Xuất nhập khẩu Việt Phát (VPG) điều chỉnh tăng mạnh doanh thu, lợi nhuận dậm chân tại chỗ

11/07/2024 - 01:57
(Bankviet.com) Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát đặt mục tiêu doanh thu 12.998 tỷ đồng trong năm 2024, tăng trưởng 23,8% so mới mức 10.500 tỷ đồng trước đó.

Ngày 8/7, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE: VPG) đã thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Xuất nhập khẩu Việt Phát (VPG) điều chỉnh tăng mạnh doanh thu, lợi nhuận dậm chân tại chỗ
Công ty CP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (HOSE: VPG).

Theo đó, Xuất nhập khẩu Việt Phát đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 12.998 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng. Nghị quyết này sẽ được báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông trong kỳ họp gần nhất.

Như vậy, doanh nghiệp này đã điều chỉnh mục tiêu doanh thu tăng 23,8% cho năm 2024 so mới mức 10.500 tỷ đồng trước đó; mục tiêu lợi nhuận sau thuế vẫn được giữ nguyên ở mức 150 tỷ đồng.

Xuất nhập khẩu Việt Phát (VPG) điều chỉnh tăng mạnh doanh thu, lợi nhuận dậm chân tại chỗ
Nguồn: Xuất nhập khẩu Việt Phát.

Về kết quả hoạt động kinh doanh, trong quý I/2024, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.244 tỷ đồng, tăng mạnh 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu quặng sắt tăng 116%, doanh thu bán than nhiệt tăng 264%, cùng với đó, doanh thu bán hàng hoá thương mại giảm 60%, doanh thu bán than cốc giảm 44%.

Trong khi đó, giá vốn hàng bán ghi nhận ở mức 3.141 tỷ đồng, tăng hơn 88% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, lợi nhuận gộp giảm 18%, xuống còn 103 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng nhẹ lên gần 15 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí bán hàng tăng mạnh, ghi nhận lần lượt ở mức 39 tỷ đồng và gần 20 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt gần 2 tỷ đồng, giảm 94,5% so với quý I/2023.

Nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh là do mặt hàng than nhiệt, than cốc có đơn giá mua vào cao, giá bán ra thấp khiến biên lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Tại thời điểm ngày 31/3/2024, Xuất nhập khẩu Việt Phát có tổng tài sản đạt 6.320 tỷ đồng, thu hẹp 8% so với đầu năm 2023. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền còn 642,8 tỷ đồng, giảm 58% so với cuối năm 2023, phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng 52% so với cuối năm 2023.

Cụ thể, phải thu từ Chi nhánh phát điện Dầu khí- Tập đoàn dầu khí Việt Nam 672 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn Mia phải thu 330 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thép Hoà Phát Dung Quất 184,7 tỷ đồng, Công ty CP Khoáng sản Hưng Thịnh hơn 180 tỷ đồng, …

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Xuất nhập khẩu Việt Phát thời điểm cuối quý 1/2024 ở mức hơn 4.854 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong danh mục nợ phải trả là phải trả thư tín dụng (L/C) hơn 2.261 tỷ đồng và 1.748 tỷ đồng nợ vay tại các tổ chức tín dụng.

Tính đến ngày 31/3/2024, Xuất nhập khẩu Việt Phát có vốn góp của chủ sở hữu là 842 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần là 238 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 358 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển là hơn 27 tỷ đồng.

Hiện nay, Việt Phát có vốn điều lệ hơn 842 tỷ đồng, trong đó, thành viên góp vốn lớn là ông Nguyễn Văn Bình (góp 25,79%), ông Nguyễn Văn Đức (3,37%), bà Lê Thị Thanh Lệ (4,35%) cùng nhiều cổ đông khác.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 10/7, cổ phiếu VPG đóng cửa ở mức 14.850 đồng/cp, giảm khoảng 13% so với thời điểm hồi đầu năm 2024.

Xuất nhập khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh về cả lượng lẫn chất

Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã dần chuyển mình thành nước xuất siêu, tính đến năm 2023, Việt Nam ghi nhận năm xuất ...

Một doanh nghiệp sàn HoSE đặt kế hoạch doanh thu gần bằng GDP Việt Nam năm 2017?

Đây là doanh nghiệp điện đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE. Dù có quy mô hạn chế song doanh thu hàng năm của ...

Thu Thảo

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán