếp (FDI, FPI); trái phiếu; dự trữ ngoại hối.
Bloomberg Intelligence dẫn dữ liệu từ Cục Quản lý ngoại tệ nhà nước Trung Quốc cho biết tỷ lệ sử dụng đồng NDT trong giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 48% trong tháng 3/2023, từ mức gần 0% vào năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ của đồng USD giảm từ 83% xuống còn 47% trong cùng giai đoạn3. Tỷ lệ này được tính toán dựa trên khối lượng của tất cả các loại giao dịch, bao gồm giao dịch chứng khoán qua hệ thống kết nối giữa các sàn ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Khối lượng các giao dịch xuyên biên giới bao gồm cả giao dịch tài khoản vốn (capital account) và tài khoản vãng lai (current account).
Với Nga, sau khi bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga đã tuyên bố sẽ “phi đô la hóa” nền kinh tế của mình với nhiều biện pháp, bao gồm việc đề nghị thiết lập nhiều cơ chế thanh toán không sử dụng đồng USD với các quốc gia thân thiện và yêu cầu các quốc gia châu Âu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble; thử nghiệm một cơ chế thanh toán mới với Ấn Độ chỉ bằng đồng rupee bắt đầu từ cuối năm 2022. Nga cũng lên kế hoạch tạo ra một loại tiền dự trữ mới với Trung Quốc để thách thức vị thế của đồng USD.
Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga hồi tháng 3/2023, Tổng thống Nga V. Putin đã cam kết sử dụng đồng NDT cho “các khoản thanh toán giữa Nga và các nước châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin” nhằm thay thế đồng USD. Tiếp đó, vào giữa tháng 7/2023, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này đã lên kế hoạch thảo luận về việc chuyển đổi sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại với các nước Đông Nam Á.
Trong tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần thứ II (7/2023), hai bên thống nhất chuyển sang sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch thương mại. Các động thái trên là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm loại bỏ đồng USD trong các giao dịch kinh doanh.
Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, tỷ trọng đồng USD và đồng euro trong các hoạt động ngoại thương của Nga tiếp tục giảm hàng tháng. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga, từ đầu năm đến tháng 10/2023, tỷ trọng tiền tệ của các quốc gia “không thân thiện” trong thanh toán xuất khẩu của Nga đã giảm gần một nửa - từ 48,6 xuống 24,7%4. Hơn 80% các khoản thanh toán giữa Nga và Trung Quốc được thực hiện bằng đồng Ruble và NDT5. Đồng Ruble của Nga và đồng tiền của các quốc gia thân thiện chiếm 70% tổng khối lượng thanh toán quốc tế của Nga6.
Và trong tương lai, Nga dự định từ bỏ hoàn toàn đồng euro và USD trong xuất khẩu năng lượng. Giám đốc điều hành ngân hàng Nga VTB, Andrey Kostin, nhận định, đồng USD đã được vũ khí hoá, do đó, các quốc gia sẽ dần ngừng sử dụng đồng tiền này trong thương mại.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) cũng thúc đẩy việc cho ra đời một loại tiền dự trữ riêng của các nước thành viên, có thể dựa trên vàng và các hàng hóa khác nhưng không phải đồng USD. Dự án này được gọi là R5 (Renminbi, Ruble, Reais, Rupee và Rands) để đề xuất loại tiền dự trữ riêng cho 5 quốc gia, cho phép các nước dần tiến hành hoạt động thương mại song phương mà không cần sử dụng đồng USD và cũng làm giảm tỷ lệ dự trữ USD quốc tế.
Từ ngày 1/1/2024, BRICS có thêm 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nước hơn tham gia phong trào “phi đô la hóa”, tăng cường giao dịch thương mại bằng nội tệ của các thành viên, thậm chí thành lập một ủy ban kỹ thuật để bắt đầu xem xét một loại tiền tệ chung tiềm năng.
Chiếm 36% diện tích đất liền thế giới, 45% tổng dân số toàn cầu, gần 40% GDP và 18% thương mại toàn cầu, BRICS có thể tạo ra một hệ thống tài chính toàn cầu độc lập có khả năng kết hợp đồng tiền của các nước đang phát triển trong các giao dịch thương mại quan trọng cũng như có thể tăng tốc quá trình “phi đô la hóa”. Bà Mihaela Papa, thành viên cấp cao của Dự án Liên minh các cường quốc mới nổi tại Đại học Tufts ở Mỹ cho rằng, các quốc gia có nhiều lý do để bày tỏ ý định gia nhập BRICS, từ việc quan tâm đến các sáng kiến kinh tế cụ thể như chuyển đổi sang đồng nội tệ cho đến “thách thức Mỹ”7.
Việc Trung Quốc, Nga và một số quốc gia khác thúc đẩy loại bỏ đồng USD, tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại quốc tế, đã tạo ra một “cú sốc” với đồng USD và cùng với đó là sự xuất hiện của một thế giới tiền tệ “đa cực”. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ đồng USD trong dự trữ ngoại hối đã giảm xuống mức 59,2% trong quý III/20238. Thay vào đó, các quốc gia đang nắm giữ ngày càng nhiều hơn các tài sản không phải USD. Theo dự báo của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, đến năm 2030, đồng NDT sẽ trở thành đồng tiền được sử dụng nhiều thứ ba trong dự trữ và thanh toán quốc tế9.
Nhiều quốc gia khác đang tìm cách sử dụng đồng nội tệ để thanh toán xuyên biên giới, như Singapore, Thái Lan đã kết nối các hệ thống thanh toán nhanh PayNow và PromptPay; Malaysia mở rộng khuôn khổ thanh toán trực tiếp bằng đồng ringgit. Các đồng tiền khác như đồng won Hàn Quốc, SGD Singapore, krona Thụy Điển, krone Na Uy và nhiều loại tiền dự trữ phi truyền thống khác đang được các quốc gia hướng tới trong dự trữ ngoại hối.
Vàng cũng tăng vị thế trong dự trữ ngoại hối toàn cầu. Tờ Business Insider cho biết, phần lớn ngân hàng trung ương trên thế giới hiện nay coi vàng là tài sản dự trữ nổi bật hơn, điều này cho thấy xu hướng phi USD hóa sẽ tiếp tục trong những năm tới. Theo báo cáo mới đây từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng giao dịch vàng toàn cầu đạt 4.899 tấn trong năm 2023, tăng 3,1% so với mức 4.741 tấn vào năm 202210. Các động lực lớn nhất cho nhu cầu vàng toàn cầu trong năm 2024 là cuộc chiến Nga-Ukraine, Israel-Hamas và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.
Trước thực tế phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế trên thế giới, nhiều chuyên gia đã khuyến cáo, cần phải thiết lập hệ thống tiền tệ toàn cầu mới theo xu thế “đa cực”. Tuy nhiên, để có thể tạo ra một thế giới tiền tệ “đa cực” hoặc “lưỡng cực”, khó khăn là không hề nhỏ. Một số nhà phân tích thậm chí còn cho rằng sẽ khó có thể loại bỏ đồng USD trong thương mại quốc tế, ngay cả khi đồng NDT của Trung Quốc đang thách thức đồng USD để trở thành một đồng tiền dự trữ thay thế.
Nhận định này không phải là không có cơ sở, bởi xét về mặt lý thuyết, một đồng tiền của một quốc gia nào đó được công nhận là đồng tiền quốc tế cần phải có những điều kiện tiên quyết, gồm nền kinh tế có đồng tiền đó phải là một nền kinh tế lớn có tầm toàn cầu; qui mô giao dịch thương mại lớn; có nền quốc phòng và quân đội hùng mạnh để giảm thiểu rủi ro bị tấn công bởi một quốc gia khác bất kỳ lúc nào. Xét về mặt lịch sử, trước khi đồng USD thống trị, thế giới đã có những đồng tiền quốc tế khác, như đồng Bảng Anh, Franc Pháp, Franc Thụy Sĩ, đồng Mác của Đức... Sau Chiến tranh thế giới thứ II, nền kinh tế Mỹ gần như không bị tàn phá bởi chiến tranh và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ cũng là một quốc gia có nền quốc phòng và quân đội hùng mạnh.
Điều quan trọng hơn cả là Mỹ đã tạo ra các yếu tố khiến đồng USD dần trở thành một đồng tiền quốc tế siêu mạnh. Những yếu tố này bao gồm: (1) Mỹ cung cấp hơn 15 tỷ USD để tài trợ Chương trình tái thiết châu Âu sau chiến tranh. (2) Mỹ là nền kinh tế lớn nhất, tiêu dùng dầu lửa và các nguyên liệu cơ bản khác lớn nhất thế giới. Do đó, việc thanh toán các hàng hóa này cũng được mặc định bằng đồng USD. (3) Đồng USD đã có sự thừa nhận và phê chuẩn rộng rãi toàn cầu từ tất cả các định chế tài chính toàn cầu. (4) Nền kinh tế Mỹ luôn thỏa mãn điều kiện tự do tài khoản vốn một cách đầy đủ nhất. (5) Thể chế của Mỹ được cho là rõ ràng, minh bạch, công khai, tạo ra lòng tin quốc tế vào USD. (6) Mỹ là nước cung ứng những phát minh và công nghệ lớn nhất cho thế giới. Vì vậy, bất kỳ quốc gia nào cũng muốn sở hữu và sử dụng USD để giao dịch với Mỹ.
Hơn nữa, theo các nhà nghiên cứu kinh tế, phi USD hóa sẽ yêu cầu một mạng lưới rộng lớn và phức tạp gồm các nhà xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tiền tệ, tổ chức phát hành trái phiếu và ngân hàng quyết định sử dụng các loại tiền tệ khác một cách độc lập. Trong khi đó, Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế học và khoa học chính trị Berkeley cho rằng: “Không có một cơ chế nào để khiến tất cả các ngân hàng, công ty và chính phủ thay đổi hành vi của họ cùng một lúc”11.
Đối với Trung Quốc, nước này tuy đã đạt được một số quan hệ đối tác với các quốc gia khác để tăng cường sự hiện diện của đồng NDT trên trường quốc tế, tuy nhiên, đồng tiền này vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong giao dịch toàn cầu. Khảo sát mới nhất từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy, đồng USD chiếm 88% tổng giao dịch hàng ngày trên toàn cầu. Trong khi đó, theo dữ liệu từ IMF, đồng bạc xanh cũng chiếm khoảng 55% tổng dự trữ của ngân hàng trung ương toàn cầu trong quý III/2023; đồng euro chiếm 20% thị phần, đồng yen Nhật và bảng Anh chiếm tổng cộng 10%, còn đồng NDT của Trung Quốc khoảng 2,4% dự trữ tiền tệ toàn cầu12.
Theo một số chuyên gia, do các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc đối với đồng NDT và tính thanh khoản kém hơn USD, nên phải mất một thời gian dài để một loại tiền tệ được tin cậy và sử dụng rộng rãi trong thương mại, và sẽ mất nhiều thời gian để lật đổ đồng USD.
Nhà kinh tế từ Đại học Boston, Jay Zagorsky bác bỏ quan điểm cho rằng, đồng USD sẽ hoàn toàn bị thay thế bởi đồng NDT, điều này là do các biện pháp kiểm soát vốn của Trung Quốc đối với đồng tiền của nước này, chẳng hạn như hạn chế số lượng NDT có thể được mang ra khỏi đất nước. Chừng nào những quy tắc đó còn được áp dụng, nó sẽ làm cho đồng NDT kém thanh khoản hơn so với các loại tiền tệ như USD, và do đó trở nên kém hấp dẫn hơn. “Các nhà đầu tư quốc tế không muốn sử dụng một loại tiền tệ khi họ lo lắng rằng tiền của họ sẽ bị mắc kẹt trong một quốc gia và họ sẽ không thể chuyển nó ra ngoài”13, Jay Zagorsky cho biết.
Đối với Nga, theo Jay Zagorsky, một trong những vấn đề chính của Nga là nền kinh tế của nước này vốn gắn liền với đồng USD thông qua thương mại dầu mỏ. Dầu thô là một trong những nguồn doanh thu chính của Nga và các giao dịch được thực hiện phần lớn bằng đồng USD. Còn Bob Stark, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường tại Kyriba - một nền tảng quản lý tiền mặt công ty, thì nhận định, Nga hiện là một nền kinh tế mong manh và gặp rất nhiều khó khăn. Những nỗ lực của Nga chỉ là một giải pháp để giữ cho nền kinh tế phát triển và duy trì hoạt động thương mại sau các lệnh trừng phạt khắc nghiệt từ phương Tây.
Ngay cả BRICS, lộ trình cạnh tranh của khối này dường như còn khá mơ hồ khi có nhiều vấn đề phức tạp phát sinh như xung đột lợi ích trong nội bộ. Ấn Độ và Trung Quốc đang có nhiều mâu thuẫn về thương mại, biên giới, trong khi Nam Phi và Brazil không thể giúp Nga nhiều do các vấn đề liên quan đến ngoại giao. BRICS được cho là khó đảm bảo đủ nguồn lực cho cuộc chiến đường dài với thế lực kinh tế như nhóm các cường quốc có nền công nghiệp phát triển (G7).
Như vậy, hiện tại, cho dù chưa có đồng tiền nào có thể kế vị đồng USD, nhưng các lựa chọn thay thế đồng USD trong các hoạt động tài chính và thương mại đang là xu hướng và có thể tạo ra một thế giới tiền tệ “đa cực”, nhằm đáp ứng thực tế phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, đây vẫn là một quá trình và tính hiện thực của nó còn đang ở phía trước./.
Tài liệu tham khảo
1 Bùi Ngọc Sơn, Phong trào phi đô la hóa (Kỳ I): “Cú sốc” với USD,https://diendandoanhnghiep.vn, ngày 23-6-2023
2,9 Đồng Nhân dân tệ tăng vị thế trong giao dịch quốc tế, https://vtv.vn, ngày 26-12-2023.
3 Trang Linh, Nhân dân tệ vượt USD trở thành đồng tiền được Trung Quốc dùng nhiều nhất trong giao dịch xuyên biên giới, https://vneconomy.vn, ngày 27-4-2023.
4,6 Nhật Trung, Đồng Rúp và đồng tiền của các quốc gia “thân thiện” chiếm tới 70% tổng khối lượng thanh toán quốc tế của Nga, https://tapchitaichinh.vn, ngày 9-2-2024.
5 Nguyễn Thu, Con số bất ngờ về tiến trình phi USD hóa trong thương mại Nga-Trung,https://kinhtedothi.vn, ngày 5-7-2023.
7 Quang Trung, Ai sẽ được hưởng lợi nếu khối BRICS mở rộng? https://vov.vn, ngày 22-8-2023.
8 Quỳnh Chi, IMF: Tỷ trọng đồng USD trong dự trữ toàn cầu giảm mạnh, https://vtv.vn, Ngày 2-1-2024.
10 Điệp Vũ, Thế giới tiêu thụ gần 5 nghìn tấn vàng trong năm 2023, https://vneconomy.vn, ngày 31-5-2023.
11,13 Hạc Hiên, Các yếu tố tác động đến quá trình phi đô la hóa,https://www.tinnhanhchungkhoan.vn, ngày 25-5-2023 (Theo báo chí nước ngoài).
12 Nguyễn Thu, Đồng USD đối mặt nguy cơ mất vị thế thống trị toàn cầu,https://kinhtedothi.vn/dong-usd-doi-mat-nguy-co-mat-vi-the-thong-tri-toan-cau.html, ngày 19-2-2024.
Nguyễn Nhâm