Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có cuộc khảo sát với 6.975 doanh nghiệp ngành xây dựng tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kết quả điều tra cho thấy, mặc dù các biện pháp giãn cách xã hội trên phạm vi rộng đã được dỡ bỏ, Chính phủ đã chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ trạng thái “Zero-Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 ban hành vào tháng 10/2021, điều này đã có tác động tích cực đối với hoạt động SXKD của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành xây dựng nói riêng trong quý IV/2021.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022, hoạt động của các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn còn rất nhiều khó khăn do thiếu lao động có tay nghề, thiếu vốn, giá nguyên vật liệu tăng cao gây bất lợi lớn cho doanh nghiệp do đã ký hợp đồng xây dựng tại thời điểm giá nguyên vật liệu chưa cao.
Cụ thể, dự báo về hoạt động SXKD quý I/2022 so với quý IV/2021, 21,3% doanh nghiệp ngành xây dựng dự báo thuận lợi hơn; 27,7% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và có đến 51,0% doanh nghiệp dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Trong đó, về chi phí sản xuất trong quý I/2022, 52,8% doanh nghiệp dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng; 27,7% dự báo không đổi và 19,5% dự báo chi phí sản xuất giảm.
Cụ thể hơn về chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp quý I/2022 so với quý IV/2021, có 54,1% doanh nghiệp dự báo cho phí nguyên vật liệu tăng; 27,0% doanh nghiệp dự báo không đổi và 18,9% dự báo giảm.
Chi phí nhân công trong quý I/2022 so với quý IV/2021 cũng được 43,9% doanh nghiệp dự báo tăng; 36,8% doanh nghiệp dự báo không đổi và 19,3% doanh nghiệp dự báo giảm.
Để có thể phục hồi và tiếp tục hoạt động SXKD trong thời gian tới, các nhà thầu xây dựng đưa ra 5 kiến nghị, bao gồm: Thứ nhất, có các biện pháp nhanh chóng bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho ngành xây dựng; Thứ hai, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn bằng cách tiếp tục kéo dài thời gian giảm lãi suất vay ngân hàng, hỗ trợ vay ngân hàng lãi suất thấp; thủ tục vay vốn ngân hàng thuận lợi, nhanh chóng hơn; Thứ ba, tạo điều kiện đấu thầu mở rộng; đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước để các công trình không bị gián đoạn thi công; Thứ tư, gia hạn kiểm tra thuế để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp; miễn giảm thuế, phí, kéo dài thời gian nộp thuế, lệ phí; gia hạn, lùi thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm mức tính lãi chậm nộp thuế cho doanh nghiệp; Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính công, đơn giản hóa thủ tục trình tự cấp giấy phép xây dựng để các công trình, dự án được thi công đúng tiến độ, tạo lập nhiều kênh thông tin để lắng nghe và chia sẻ, phản hồi lại các ý kiến của doanh nghiệp, tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển bền vững.