Bộ Công Thương: Thúc đẩy tiêu thụ nông sản miền núi, vùng dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm Hà Giang: Chỉ dẫn địa lý giúp mở rộng cơ hội tiêu thụ nông sản |
Thay đổi tư duy sản xuất
Yên Bái xác định nông nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng, là nền tảng, trụ đỡ để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Theo đó, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 20, ngày 20/1/2021 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trên tinh thần đó, Đề án “Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025" được xây dựng. Đề án nhằm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Mục tiêu của Đề án đặt ra là phát triển nhanh về quy mô sản lượng, chất lượng các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ, sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc... Bên cạnh đó khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo lập sinh kế bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế, điều kiện tự nhiên, thế mạnh của các vùng trong tỉnh.
Yên Bái xác định xây dựng vùng nguyên liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm |
Vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị hiệu quả, nâng cao chất lượng nông sản. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về nông sản "sạch”, các địa phương, chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chú trọng xây dựng các vùng nguyên liệu gắn với phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, lợi thế, góp phần hình thành các chuỗi liên kết bền vững.
Điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp là các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu tập trung hàng hóa và đặc sản hữu cơ như: Vùng lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha; ngô 15.000 ha; quế trên 81.000 ha; dâu nuôi tằm 1.000 ha; chè 7.000 ha; tre măng Bát Độ gần 6.000 ha; cây sơn tra gần 10.000 ha; cây ăn quả gần 10.000 ha; nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 90.000 ha; cây dược liệu 4.023 ha…
Tỉnh cũng đã có 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ, gồm: gạo nếp Tú Lệ; chè Shan hữu cơ; bưởi Đại Minh; cam sành Lục Yên; vịt bầu Lâm Thượng; gà đen đặc sản vùng cao; lợn bản địa; sơn tra; quế hữu cơ và các loại cây dược liệu. Mô hình phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất, tập quán, trách nhiệm, năng lực của người sản xuất. Đồng thời gia tăng giá trị cho nông sản.
Điển hình như cây quế được trồng với quy mô diện tích khoảng gần 80.000 ha. Khi chuyển sang sản xuất theo quy trình hữu cơ, hầu hết các sản phẩm này đều được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản... với giá trị gia tăng trên một đơn vị canh tác cao từ 1,5 -2 lần so với sản phẩm sản xuất theo quy trình thông thường.
Gắn chặt sản xuất với tiêu thụ sản phẩm
Cùng với cơ cấu lại lĩnh vực và sản phẩm, Yên Bái còn đẩy mạnh liên kết giữa nông dân trong hợp tác xã (HTX) với doanh nghiệp; lấy doanh nghiệp và HTX dẫn dắt, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa các hộ dân, tổ hợp tác trong chuỗi giá trị. Chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp và chăn nuôi; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Điển hình như, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn với 65 thành viên và gần 100 người lao động. Các hộ thành viên vào liên kết được HTX hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu đầu ra với giá cao hơn giá thị trường 300 đồng - 500 đồng/kg. Cuối năm, dựa trên hiệu quả xuất khẩu, HTX sẽ hỗ trợ bà con 150.000 đồng - 300.000 đồng/hộ/tháng và đến nay tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX khoảng 300 ha và đang liên tục gia tăng theo từng năm.
Hoặc HTX Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng, huyện Trấn Yên đã liên kết chặt chẽ với các tổ hợp tác và các nhóm hộ sản xuất chè để cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu. HTX đã thường xuyên giám sát, hướng dẫn và đôn đốc bà con nông dân thực hiện đúng quy trình từ khâu chăm sóc, thu hoạch sản phẩm và bảo quản. Khi thu mua sản phẩm chè búp tươi để chế biến, HTX cũng lựa chọn nghiêm ngặt những sản phẩm được sản xuất theo phương thức hữu cơ hoặc các đồi chè được cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Minh chứng cho hiệu quả chất lượng là trong tháng 7 năm 2023, sản phẩm chè xanh chất lượng cao của Hợp tác xã Sản xuất chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng là 1 trong 3 sản phẩm OCOP của huyện Trấn Yên (cùng miến đao Quy Mông của Hợp tác xã Việt Hải Đăng; quế điếu thuốc Hòa Cuông của Hợp tác xã quế Khánh Thành) đã đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng để xuất sang thị trường Anh quốc.
Với những hoạt động đó, các địa phương ở tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng chuyển dịch mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang nâng cao chất lượng sản phẩm, theo kịp xu hướng và nhu cầu của thị trường, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương.
Lan Phương