Ba kịch bản về lạm phát toàn cầu

16/02/2024 - 18:27
(Bankviet.com) Giai đoạn lạm phát xảy ra ở tất cả các nước phát triển kể từ năm 2021 vẫn chưa kết thúc. Mặc dù tác dụng của các yếu tố thúc đẩy lạm phát gần như đã hết, nhưng nguy cơ đánh mất neo lạm phát và rơi vào bẫy lạm phát đình trệ vẫn còn.

Tóm tắt: Giai đoạn lạm phát xảy ra ở tất cả các nước phát triển kể từ năm 2021 vẫn chưa kết thúc. Mặc dù tác dụng của các yếu tố thúc đẩy lạm phát gần như đã hết, nhưng nguy cơ đánh mất neo lạm phát và rơi vào bẫy lạm phát đình trệ vẫn còn. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng lạm phát tăng đột biến như vậy? Đến thời điểm nào thì làn sóng lạm phát cuối cùng sẽ bị dập tắt và lãi suất sẽ giảm xuống mức lãi suất tự nhiên1? Những kịch bản nào có thể xảy ra từ quan điểm trung hạn? Liệu cuộc khủng hoảng này có hậu quả lâu dài nào hay sau một vài năm nữa, các điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại như những gì chúng ta đã chứng kiến trong những năm 2010?

Bài viết tập trung tìm hiểu về 3 kịch bản đối với lạm phát toàn cầu có thể xảy ra.

Global inflation: three scenarios

Abstract: The inflationary period occurred in all developed countries since 2021 has not been over yet. And although the effects of inflationary factors are almost over, the risk of losing inflation anchor and falling into the stagflation trap remains. What causes such a sudden increase in inflation? At what point will the last wave of inflation be quelled and interest rates will fall to the natural rate? What scenarios are possible from a medium-term perspective? Will this crisis have any long-term consequences or after a few years will macroeconomic conditions return to what we saw in the 2010s?

This article focuses on 3 possible scenarios on global inflation.

1. Đặt vấn đề

Dù thành công trong việc kiềm chế lạm phát, tốc độ tăng giá tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu vẫn ở mức cao so với mục tiêu đề ra. Làn sóng lạm phát toàn cầu hiện nay đã ảnh hưởng đến tất cả các nước phát triển chủ chốt, nơi tốc độ tăng giá bắt đầu tăng nhanh vào nửa đầu năm 2021. Lạm phát đạt đỉnh điểm vào mùa thu năm 2022 và các nước phát triển chưa từng chứng kiến ​​mức giá tiêu dùng tăng nhanh như vậy trong ít nhất 40 năm qua, tức là, từ đầu những năm 1980. Lạm phát tăng đột biến như vậy là điều đặc biệt đáng ngạc nhiên, vì trong hơn một thập kỷ rưỡi qua (tính đến thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19), các ngân hàng trung ương (NHTW) đã có những nỗ lực đặc biệt để tăng lạm phát. Tuy nhiên, các chương trình nới lỏng định lượng và lãi suất thấp đã không dẫn đến kết quả mong muốn và lạm phát vẫn ở mức thấp lạ lùng, chênh lệch đáng kể so với mục tiêu. Điều đáng chú ý là các viện nghiên cứu hàng đầu và các NHTW đã không dự đoán được rằng cú sốc lạm phát sẽ mạnh và kéo dài như vậy.

Trong năm 2023, chúng ta quan sát thấy lạm phát đã chậm lại, nhưng vẫn ở mức cao bất thường. Nói cách khác, giai đoạn lạm phát vẫn còn lâu mới kết thúc, vì vậy, một loạt câu hỏi nảy sinh. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng lạm phát tăng đột biến như vậy? Đến thời điểm nào thì làn sóng lạm phát cuối cùng sẽ bị dập tắt và lãi suất sẽ giảm xuống mức trung lập? Những kịch bản nào có thể xảy ra từ quan điểm trung hạn? Liệu cuộc khủng hoảng này có hậu quả lâu dài nào hay sau một vài năm nữa, các điều kiện kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại như những gì chúng ta đã chứng kiến trong những năm 2010?

2. Nội dung nghiên cứu

Theo một nghiên cứu [1], có thể xây dựng thành ba kịch bản khác nhau về chất.

