Xuất khẩu rau quả sang các thị trường chủ lực tăng trưởng rất tốt

13/05/2024 - 18:43
(Bankviet.com) Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm nay tăng gần 33% so với cùng kỳ. Top 5 thị trường xuất khẩu chủ lực đều tăng trưởng rất tốt. Đáng chú ý, Thái Lan cũng là nước xuất khẩu rau quả lớn nhưng là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 4 của Việt Nam và tăng 2,11 lần so với cùng kỳ năm 2023.
sau-rienga.jpg
Ảnh minh họa

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu số 1 rau quả Việt Nam

Dựa theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Rau quả (Vinafruite) tính toán sơ bộ kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả tháng 4/2024 đạt 539,854 triệu USD, tăng 14,9% so với tháng 3/2024 và tăng 37,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,823 tỷ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều kim ngạch nhập khẩu rau quả trong tháng 4/2024 ước đạt 149,390 triệu USD, giảm 3,9 % so với tháng trước nhưng tăng 6,4 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 nhập khẩu rau quả ước đạt 642,174 triệu USD tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, top 5 thị trường xuất khẩu rau quả lần lượt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan và Nhật Bản.

Trong đó, Trung Quốc đứng số 1 với kim ngạch đạt 759,437 triệu USD, tăng 33,84% so với cùng kỳ và chiếm thị phần 59,14%; Hàn Quốc đứng thứ hai với kim ngạch đạt 74,577 triệu USD, tăng 58,77% so với cùng kỳ, chiếm thị phần 5,81%; thứ ba là thị trường Hoa Kỳ với kim ngạch đạt 67,682 triệu USD, tăng 30,45% so với cùng kỳ, chiếm thị phần 5.27%; Thái Lan đạt 47,631 triệu USD, tăng 2,11 lần so với cùng kỳ năm trước; Nhật Bản đạt 44,393 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 11,82%.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang khu vực châu Á chiếm 82,4% tổng trị giá xuất khẩu, trong đó, hàng rau quả chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng của thị trường này đạt mức cao, góp phần thúc đẩy xuất khẩu rau quả trong quý I/2024 tăng 32,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm 59,14% tổng trị giá xuất khẩu rau quả cả nước.

Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, năm 2023 nước này đã chi 24,4 tỷ USD để nhập khẩu hàng rau quả và sản phẩm chế biến của nhiều quốc gia. Đáng chú ý, Việt Nam đã vượt qua Chile trở thành quốc gia xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc lớn thứ 2, đạt 3,4 tỷ USD.

Thị phần hàng rau quả của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh từ 7,9% năm 2022 lên 14% năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2024, trị giá nhập khẩu rau quả của Trung Quốc đạt 6,6 tỷ USD, tăng 5,85% so với cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9,4%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

“Nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại Trung Quốc rất lớn, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp, do đó cơ hội để ngành rau quả tăng thị phần tại Trung Quốc còn rộng mở. Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp rau quả của Việt Nam cần đảm bảo và nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc”, đại diện Cục XNK cho biết.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Hoa Kỳ trong năm 2023 đạt 52,4 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2022. Trong 2 tháng đầu năm 2024, trị giá nhập khẩu rau quả của thị trường này đạt 10,6 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,66% tổng trị giá nhập khẩu. Với nhu cầu nhập khẩu rau quả lớn thứ 2 thế giới, Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu rau quả, trong đó có Việt Nam.

Sầu riêng vẫn giữ vai trò chủ đạo

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruite cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt trên 1,8 tỷ USD và tăng đến 32,9% so với cùng kỳ năm ngoái, có được kết quả này là nhờ sản lượng sầu riêng năm nay tăng hơn năm ngoái và sự đóng góp của một số loại trái cây khác như thanh long, chuối cũng tăng cao hơn.

Trong quý I/2024, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chuối nhiều nhất từ Việt Nam so với các nước khác, xuất khẩu thanh long đi Trung Quốc cũng tăng mạnh vì tháng 5 thanh long ở Trung Quốc mới vào vụ, đến tháng 6 nguồn cung ra thị trường sẽ dồi dào khi đó xuất khẩu thanh long của Việt Nam sẽ giảm xuống.

“Con số 1,823 tỷ USD mà ngành rau quả đạt được trong quý I/2024 thì sầu riêng vẫn giữ vai trò chủ đạo. Thống kê cho thấy tháng 5, 6 và tháng 9, 10/2023 là những tháng cao điểm xuất khẩu sầu riêng. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong tháng 9,10 cao hơn tháng 5 và 6 và chính mặt hàng này đã mang về lượng lớn kim ngạch cho ngành rau quả.

Dự kiến, quý II/2024 xuất khẩu rau quả sẽ tăng hơn quý II/2023, nhờ sự đóng góp của sầu riêng, vì năm nay diện tích sầu riêng cho thu hoạch tăng lên so với năm 2023”, ông Nguyên nói.

Tổng Thư ký Vinafruite cho biết thêm, thời gian qua hiện tượng El Nino gây ra nắng hạn kéo dài đã gây tác động lên một số diện tích vườn sầu riêng từ 2 – 3 năm tuổi ở Đồng Nai cũng như một số địa phương ở miền Tây, đa số những diện tích bị hư hại do mới trồng nên bà con chưa chủ động được nguồn nước mà chủ yếu dựa vào thiên nhiên nên bị ảnh hưởng, còn đối với các vườn sầu riêng lớn tuổi đang khai thác nhà vườn đã có biện pháp bảo vệ, có hệ thống tưới tiêu hoàn chỉnh nên không bị ảnh hưởng.

Nguyễn Huyền

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