Agriseco: Cổ phiếu ngân hàng còn dư địa tăng trưởng nhờ nền tảng tài chính vững chắc

04/02/2025 - 11:37
(Bankviet.com) Agriseco Research cho rằng, tín dụng năm 2025 tăng trưởng 16% được dẫn dắt bởi đầu tư công và tiêu dùng cá nhân. Tỷ lệ NIM ngân hàng được kỳ vọng cải thiện, trong khi nợ xấu duy trì ổn định. Theo đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn với định giá thấp và tiềm năng nâng hạng thị trường, thu hút dòng tiền ngoại mạnh mẽ.

Tín dụng tiếp tục đà tăng trưởng với mục tiêu 16%

Năm 2025, Agriseco Research kỳ vọng tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh với hai động lực chính: giải ngân đầu tư công và sự phục hồi của tín dụng tiêu dùng cá nhân. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng cuối năm 2024 đạt 15,08% so với năm 2023, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực ưu tiên. NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 ở mức 16%, cao hơn so với kế hoạch năm 2024 (15%).

Agriseco: Cổ phiếu ngân hàng còn dư địa tăng trưởng nhờ nền tảng tài chính vững chắc
Nguồn: NHNN, GSO, Agriseco Research tổng hợp

Động lực tăng trưởng tín dụng năm 2025 đến từ hai yếu tố quan trọng:

Dư nợ cho vay đầu tư công liên quan đến bất động sản (BĐS), xây dựng, vật liệu xây dựng dự kiến tăng khoảng 20%, bù đắp nền thấp của năm 2024.

Tín dụng tiêu dùng cá nhân ghi nhận dấu hiệu phục hồi từ quý III/2024 và được kỳ vọng tiếp tục tăng mạnh trong năm 2025, đóng góp 40% vào tổng dư nợ toàn hệ thống. Đặc biệt, cho vay mua nhà dự báo tăng trưởng 12-15%, phản ánh sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Tăng trưởng huy động vốn năm 2024 vẫn duy trì ở mức thấp, nhưng dự báo sẽ cải thiện tích cực hơn trong năm 2025. Tính đến ngày 25/12/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,06%, thấp hơn mức 11,19% cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi) toàn hệ thống đã phục hồi và đạt trên 20% vào quý III/2024.

Nguồn: FiinProX, Agriseco Research tổng hợp
Nguồn: FiinProX, Agriseco Research tổng hợp

Agriseco Research nhận định xu hướng lãi suất huy động sẽ tiếp tục tăng trong năm 2025, giúp ngân hàng huy động vốn tốt hơn, từ đó đáp ứng nhu cầu tín dụng cao của thị trường.

Tỷ lệ NIM (Net Interest Margin - biên lợi nhuận ròng) toàn ngành ngân hàng giai đoạn tới được dự báo sẽ tăng nhờ một số yếu tố thuận lợi:

Tỷ suất sinh lời trên tài sản (YEA) duy trì ở mức cao nhờ tăng trưởng mạnh từ cho vay bán lẻ, trong khi mặt bằng lãi suất huy động vẫn thấp hơn trung bình 3 năm qua.

Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ với sự phục hồi của các phân khúc tài sản có sinh lời cao như bất động sản, tiêu dùng cá nhân và xây dựng.

Sự phân hóa trong tỷ lệ NIM giữa các nhóm ngân hàng sẽ rõ nét hơn trong năm 2025. Các ngân hàng tư nhân có lợi thế bán lẻ, tỷ lệ CASA cao và chất lượng tài sản tốt sẽ có biên lợi nhuận cao hơn. Cụ thể, nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh (BID, CTG, VCB) dự kiến duy trì tỷ lệ NIM khoảng 2,9-3,2%, trong khi các ngân hàng tư nhân (MBB, TCB, VPB, HDB, ACB, MSB,...) tập trung vào cho vay tiêu dùng, bất động sản và xây dựng có thể đạt tỷ lệ NIM trung bình trên 4,8%.

