Ghi nhận trong tháng 4/2022, tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB - mã: NVB) đạt trên 77 triệu đơn vị.
Cụ thể, có tới hơn 74,3 triệu cổ phiếu NVB được trao tay theo phương thức thoả thuận, tương đương 13,3% vốn điều lệ ngân hàng. Trong khi số cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn chỉ hơn 3,2 triệu đơn vị.
Với giá đóng cửa từ 35.800 – 38.500 đồng/cp, tổng giá trị giao dịch qua phương thức thoả thuận cổ phiếu NVB trong tháng 4 đạt trên 2.700 tỷ đồng.
Giao dịch thoả thuận cổ phiếu NVB trong tháng 4
Trước đó, cổ phiếu NVB cũng nhiều lần ghi nhận giao dịch thoả thuận khủng. Chẳng hạn trong phiên 7/7/2021 và phiên sáng 8/7/2021, gần 62 triệu cổ phiếu NVB được trao tay theo phương thức thỏa thuận. Con số này tương đương với hơn 15% số lượng cổ phiếu NVB được lưu hành trên thị trường tại thời điểm này.
Ở một diễn biến khác, NCB đã chào bán 150 triệu cổ phiếu NVB cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu và dự kiến thu về 1.500 tỷ đồng bổ sung vào vốn điều lệ ngân hàng nhằm tăng vốn điều lệ lên mức 5.600 tỷ đồng.
Phía ngân hàng cho biết đây là bước đầu cho kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 – 2025 mà Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.
Về kết quả kinh doanh, tính đến ngày 31/03/2021, tổng tài sản NCB tăng nhẹ so với cuối năm 2021, lên mức gần 74 nghìn tỷ đồng.
Trong quý 1/2022, với chiến lược kinh doanh linh hoạt, tổng thu nhập thuần ngoài lãi của NCB tăng trưởng tốt. Mức tăng trưởng này đạt được thông qua các hoạt động như: Bancassurance, thu phí dịch vụ và đặc biệt thông qua các sản phẩm, dịch vụ tài chính thực hiện trên nền tảng công nghệ số hiện đại, tiêu biểu là ứng dụng ngân hàng số NCB iziMobile.
Cụ thể, thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2021; lãi từ đầu tư trái phiếu Chính phủ cũng gấp 3 lần so với cùng kỳ; thu nhập từ hoạt động khác cũng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ. Song song với việc thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, hoạt động thu hồi - xử lý nợ đạt kết quả tốt…
Đại diện lãnh đạo NCB cho biết, ngân hàng đang đẩy mạnh tái cơ cấu. Trong năm 2021 và quý 1/2022, NCB đã dùng một phần lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng do ảnh hưởng Covid-19 và các khoản xử lý theo Đề án tái cấu trúc.
Đồng thời, NCB đang hoàn thành cơ bản chiến lược phát triển, hiện đại hóa công nghệ thông tin và ngân hàng số; Phát triển khách hàng chuỗi giá trị, hệ sinh thái, lấy khách hàng làm trọng tâm; nâng cao chất lượng tài sản có, quản trị rủi ro, tập trung xử lý nợ có vấn đề, đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và hướng tới các chuẩn mực quốc tế…
Hoàng Quyên
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam