Yên Bái: Khí thế lễ ra quân sản xuất, kinh doanh năm 2024 Yên Bái: Sôi động Lễ hội Gầu Tào huyện Trạm Tấu năm 2024 |
Thông tin từ UBND tỉnh Yên Bái cho biết, khai mạc Lễ hội đền Đông Cuông năm 2024 có sự tham dự của lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, địa phương, cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương…
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ khai mạc Lễ hội đền Đông Cuông năm 2024 (Ảnh: CĐTYB) |
Phát biểu khai mạc tại Lễ hội, ông Hà Đức Anh - Chủ tịch UBND huyện Văn Yên nhấn mạnh: Đền Đông Cuông - Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia là ngôi Đền nổi tiếng linh thiêng. Đền thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn - Mẫu thứ hai trong Tam Tòa Thánh Mẫu và cũng là nơi thờ các vị anh hùng dân tộc đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XVIII và các vị thủ lĩnh người Tày anh dũng hy sinh trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp năm Giáp Dần 1914.
Trải qua thăng trầm của lịch sử, Đền Đông Cuông được trùng tu, tôn tạo 4 lần vào các năm 1924, 1982, 1995 và 2018. Những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành và bách gia trăm họ, đến nay, ngôi Đền Đông Cuông rất khang trang, bề thế, phong quang, sạch đẹp, thể hiện được sự uy nghiêm, linh thiêng, luôn được đông đảo du khách thập phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao khi đến thăm quan, chiêm bái…
Ngày 16/01/2023, Lễ hội Đền Đông Cuông đã vinh dự được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp, ủng hộ trong công tác tu bổ, tôn tạo nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử quốc gia Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên (Ảnh: CTTĐTYB) |
Lễ hội đền Đông Cuông là một trong những lễ hội đặc sắc, ẩn chứa nhiều nét văn hóa độc đáo và cổ kính, một sản phẩm văn hóa - du lịch tâm linh độc đáo được tổ chức thường niên "xuân thu nhị kỳ" - điểm nhấn trong hành trình văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội, mang thương hiệu riêng của huyện Văn Yên và của tỉnh Yên Bái.
Tại Lễ hội, nhân dân và du khách thập phương được thưởng thức và chìm đắm vào một không gian văn hóa tâm linh độc đáo của các nghi lễ truyền thống, thể hiện sự tôn kính với Thánh Mẫu thượng ngàn, các vị thần linh, anh hùng, nghĩa sỹ, đã gắn liền với sông núi, che chở, nâng đỡ để mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, muôn dân được an lành, ấm no, hạnh phúc.
Những nghi lễ được tổ chức tại Lễ hội như: Nghi lễ mổ trâu trắng tế Mẫu và hiến sinh cho trời đất vào lúc 00 giờ ngày Mão - tháng Giêng; ngay sau nghi lễ mổ trâu, nhân dân và du khách sẽ được ông Mo - Thủ nhang của Đền phát lộc đầu Xuân, đây là những túi lộc đã được dâng vào đền làm lễ để Mẫu giáng hạ chứng tâm, được ban phát cho bách tính muôn dân, để được phúc lộc cả năm, an khang thịnh vượng; đặc biệt là nghi lễ rước Mẫu sang sông và nghi lễ cúng chính tiệc với 36 mâm rồng vào buổi sáng ngày Mão tháng Giêng, thể hiện tấm lòng thành kính tri ân với Thánh Mẫu Thượng ngàn, các vị thần linh và các anh hùng nghĩa sỹ.
Ngoài ra, nhân dân và du khách cũng sẽ được tham gia các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian và được thưởng thức các sản vật, ẩm thực đặc sắc của các địa phương trên địa bàn...
Trong đêm khai mạc Lễ hội đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Mẫu linh thiêng - Người văn nhân - Đất bình yên”.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Mẫu linh thiêng - Người văn nhân - Đất bình yên” (Ảnh: CTTĐTYB) |
Linh Nhi