Nguồn: NHNN, FiinproX, Agriseco Research tổng hợp
Nguồn: NHNN, FiinproX, Agriseco Research tổng hợp

Agriseco Research dự báo tỷ lệ nợ xấu năm 2025 sẽ đi ngang, không có dấu hiệu gia tăng đáng kể nhờ:

Nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) đang có xu hướng giảm từ quý III/2024, đặc biệt trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng và tiêu dùng cá nhân.

Mặt bằng lãi suất duy trì thấp, hỗ trợ tích cực cho khả năng thanh toán nợ của khách hàng.

Các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng, đặc biệt là nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh sau khi biên lợi nhuận cải thiện.

Các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản, xây dựng và trái phiếu doanh nghiệp thấp sẽ ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro nợ xấu, giúp chất lượng tài sản được cải thiện trong năm 2025.

Cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn, kỳ vọng nâng hạng thị trường hỗ trợ dòng tiền

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục là điểm sáng trên thị trường chứng khoán, khi nhiều mã đã về vùng giá hấp dẫn sau đợt điều chỉnh mạnh năm 2023-2024. Từ đầu năm 2024, giá cổ phiếu nhóm ngân hàng đã tăng trung bình 23%, cao hơn so với mức tăng 12% của VN-Index. Động lực tăng giá đến từ kỳ vọng phục hồi kinh tế vĩ mô và triển vọng lợi nhuận tích cực của ngành ngân hàng.

Nguồn: FiinProX, Agriseco Research tổng hợp
Nguồn: FiinProX, Agriseco Research tổng hợp

Dù tăng tốt hơn thị trường chung, định giá ngành ngân hàng vẫn đang ở mức thấp so với lịch sử. Hiện P/B (Price-to-Book) của nhóm ngân hàng chỉ ở mức 1,5x, thấp hơn mức trung bình 1,8x trong 5 năm qua.

Với triển vọng tăng trưởng mạnh trong năm 2025, Agriseco Research đánh giá cổ phiếu ngân hàng vẫn còn dư địa tăng giá, đặc biệt ở nhóm ngân hàng có nền tảng vững chắc.

Tuy nhiên, cơ hội đầu tư sẽ không đồng đều giữa các ngân hàng. Những ngân hàng được cấp room tín dụng cao, có nền tảng tăng trưởng bền vững, bộ đệm an toàn vốn tốt sẽ có triển vọng tích cực hơn. Bên cạnh đó, kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán lên “thị trường mới nổi” trong năm 2025 cũng sẽ giúp nhóm cổ phiếu blue-chip, đặc biệt là nhóm ngân hàng, thu hút sự quan tâm của dòng tiền ngoại.

Nhìn chung, tín dụng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với triển vọng cải thiện biên lợi nhuận (NIM), kiểm soát tốt rủi ro nợ xấu và định giá cổ phiếu hấp dẫn sẽ là những yếu tố quan trọng giúp ngành ngân hàng duy trì sức hút trên thị trường chứng khoán.

Cổ phiếu nào giúp "cá mập" Pyn Elite Fund thắng lớn trong năm 2024?

Pyn Elite Fund ghi nhận hiệu suất đầu tư 21,8% trong năm 2024, vượt xa mức tăng 12,1% của VN-Index. Quỹ ngoại này duy trì ...

Ngành ngân hàng 2025: Triển vọng tăng trưởng từ bất động sản và tiêu dùng

Năm 2025 được dự báo sẽ là một năm đầy triển vọng đối với ngành ngân hàng Việt Nam, với nhiều yếu tố vĩ mô ...

Tìm động lực tăng trưởng của cổ phiếu ngân hàng 2025

Cổ phiếu ngân hàng đã tăng trưởng vượt trội năm 2024 với mức 26%. Chuyên gia cho rằng, triển vọng 2025 vẫn tích cực nhờ ...

Anh Vũ

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán