Hồng không hạt Bắc Kạn lần đầu tiên “ra mắt” thị trường Thủ đô Hồng không hạt Bắc Kạn: Độc đáo đặc sản vùng sơn cước |
Cây trồng cho giá trị cao
Hồng không hạt là cây trồng lâu đời ở khu vực hồ Ba Bể. Nhưng phải từ năm 1990 trở đi, cây hồng không hạt mới đem lại giá trị kinh tế cho người dân. Hồi đó tư thương ở nhiều tỉnh thành đổ về mua, chở về xuôi, giúp người tiêu dùng biết đến hồng không hạt Bắc Kạn nhiều hơn.
Hồng không hạt là cây trồng mang lại giá trị cao cho người dân huyện Ba Bể (Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn) |
Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, khi hái hồng đúng độ chín, đem về ngâm xuống nước sạch, ngâm ngay sẽ cho chất lượng quả tốt và ngon nhất. Hái hồng nên vào buổi sáng hoặc buổi chiều mát. Quả hái về, xếp nhẹ nhàng vào các sọt có thể vận chuyển đi xa và bảo quản được lâu.
Quả hồng chín màu vàng sáng rất đẹp, nhưng hái từ trên cây xuống vẫn không thể ăn được vì còn rất chát. Phải ngâm hồng trong nước sạch, ngập khoảng 15 - 20cm, ngâm từ ba đến bốn ngày đêm, quả hồng sẽ hết nhựa chát và chuyển thành vị ngọt, khi đó vớt ra để ráo nước là có thể ăn.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Bể thông tin, huyện hiện có hơn 380ha hồng, trong đó hơn 140ha đã cho thu hoạch, tập trung nhiều tại các xã: Giáo Hiệu, Quảng Khê, Đồng Phúc, Bành Trạch, Khang Ninh, Hà Hiệu. Trong đó diện tích chăm sóc theo hướng VietGap có hơn 20ha. Chất lượng quả hồng mùa vụ 2023 rất tốt, quả to tròn đều, có vị ngọt đặc trưng, hiện nay giá bán tại vườn dao động từ 16.000 - 20.000 đồng/kg, đem lại thu nhập cao cho người trồng.
Thời gian qua, Sở Công Thương Bắc Kạn đã tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa hồng không hạt Bắc Kạn lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ
Khu sản xuất Khưa Phát ở thôn Nà Chom, xã Quảng Khê (Ba Bể) là nơi có nhiều diện tích hồng không hạt trên 20 năm tuổi, nơi đây khí hậu trong lành, quanh năm mát mẻ, độ cao hơn 700m so với mặt nước biển nên cây hồng phát triển rất tốt, quả to đều. Xác định là cây trồng thế mạnh, người dân ở thôn đã từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó năng suất, chất lượng ngày một tăng. Nhiều hộ dân có thu nhập khá từ cây trồng đặc sản này.
Theo người dân nơi đây, cây hồng không hạt không cần đầu tư nhiều, nhưng bệnh cây rất khó chữa. Những năm vừa qua, người dân xã Quảng Khê được tham gia lớp tập huấn của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn về việc trồng, chăm sóc cây hồng theo hướng hữu cơ. Do đó, những năm gần đây, người dân xã Quảng Khê hoàn toàn nói không với các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân chủ yếu bón cho cây là phân chuồng. Nhờ vậy mà quả hồng không hạt của người dân trong xã, huyện nói chúng đều được người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm 2010, sản phẩm hồng không hạt Bắc Kạn được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Việc này giúp cho sản phẩm hồng Bắc Kạn có thương hiệu, mở ra cơ hội phát triển, nâng cao giá trị, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Năm 2013 sản phẩm này lọt vào Top 100 thương hiệu nổi tiếng, là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2019, tỉnh đã tổ chức Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt tại Hà Nội thu hút nhiều HTX, giúp sản phẩm có bước tiến xa trên thị trường khi có mặt ở các siêu thị, cửa hàng ở các thành phố lớn.
Trong năm tới, tỉnh Bắc Kạn dự kiến xây vùng nguyên liệu gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng chính, trong đó có cây hồng không hạt. Giải pháp là vận dụng các chính sách, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng hữu cơ, hỗ trợ kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, HTX trong hình thành vùng trồng, liên kết tiêu thụ nông sản...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ba Bể khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn huyện trồng 400ha cây hồng không hạt. Với định hướng trồng theo hướng hữu cơ, sản phẩm hồng không hạt dự kiến sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân nơi đây trong thời gian tới.
Bảo Ngọc