Mất mốc cao nhất 4 tháng, giá xuất khẩu cà phê dự báo vẫn tiếp tục tăng Xuất khẩu cà phê thuận lợi, Việt Nam đẩy mạnh chế biến sâu, sản xuất xanh |
Tình hình xuất khẩu cà phê đang tiếp tục khởi sắc khi giá cà phê trên thị trường thế giới neo ở mức cao. Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chốt ngày cuối cùng của tháng 10, giá cà phê Arabica quay đầu bật tăng hơn 5%, giá Robusta cũng khép lại chuỗi giảm 5 phiên liên tiếp khi tăng hơn 2% so với tham chiếu. Tồn kho trên Sở ICE giảm về mức thấp nhất trong một năm trong khi nguồn cung còn bấp bênh đã hỗ trợ giá hồi trở lại.
Giá cà phê bật tăng |
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở Giao dịch hàng hoá liên lục địa (ICE-US) tiếp tục giảm thêm gần 1.000 bao loại 60kg trong phiên cuối của tháng 10, khiến tổng lượng cà phê Arabica đang lưu trữ còn 389.138 bao, mức thấp nhất từ đầu tháng 11/2022.
Mặc dù mưa đang hỗ trợ cho cây cà phê tại Brazil phát triển, nhưng nếu tiếp tục kéo dài và lượng mưa cao hơn bình thường khoảng 200 mm như dự báo cây cà phê đang ra hoa sẽ bị ảnh hưởng xấu. Đồng thời, hoạt động vận chuyển vốn đã khó khăn nay càng trở nên trầm trọng hơn.
Bên cạnh đó, việc đồng Real mạnh lên kéo theo tỷ giá USD/BRL giảm 0,24% trong phiên hôm qua cũng phần nào hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil, từ đó thúc đẩy lực tăng của giá.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trọng sáng nay, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ hồi phục mạnh mẽ, tiến lên sát mốc 60.000 đồng/kg. Với mức tăng hơn 1.000 đồng/kg, giá thu mua cà phê trong nước hiện dao động trong khoảng 58.800 - 59.600 đồng/kg.
Hoạt động thu hoạch niên vụ 2023/24 đang được ủng hộ bởi điều kiện thời tiết khô ráo tại Tây Nguyên. Điều này đưa đến kỳ vọng hoạt động xuất khẩu Việt Nam sẽ sớm được cải thiện nhờ nguồn cung vụ mới.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10/2023 đã tăng trở lạ |
Về xuất khẩu, theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 10/2023 đã tăng trở lại, đạt 60.000 tấn, tăng 17,7% so với tháng 9/2023, nhưng giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu đạt 189 triệu USD, tăng 12,1% so với tháng 9, nhưng giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Lũy kế 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,313 triệu tấn, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2022; kim ngạch đạt 3,32 tỷ USD, giảm 0,2%.
Sau 7 tháng tăng liên tiếp, giá cà phê xuất khẩu trung bình trong tháng 10 quay đầu giảm, đạt 3.151 USD/tấn, giảm 4,8% so với tháng 9, nhưng vẫn tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng năm 2023, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt 2.527 USD/tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Việt Nam hiện đang xuất khẩu cà phê đến hơn 80 quốc gia. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt trên 1,77 triệu tấn, với kim ngạch đạt trên 4,05 tỷ USD. Trong đó EU là thị trường tiêu thụ lớn, chiếm 38,3% trong tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của cả nước.
Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về diện tích trồng cà phê, với hơn 700 nghìn ha (sau Brazil: 1,9 triệu ha; Indonesia: 1,2 triệu ha; các quốc gia Colombia, Ethiopia và Bờ Biển Ngà mỗi nước có trên dưới 800 nghìn ha). Tuy nhiên, nhờ năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, cao gấp 2,8 lần so với năng suất cà phê của Indonesia, nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ nhì thế giới, với 1,75-1,85 triệu tấn.
EU vẫn đang là thị trường nhập khẩu và tiêu dùng cà phê lớn nhất thế giới. Niên vụ 2022-2023 (tính từ tháng 10/2022 đến hết tháng 9/2023), EU nhập khẩu 47,5 triệu bao cà phê (mỗi bao 60 kg), tăng 3 triệu bao so với năm 2022; chiếm 40% tổng lượng cà phê nhân nhập khẩu của thế giới. Các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho EU gồm: Brazil chiếm 35%; Việt Nam chiếm 22%; Uganda chiếm 7%; Honduras chiếm 6%.
Bảo Ngọc