Xúc tiến thương mại mở đường cho nông sản Hưng Yên

27/05/2025 - 19:06
(Bankviet.com) Hoạt động xúc tiến thương mại đang trở thành lực đẩy quan trọng giúp các hợp tác xã Hưng Yên quảng bá, tiêu thụ nông sản và từng bước xây dựng thương hiệu OCOP.
Thái Bình đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP Hải Phòng nỗ lực xúc tiến các sản phẩm thương mại chủ lực Hải Dương tích cực xúc tiến thương hiệu vải thiều Thanh Hà

Xúc tiến thương mại, coi đó là "chìa khóa vàng" mở rộng thị trường

Với hơn 500 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó trên 80% hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Hưng Yên hiện là một trong những tỉnh đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ sản xuất giỏi thôi chưa đủ, để nông sản đến gần hơn với người tiêu dùng, nhiều hợp tác xã đã chủ động đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, coi đó là "chìa khóa vàng" mở rộng thị trường, kết nối bạn hàng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP địa phương.

Trong nhiều năm qua, Sở Công Thương cùng Liên minh hợp tác xã tỉnh Hưng Yên đã không ngừng đóng vai trò là cầu nối hỗ trợ các hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng bán hàng, đàm phán, ký kết hợp đồng; hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Xúc tiến thương mại mở đường cho nông sản Hưng Yên
Gian hàng của HTX cây ăn quả và chế biến nông sản Tân Hưng (Hưng Yên) tham gia quảng bá sản phẩm nông sản tiêu biểu của địa phương tại thành phố Huế, từ ngày 26/4- 01/5. Ảnh Đỗ Ngoãn

Từ năm 2024 đến nay, Liên minh hợp tác xã tỉnh Hưng Yên cùng Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức cho gần 200 lượt hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Cùng với đó là 50 buổi tập huấn giúp các cán bộ, thành viên hợp tác xã rèn luyện kỹ năng kinh doanh, nâng cao năng lực tiếp cận thị trường.

Gần đây nhất, Hưng Yên đã ký kết với Liên minh hợp tác xã các tỉnh Hải Dương và Bắc Giang, thống nhất phối hợp hỗ trợ ít nhất 10% thành viên mỗi tỉnh được tham gia xúc tiến thương mại hằng năm. Đây là động thái tích cực, cho thấy nỗ lực liên kết vùng đang được các địa phương chú trọng nhằm mở rộng không gian tiêu thụ nông sản.

Tham gia sâu rộng vào các hoạt động xúc tiến thương mại, nhiều hợp tác xã đã gặt hái thành công rõ rệt. Tiêu biểu như hợp tác xã rau củ quả và dịch vụ nông nghiệp Vượng Phát (xã Việt Yên, huyện Yên Mỹ), đơn vị đồng hành trong gần như toàn bộ các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh những năm qua.

Với lĩnh vực chính là sản xuất, sơ chế, đóng gói và kinh doanh rau, củ, quả sạch, từ năm 2021 đến nay, hợp tác xã đã tham gia 50 chương trình xúc tiến, trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, sản phẩm của hợp tác xã được nhiều khách hàng biết đến, đơn hàng tăng đều mỗi năm. Hợp tác xã đã xây dựng được hệ thống tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố và liên kết với 3 hợp tác xã cùng ngành, hệ thống siêu thị và đại lý khắp cả nước. Doanh thu trung bình mỗi năm đạt trên 7 tỷ đồng là con số ấn tượng phản ánh hiệu quả thiết thực của việc xúc tiến thương mại bài bản, chuyên nghiệp.

Chuyển đổi số: Cánh cửa mới cho phát triển kinh tế của nông dân

Trong thời đại công nghệ số, nhiều nông dân Hưng Yên đã nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, chuyển đổi phương thức bán hàng sang môi trường trực tuyến. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí tiếp thị mà còn mở ra một phương thức tiêu thụ mới, hiện đại và bền vững hơn.

Hợp tác xã nông nghiệp xanh Phố Hiến (xã Phương Nam, thành phố Hưng Yên) là một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng mạng xã hội vào tiêu thụ nông sản. Với tình yêu dành cho vùng đất "xứ nhãn", chị Bùi Thị Thu Hường - Giám đốc hợp tác xã đã khởi nghiệp ngay trong những ngày khó khăn nhất của đại dịch Covid 19, khi việc tiêu thụ nhãn tươi gần như bị đình trệ. Chị Hường cùng các thành viên hợp tác xã đã mở livestream ngay tại vườn, giới thiệu nhãn quả, long nhãn ôm sen, mật ong hoa nhãn và các đặc sản khác của địa phương. Không chỉ thoát khỏi nguy cơ "được mùa, mất giá", hợp tác xã còn tạo dựng được thương hiệu riêng với biệt danh "món quà quê hương của người xứ nhãn".

Xúc tiến thương mại mở đường cho nông sản Hưng Yên
Nền tảng số giúp các hợp tác xã xây dựng chiến lược sản xuất và phát triển thương hiệu lâu dài. Ảnh Đỗ Ngoãn

Đến nay, hợp tác xã Phố Hiến đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 3 sao như: nhãn quả tươi, hạt sen, long nhãn... Tất cả đều được bán trực tiếp qua Facebook, Zalo, TikTok, các kênh mạng xã hội quen thuộc với người tiêu dùng hiện đại. Theo chị Hường, nền tảng số không chỉ giúp tiếp cận khách hàng trên toàn quốc mà còn hỗ trợ xây dựng chiến lược sản xuất, phát triển thương hiệu lâu dài.

Đại diện Liên minh hợp tác xã tỉnh Hưng Yên, cho biết, trong thời gian tới, liên minh sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các chính sách phù hợp hỗ trợ hợp tác xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hợp tác xã chủ động và tích cực trong việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại với nhiều hình thức mới đa dạng, thiết thực, hiệu quả; tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cao, phù hợp với xu hướng thị trường…

Thành quả từ nỗ lực xúc tiến thương mại cho thấy sự trưởng thành rõ rệt của hệ thống hợp tác xã trong tỉnh. Đến nay, Hưng Yên có 202 hợp tác xã phát triển và duy trì được chuỗi sản xuất - cung ứng sản phẩm, trong đó 136 hợp tác xã liên kết trồng trọt, 46 hợp tác xã liên kết chăn nuôi và 20 hợp tác xã liên kết thủy sản. Các đặc sản như nhãn quả tươi, long nhãn, mật ong hoa nhãn, hạt sen... đã từng bước thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại, mở rộng đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Phương Cúc

Theo: Báo Công Thương