Tham dự Hội thảo có đại diện Vụ Pháp chế, đại diện Cục I – cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gồm: Ban Pháp luật và Nghiệp vụ, Ban Tổ chức hội viên, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, Trang tin điện tử; đại diện Công ty quản lý tài sản (VAMC); cùng với 4 thành viên Ban Chủ nhiệm, thành viên Bộ phận thường trực và toàn thể 21 đơn vị hội viên của Câu lạc bộ (CLB).
Năm khó khăn đối với công tác xử lý nợ xấu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC, Chủ nhiệm CLB AMC đánh giá trong năm 2021, đại dịch COVID - 19 có những diễn biến phức tạp, các biện pháp giãn cách xã hội đã tác động không nhỏ tới hoạt động của các TCTD, các thành viên của CLB AMC. Hội thảo quý IV nhằm tạo môi trường để các hội viên có điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tăng khả năng liên kết, phối hợp cũng như tham luận, phản biện các chính sách, tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, kích thích sự phát triển chung của ngành.
“Tôi mong rằng các đại biểu sẽ tham gia ý kiến về 3 nội dung chính: Tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động xử lý nợ tại các đơn vị hội viên; ý kiến xây dựng Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD và kết quả hoạt động năm 2021, phương hướng hoạt động năm 2022 của CLB AMC”, ông Đoàn Văn Thắng nhấn mạnh.
Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC, Chủ nhiệm CLB AMC phát biểu khai mạc
Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2021 và phương hướng hoạt động năm 2022 của CLB AMC, ông Vi Tuấn Hiệp, Trưởng ban Kế hoạch và Quản lý rủi ro VAMC cho biết, đây là năm thứ hai của nhiệm kỳ I (2020-2022), CLB AMC tiếp tục triển khai các hoạt động sau khi hoàn tất các công tác vận hành trong năm 2020. Dù đại dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp nhưng được sự chỉ đạo, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ, kịp thời của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, CLB AMC đã đạt được một số kết quả hoạt động trong công tác truyền thông, phát triển và quản lý hội viên, tổ chức và tham gia nhiều hội nghị, sự kiện, hội thảo; thực hiện tốt công tác chia sẻ thông tin, chính sách pháp luật liên quan đến nghiệp vụ xử lý nợ, phát triển thị trường mua, bán nợ.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Vi Tuấn Hiệp cho biết, đại dịch COVID -19 có tác động tiêu cực tới hiệu quả hoạt động xử lý nợ tại VAMC.
Đối với hoạt động xử lý nợ xấu từ các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB), dư nợ gốc xử lý được từ ngày 1/1/2021 đến ngày 15/11/2021 là 19.634 tỷ đồng (đạt 65,45% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 phân bổ). Trong 3 năm gần đây, kết quả xử lý thu hồi nợ xấu đã mua bằng TPĐB của VAMC có chiều hướng giảm, năm sau giảm so với năm trước khoảng 24%.
Hoạt động thu giữ, nhận bàn giao, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã mua bằng TPĐB là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được VAMC dự kiến tập trung thực hiện. Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài nên VAMC đã không thể thực hiện làm việc với các TCTD, khách hàng, chủ tài sản, khảo sát tài sản...
Dịch bệnh cũng tác động tới hoạt động xử lý nợ xấu từ các khoản nợ mua theo giá trị thị trường. Dư nợ gốc xử lý được từ ngày 1/1/2021 đến ngày 15/11/2021 là 1.634 tỷ đồng, đạt 48,03% chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 phân bổ. Việc đôn đốc khách hàng chỉ thực hiện gián tiếp qua gọi điện và gửi email, không tiếp xúc trực tiếp nên kết quả thu hồi nợ bị hạn chế. Tài sản đấu giá khó thu hồi tiền bán do khách hàng gặp khó khăn tài chính, bàn giao tài sản và hoàn tất thủ tục sau đấu giá bị đình trệ do dịch bệnh, việc tổ chức đấu giá tài sản không thể thực hiện do giãn cách xã hội... Do nguồn thu bị ảnh hưởng nên khách hàng được VAMC cơ cấu lại nợ không có khả năng trả nợ theo phương án đã được phê duyệt.
Đại điện các Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản của BIDV, MB, VietinBank... cho biết họ cũng gặp hàng loạt khó khăn khi xử lý nợ trong năm 2021.
Đại diện Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản BIDV (BAMC) cho biết, tính đến ngày 30/10/2021, BAMC chỉ xử lý được 60% kế hoạch xử lý thu hồi nợ năm 2021. BAMC đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ. Nhưng do dịch bệnh kéo dài gây đình trệ sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp suy giảm doanh thu, lợi nhuận, ảnh hưởng lớn đến nguồn trả nợ của các khách hàng, liên tục gây ra tình trạng trả nợ không đúng hạn. Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến việc tiếp xúc, trao đổi, đôn đốc khách hàng trả nợ cũng như làm việc với các cơ quan tòa án, thi hành án, chính quyền để xử lý nợ. Các công tác khảo sát tài sản bảo đảm, làm việc với khách hàng; thông báo thu giữ/đấu giá tài sản; khởi kiện, thi hành án… đều bị ảnh hưởng.
Đại diện Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng MB (MBAMC) cho biết, kết quả thu hồi nợ qua các tháng bị giảm, đặc biệt là ở các tháng dịch bùng phát mạnh tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Công tác đôn đốc khách hàng trả nợ, công tác thu giữ, nhận bàn giao tài sản bảo đảm, bán tài sản… đều gặp khó khăn do giãn cách xã hội, khách hàng không có nguồn thu.
Đặc biệt, việc xử lý nợ qua khởi kiện và thi hành án bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng như tòa án, thi hành án vẫn mang tâm lý ngại tiếp xúc với đương sự. Ở các địa bàn áp dụng chỉ thị giãn cách thì việc gặp và làm việc với thẩm phán, chấp hành viên thúc đẩy giải quyết vụ việc là rất khó khăn dẫn đến các vụ việc đã khởi kiện/yêu cầu thi hành án bị đình trệ không có tiến triển trong thời gian dài. Số lượng vụ việc khởi kiện mới và được thụ lý ở các tháng bùng phát dịch giảm mạnh, số lượng vụ việc được đưa ra xét xử để có bản án buộc khách hàng phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ không đáng kể.
Đại diện Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Vietinbank cho biết, tại thời điểm dịch, với phương châm chủ đạo hạn chế tụ tập đông người, hầu hết UBND cấp phường, Công an xã không hỗ trợ các Tổ chức tín dụng trong việc triển khai thu giữ, dẫn đến gần như nghiệp vụ thu giữ bị tê liệt.
Kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang tồn tại
Đại diện các hội viên CLB AMC họp trực tuyến tại các điểm cầu
Trước những khó khăn nói trên, các thành viên CLB AMC chia sẻ nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy công tác xử lý nợ. Đại diện VAMC, đại diện BAMC cho rằng để tranh thủ khoảng thời gian thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới và thích nghi với dịch COVID-19, có thể tổ chức đấu giá đồng thời nhiều tài sản trong cùng một thời điểm để tạo thuận lợi nhất cho khách hàng có nhu cầu tham gia đấu giá.
“Chúng ta có thể tổ chức đấu giá theo thủ tục rút gọn (với các tài sản đấu giá sau 2 lần không thành) để rút ngắn thời gian thực hiện đấu giá, nhất là trong tình hình dịch bệnh diến tiến phức tạp”, đại diện BAMC kiến nghị.
Đại diện VAMC đề xuất xây dựng phương án đấu giá trực tuyến (đi thuê của tổ chức đấu giá có hệ thống đấu giá trực tuyến) đối với một số tài sản phù hợp để đảm bảo hoạt động đấu giá không bị gián đoạn quá lâu trong trường hợp dịch bệnh phức tạp kéo dài. VAMC tập trung đấu giá tại trụ sở VAMC ở Hà Nội nhằm tận dụng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực; tổ chức đấu giá theo thủ tục rút gọn để rút ngắn thời gian thực hiện đấu giá, nhất là trong tình hình dịch bệnh diến tiến phức tạp; tập trung đôn đốc nhắc nhở khách hàng hoàn thành nghĩa vụ thanh toán sau đấu giá thành và hoàn tất bàn giao hồ sơ tài sản cho khách hàng.
Đại diện VAMC cho rằng, cần vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ, tài sản bảo đảm; chú trọng tổ chức thực hiện các hoạt động của Sàn trên nền tảng online và ứng dụng công nghệ thông tin; thực hiện công khai hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu…
Đại diện MBAMC cho rằng, khi trở lại hoạt động “bình thường mới”, cần tăng cường các biện pháp trọng tâm như khôi phục việc tác nghiệp hiện trường; tăng cường các biện pháp thúc đẩy tiến trình tố tụng tại Tòa; thi hành án để gia tăng sức ép thu hồi nợ; giải quyết những tài sản còn tồn đọng khi bị phong tỏa.
Theo đại diện MBAMC, cần áp dụng các biện pháp xử lý nợ linh hoạt, đưa ra chính sách miễn giảm lãi, giải chấp hợp lý để hỗ trợ khách hàng. Đối với những khách hàng thiện chí có thể xem xét miễn giảm lãi, phí phù hợp để khách hàng thực hiện ngay được nghĩa vụ trả nợ giảm nợ xấu cho ngân hàng.
Bên cạnh những giải pháp tình thế, về lâu dài, đại diện Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Agribank (Agribank AMC), Phó Chủ nhiệm CLB AMC cho rằng phải có Luật Xử lý nợ xấu của các TCTD. Hiện dự luật này đang trong quá trình xây dựng khung nội dung chính. Để luật khi ban hành được hoàn chỉnh và phù hợp với thực tiễn, đại diện Agribank AMC cho rằng vấn đề trích lập dự phòng rủi ro sau khi mua xong nợ và vấn đề thuế VAT khi bán nợ cần phải quy định trong Luật để rõ ràng nhằm thuận lợi cho thực thi.
Bên cạnh đó, việc bàn giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là quyền sử dụng đất thuê cho bên mua có rất nhiều thủ tục rắc rối, việc sang tên có nhiều vướng mắc. Do đó, đại diện Agribank AMC đề nghị: “bổ sung quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị phố hợp thực hiện. Khi xử lý đất thuê”.
Bổ sung quy định về kê biên định giá với tài sản bảo đảm là tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền hàng năm. Đất thuê trả tiền hàng năm không phải là tài sản thế chấp, TCTD chỉ nhận thế chấp tài sản gắn liền với đất. Nhưng theo quy định khi xử lý tài sản gắn liền với đất thì phải xử lý cùng với đất. Khi bán tài sản gắn liền với đất thì kèm theo giá trị đất thuê. Nếu không quy định rõ vấn đề định giá thì khi thực thi rất vướng.
“Đề nghị bổ sung quy định về bán quyền chủ nợ trong thủ tục phá sản. Agribank vướng mắc nhiều vụ việc tương tự khi đang xử lý nợ thì doanh nghiệp bị mở thủ tục phá sản. Chúng ta cũng cần bổ sung quy định về trách nhiệm xử lý giải tỏa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi xử lý nợ”, đại diện Agribank AMC kiến nghị.
Tiếp tục là cầu nối giữa các hội viên trong hoạt động xử lý nợ xấu
Về định hướng hoạt động trong năm 2022, báo cáo được đại diện CLB AMC trình bày tại hội nghị cho biết, CLB sẽ tăng cường hoạt động phát triển hội viên tổ chức và hội viên cá nhân theo đúng tôn chỉ mục đích và hợp tác chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức khác như CLB Pháp chế, CLB Fintech thuộc Hiệp hội Ngân hàng… CLB AMC sẽ chú trọng tổ chức các buổi tọa đàm theo chủ đề hội viên quan tâm như cơ chế chính sách đối với hoạt động xử lý nợ xấu, đặc biệt khi thời gian thí điểm thực hiện Nghị quyết 42 chỉ còn hơn 1 năm; tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động xử lý nợ... Khuyến khích các hội viên quan tâm, đăng ký thành viên, sử dụng dịch vụ và giao dịch trên Sàn giao dịch nợ VAMC, qua đó cùng tạo lập, phát triển một thị trường mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp và hiệu quả tại Việt Nam.
CLB tiếp tục tổng hợp, phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu để báo cáo Hiệp hội Ngân hàng, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp phù hợp tới các cơ quan quản lý. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực xử lý nợ theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Trưởng ban Pháp luật – Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Trưởng ban Pháp luật – Nghiệp vụ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhìn nhận xử lý nợ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng. Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tổng nợ xấu cơ cấu xác định theo Nghị quyết 42 là 424 nghìn tỷ đồng, đã xử lý được 364 nghìn tỷ đồng.
“Tôi rất vui mừng trước kết quả này, Hiệp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ tốt nhất cho các tổ chức hội viên hoàn thành nhiệm vụ trong đó có nhiệm vụ xử lý nợ. Thời gian qua, CLB AMC đã trở thành diễn đàn để thành viên chia sẻ về hoạt động xử lý nợ và cơ chế xử lý nợ chính sách. Hiệp hội sẽ hỗ trợ cho các đơn vị thành viên, CLB AMC tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị lên NHNN, Chính phủ, Quốc hội các chính sách thúc đẩy công tác xử lý nợ, xây dựng thị trường mua bán nợ”, bà Nguyễn Thị Mai Sương nói.
Nhóm Phóng viên
Theo Tạp chí Thị trường tài chính Tiền tệ