Kịch bản đầu tiên cho rằng, các NHTW có thể chống lại lạm phát một cách hiệu quả và bình thường hóa lãi suất. Ở kịch bản thứ hai, lạm phát sẽ trở nên “trơ” hơn và duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Cuối cùng, ở kịch bản thứ ba, nền kinh tế của các nước phát triển chủ chốt sẽ rơi vào bẫy lạm phát đình trệ, khi tốc độ tăng trưởng sản lượng gần bằng 0 và đi kèm với lạm phát vượt quá mức mục tiêu một cách đáng kể. Sau đây, bài viết tập trung xem xét ba kịch bản này, cũng như các yếu tố tác động một cách chi tiết hơn.

2.1. Triển vọng trung hạn

Kịch bản đầu tiên vừa lạc quan nhất, vừa có khả năng xảy ra nhất. Ngày nay, ảnh hưởng của các yếu tố ủng hộ lạm phát phần lớn đã cạn kiệt. Giai đoạn phục hồi cầu nhanh chóng sau cuộc suy giảm năm 2020 do “Đại phong tỏa” đã kết thúc. Các hạn chế về phía cung đang được nới lỏng: căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang giảm bớt, thị trường lao động đang dần bình thường hóa, giá hàng hóa đang giảm từ mức đỉnh trong hai năm qua. Đồng thời, các NHTW giữ lãi suất cao và có ý định đưa lạm phát về mức mục tiêu theo nhiệm vụ.

Kỳ vọng lạm phát chỉ ra rằng, lạm phát cao quan sát được hiện nay là một hiện tượng tạm thời và do đó, không gây lo ngại cho các tác nhân kinh tế. Vì vậy, người ta nói rất nhiều rằng trong hai năm tới, động lực giá tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển chủ chốt sẽ ổn định.

Kịch bản thứ hai được xây dựng trên tiền đề lạm phát cao hơn sẽ cho thấy nhiều lực cản hơn so với kỳ vọng của các cơ quan tiền tệ và các chuyên gia. Không thể loại trừ khả năng này. Xác suất xảy ra kịch bản này phụ thuộc vào tình trạng phân mảnh của thương mại toàn cầu có trở nên tồi tệ hơn hay không và liệu căng thẳng địa chính trị có đạt đến một cấp độ mới hay không [2]. Những yếu tố này sẽ góp phần gây ra lạm phát do chi phí đẩy và có thể gây ra một đợt lạm phát mới. Nhiều vấn đề sẽ phụ thuộc vào chính sách của các NHTW. Liệu họ có phản ứng kịp thời và rõ ràng trước sự tăng tốc của giá cả hay thích vị thế quan sát, chờ đợi hơn?

Điểm đặc biệt của các cú sốc cung là hậu quả của chúng rất khó dự đoán. Một phần là bởi vì các mô hình toán kinh tế hiện nay đa phần phù hợp với mô hình hóa các cú sốc cầu và khả năng mô tả các cú sốc cung của chúng vẫn còn thấp. Về vấn đề này, có vẻ như các cơ quan quản lý sẽ không phản ứng với cú sốc cung tiêu cực bằng cách tăng lãi suất, do lo ngại suy thoái kinh tế ngày càng sâu và tin rằng tác động của các yếu tố thúc đẩy lạm phát sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Điều này sẽ dẫn đến việc tăng giá thêm và nhiệm vụ đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu sẽ bị trì hoãn. Cần lưu ý rằng, chính vị thế quan sát, chờ đợi của các cơ quan quản lí tiền tệ sẽ quyết định phần lớn thời gian và cường độ của cú sốc lạm phát trong những năm gần đây.

Những rủi ro chủ yếu gắn với kịch bản thứ hai liên quan đến khả năng để mất neo lạm phát và khởi động cơ chế hỗ trợ lạm phát, mà các nhà kinh tế gọi là vòng xoáy “tiền lương – giá cả”. Tất nhiên, hai yếu tố này có liên quan trực tiếp với nhau, vì việc hình thành vòng xoáy “tiền lương - giá cả” ổn định chỉ có thể xảy ra nếu kỳ vọng lạm phát tăng đáng kể, vì trong trường hợp này, khi tiền lương danh nghĩa được thiết lập, chúng không chỉ dựa trên lạm phát đã xảy ra, mà còn dựa trên kỳ vọng giá tiêu dùng tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, việc hình thành kỳ vọng lạm phát gia tăng không xảy ra ngay lập tức, mà cần có thời gian nhất định và yếu tố chính làm thay đổi kỳ vọng lạm phát là lạm phát thực tế gia tăng mà các tác nhân kinh tế quan sát được [3]. Nói cách khác, kỳ vọng lạm phát phần lớn là thích ứng và trong trường hợp các tác nhân kinh tế thấy rằng tốc độ tăng giá tiêu dùng đã tăng lên, sau một thời gian, họ kết luận rằng những tỷ lệ tăng này bây giờ trở nên bình thường và hình thành kỳ vọng của họ theo đó. Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, trên thực tế, kỳ vọng lạm phát khá linh hoạt nên nguy cơ mất ổn định của chúng là có thật [4].

Vòng xoáy “lương - giá”

Các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiến hành một nghiên cứu thực nghiệm về các xu hướng mà tiền lương và giá cả trong lịch sử để cố gắng nhận dạng các giai đoạn vận hành của vòng xoáy “lương - giá” [5]. Các tác giả đi đến kết luận rằng, thời gian hoạt động của cơ chế này hóa ra tương đối ngắn, nghĩa là, quá trình lạm phát tự duy trì nhanh chóng mất dần, và thông thường, sau một giai đoạn lạm phát gia tăng, không nhất thiết phải kéo theo sự gia tăng tiền lương danh nghĩa. Thay vào đó, lạm phát sẽ giảm với mức tăng vừa phải của tiền lương. Như vậy, phân tích thực nghiệm đặt ra nghi ngờ về khả năng thực hiện kịch bản lạm phát thông qua cơ chế “lương – giá”. Một quan điểm hoài nghi hơn được đưa ra bởi các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), họ kết luận rằng, mặc dù không có sự tăng lương trên diện rộng ở các nước phát triển, rủi ro của vòng xoáy “lương - giá” là khá thực tế, đặc biệt là ở những nước phát triển, nơi thị trường lao động quá nóng [6].

Sự ổn định (hoặc “neo”) kỳ vọng lạm phát được các nhà kinh tế thừa nhận là yếu tố chính, quyết định khả năng của các cơ quan tiền tệ của các nước phát triển trong việc duy trì sự ổn định giá cả. Khi các tác nhân kinh tế tự tin rằng lạm phát sẽ trở lại mức vừa phải trong trung hạn, họ sẽ không sốt ruột với biến động giá cả và không thay đổi hành vi của mình, tin rằng những sự kiện này là tạm thời, không thường xuyên. Nếu kỳ vọng của nhà sản xuất, nhà đầu tư và người tiêu dùng linh hoạt hơn, thì ngay cả một cú sốc nhỏ kích hoạt lạm phát cũng sẽ gây ra sự gia tăng kỳ vọng lạm phát và kết quả là làm tăng đáng kể cầu, mất cân bằng và tình trạng quá nóng của nền kinh tế.

Đồng thời, kỳ vọng lạm phát cao sẽ thu hẹp đáng kể dư địa của chính sách kích thích trong thời kỳ suy thoái, vì kỳ vọng càng cao, nguy cơ kích thích sẽ gây bất ổn thị trường và giá cả càng lớn. Như vậy, trong trường hợp lạm phát kỳ vọng không được neo giữ, nhiệm vụ điều chỉnh các động lực kinh tế trở nên khó khăn hơn, rất nhiều vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn khi mất đi chiếc neo này. Các sự kiện sẽ diễn ra theo kịch bản lạm phát đình trệ (kịch bản thứ ba) nếu những rủi ro này xảy ra trong thực tế, tuy nhiên, điều này dường như không có nhiều khả năng xảy ra.

Lạm phát đình trệ và chính sách “đi và dừng” (stop - go policy)

Có nhiều quan điểm khác nhau về nguyên nhân của lạm phát đình trệ, nhưng hầu hết các nhà kinh tế đều đồng thuận với quan điểm rằng, đó là kết quả của một sai lầm của các cơ quan tiền tệ. Các cơ quan này không chỉ để lạm phát tăng nhanh, mà ngay cả khi vấn đề này trở nên rõ ràng, họ cũng không đủ nỗ lực để kiềm chế lạm phát. Alan Meltzer của Đại học Carnegie Mellon [7], dựa trên bảng tổng thuật các cuộc thảo luận trong ban lãnh đạo của cơ quan quản lý Bắc Mỹ, phát hiện động cơ đằng sau các quyết định. Ban lãnh đạo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tin rằng, lạm phát có tính chất “phi tiền tệ”, hay nói cách khác, miễn nhiễm với các giải pháp chính sách tiền tệ. Do đó, việc tăng lãi suất không những không giúp kiềm chế tăng giá, mà còn làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn do làm cho chi phí tài trợ thâm hụt ngân sách cao hơn. Kết quả là, khi tăng lãi suất, mặc dù chưa đủ liều lượng, đã ngay lập tức trả lại vị thế ban đầu, ngay khi những dấu hiệu đầu tiên của sự đảo ngược lạm phát xuất hiện. Việc nới lỏng các điều kiện tiền tệ quá sớm đã khiến lạm phát tăng trở lại và chu kỳ này lặp lại.

Chính sách này được gọi là dừng và đi (stop-go policy)2. Sau này, quan điểm cho rằng, chính sách tiền tệ bất lực trước lạm phát được David và Christina Romer gọi là “nguy hiểm nhất trong lịch sử của FED” [8]. Suy ngẫm về kinh nghiệm của những năm 1970 đã dẫn đến quan điểm rằng, tổn thất phúc lợi liên quan đến việc ngăn chặn lạm phát cao lớn đến mức trong mọi trường hợp, không nên đánh mất sự ổn định giá cả, vì mục tiêu này, cần thiết tuân thủ kỷ luật tiền tệ.

2.2. Lạm phát đình trệ của những năm 1970 và những bài học kinh nghiệm

Làn sóng lạm phát 2021–2023 thường được so sánh với thời kỳ lạm phát đình trệ của những năm 1970 ở Mỹ, tương tự như “Đại suy thoái”, được gọi là “Đại lạm phát”. Tổng thể, thời kỳ lạm phát đình trệ kéo dài gần hai thập kỷ, ngoài lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và không ổn định, nó còn kéo theo sự sụp đổ của hệ thống Bretton Woods, nền tảng của cấu trúc tài chính toàn cầu. Lạm phát cao chỉ được chấm dứt nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ của Paul Volcker. Việc tăng lãi suất lên mức hai chữ số đã dẫn đến việc bình thường hóa động lực giá cả, nhưng đồng thời, khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và ảnh hưởng đến việc làm.

Có thể dễ dàng so sánh tình hình của năm 2021-2023 và lạm phát đình trệ của những năm 1970 (giá năng lượng tăng và các cú sốc cung tiêu cực khác, và nhu cầu tài trợ cho thâm hụt ngân sách cao). Không giống như những năm 1970, các NHTW hàng đầu giờ đây hiểu rằng sự ổn định giá cả phụ thuộc chủ yếu vào họ. Tuy nhiên, như năm 2021 đã cho thấy, họ vẫn có thể trì hoãn việc tăng lãi suất vì tin rằng lạm phát gia tăng chỉ là tạm thời, vì vậy, việc thắt chặt tiền tệ sẽ không ngăn được lạm phát và gây tổn hại cho nền kinh tế. Ngoài ra, lãi suất cao làm tăng nguy cơ mất ổn định tài chính.

Tất nhiên, so với những năm 1970, các cơ quan quản lý ngày nay đã hiểu rõ tác động của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế hơn nhiều, chú ý nhiều hơn đến việc theo dõi kỳ vọng lạm phát và được hưởng quyền tự chủ lớn hơn nhiều so với các cơ quan quản lý ngân sách. Do đó, kịch bản lạm phát đình trệ khó có thể lặp lại, nhưng khả năng xảy ra các sự kiện như vậy nên được lưu ý.

3. Một số kết luận

Các vấn đề và thách thức mà NHTW của các nước phát triển sẽ phải đối mặt trong dài hạn phụ thuộc vào mức độ thay đổi của sản lượng tiềm năng và lãi suất tự nhiên (natural rate of interest). Theo quan điểm của các cơ quan quản lý tiền tệ, những khó khăn lớn nhất phát sinh trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng sản lượng tiềm năng thấp và lãi suất tự nhiên gần bằng 0. Trong điều kiện này, lạm phát và lãi suất danh nghĩa giảm xuống giá trị gần bằng 0, điều này làm giảm đáng kể hiệu quả của chính sách tiền tệ. Trong trường hợp nếu sau khi vượt qua cú sốc lạm phát, các điều kiện kinh tế vĩ mô ở các nước phát triển trở lại trạng thái như vậy, thì việc quay trở lại các biện pháp chính sách tiền tệ phi truyền thống ở mức lãi suất bằng 0 là điều có thể xảy ra.

Quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo đang tiếp tục diễn ra và ngày càng được tăng cường do sự gia tăng rủi ro địa chính trị và tác động của những rủi ro này đối với thị trường năng lượng toàn cầu cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện kịch bản này. Rất có thể quan điểm nâng mức lạm phát mục tiêu sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ hơn trong cộng đồng chuyên gia, mặc dù ở thời điểm hiện tại, có vẻ không hấp dẫn đối với các nhà quản lý NHTW.

Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng tăng lãi suất tự nhiên. Nhiệm vụ duy trì sự ổn định giá cả khi đó sẽ dễ dàng hơn, vì lãi suất danh nghĩa sẽ tăng lên và các NHTW sẽ có nhiều dư địa để hành động khi cầu giảm. Đồng thời, lãi suất cao hơn sẽ đòi hỏi phải tăng cường các biện pháp thắt chặt định lượng, điều này sẽ gây áp lực cho các tổ chức tài chính đã hoạt động trong điều kiện thanh khoản dư thừa trong nhiều năm, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững tài khóa.

Đồng thời, hướng thay đổi trong tốc độ tăng trưởng của sản lượng tiềm năng là không rõ ràng.

Thứ nhất, trong những năm gần đây, quá trình toàn cầu hóa đã chậm lại và ở một số khía cạnh, đã có thể nói về sự chuyển hướng sang phi toàn cầu hóa. Sự phân khúc của thị trường thế giới và tính lưu động của vốn tài chính giảm sẽ có tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng sản lượng tiềm năng và gây áp lực lên lãi suất tự nhiên.

Thứ hai, do căng thẳng địa chính trị gia tăng, chi tiêu công cho quốc phòng và tổ hợp công nghiệp quân sự có thể sẽ tăng đáng kể, điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP tiềm năng và tăng lãi suất tự nhiên.

Do đó, mức độ không chắc chắn đáng kể vẫn còn tồn tại không chỉ về động lực của giá tiêu dùng, mà còn về các xu hướng cấu trúc kinh tế vĩ mô và chương trình nghị sự chính sách tiền tệ trong những năm tới.

Chú thích:

1 Lãi suất tự nhiên, còn gọi là lãi suất cân bằng dài hạn hoặc lãi suất thực trung tính, là lãi suất giúp nền kinh tế hoạt động ở trạng thái toàn dụng lao động và lạm phát ổn định. Nó là một hàm số với các biến bao hàm các đặc điểm cơ bản của nền kinh tế và không được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ "đặt ra", nhưng ở một khía cạnh nào đó, có thể được coi là lãi suất mục tiêu của FED khi nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ.

2Chính sách dừng lại là kết quả hành động của ngân hàng trung ương nhằm phản ứng trước sự thay đổi mối quan tâm của công chúng giữa lạm phát và thất nghiệp. Ngân hàng trung ương sẽ kích thích việc làm trong giai đoạn “đi” của chu kỳ cho đến khi công chúng lo ngại về lạm phát gia tăng. Sau đó, chính sách lãi suất quyết liệt đã khởi động giai đoạn “dừng” của chu kỳ chính sách để giảm lạm phát trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao với độ trễ. Sự ủng hộ của công chúng đối với việc tăng lãi suất đã biến mất khi tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng, do đó, về mặt chính trị rất khó để đảo ngược mức lạm phát cao hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] Горюнов Е.Л., Дробышевский С.М., Кудрин А.Л., Трунин П.В. “Причины и уроки ускорения глобальной инфляции”, Вопросы экономики. 2023; (7):5-34. https://doi.org/10.32609/0042-...

[2] Ксения Юдаева, “Глобальная трансформация”, 2023. URL: https://econs.online/articles/.... [дата обращения: 29/9/2023].

[3] Fiorella De Fiore, Tirupam Goel etc. “Rising household inflation expectations: what are the communication challenges for central banks”, 2022. [Online]. https://www.bis.org/publ/bisbu.... [Accessed 29/9/2023].

[4] Ines Buono, Sara Formai, “New evidence of the evolution of the anchoring of inflation expectations”, Journal of Macroeconomics, Volume 57, September 2018, Pages 39-54.

[5] Jorge Alvarez, John Bluedorn, etc. “Wage- Price Spiral: What is the historical evidence”, IMF working papers, 2022. [Online]. https://www.imf.org/en/Publica.... [Accessed 02/10/2023].

[6] BIS, Annual Economic Report, 2022. [Online]. https://www.bis.org/publ/arpdf.... [Accessed 02/10/2023].

[7] Allan H Meltzer, “Origins of Great Inflation”, Federal Reserve Bank of St. Louis Review, Volume 87, Number 2, Part 2, 2005.

[8] Christina Romer & David Romer, “The Most Dangerous Idea in Federal Reserve History: Monetary Doesn’t Matter”, The American economic Review, Vol 103, No 3, 2013.

TS. Nguyễn Đình Trung

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