Bài 2: Kết nối chuỗi, nâng tầm giá trị cà phê đặc sản

25/08/2024 - 23:30
(Bankviet.com) Sản phẩm ngon nhất, chất lượng nhất nhưng lại chưa được nhiều người biết đến. Kết nối nhà rang xay với người nông dân là cách để nâng tầm thương hiệu cà phê.
Đắk Nông: Hình thành vùng sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu cà phê đặc sản Đấu giá lô cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam: Giá cao nhất 1.200.000 đồng/kg Bài 1: Chủ động làm cà phê đặc sản

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột – đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, cà phê đặc sản dường như là khái niệm khá mới mẻ với người tiêu dùng trong nước, đâu là giải pháp để đưa cà phê đặc sản phát huy đúng tiềm năng và giá trị?

Thị trường cà phê đặc sản của thế giới phát triển khoảng 30-40 năm, còn tại Việt Nam mới bắt đầu khoảng 10 năm trở lại đây. Hiện, thị trường cà phê đặc sản trên thế giới chỉ khoảng 2%, còn tại Việt Nam chỉ khoảng chưa đến 1% trong tổng lượng cà phê sản xuất ra.

Cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản cần phải có quy trình trồng trọt, chăm sóc kĩ (Ảnh:
Cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản cần phải có quy trình trồng trọt, chăm sóc kĩ. Ảnh: Simexco Đắk Lắk

Câu hỏi đặt ra là chúng ta đang sản xuất hạt cà phê ở mức độ chất lượng nào? Nhưng quan trọng hơn, khi chúng ta sản xuất xong rồi thì việc đưa ra thị trường bằng cách nào? Do đó, kết nối giữa nhà sản xuất, nhà rang xay, nhà làm thương mại trong nước cũng như trên thế giới là hết sức quan trọng.

Với suy nghĩ này, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam – Viet Nam Amazing Cup. Sản phẩm dự thi là cà phê Robusta hoặc Arabica, số lượng mẫu không hạn chế, nằm trong niên vụ quy định của năm tổ chức. Đối tượng tham gia là các tổ chức, cá nhân có trang trại cà phê hoặc trực tiếp liên kết, hợp tác với nông dân sản xuất, chế biến cà phê đặc sản trên lãnh thổ Việt Nam. Mỗi sản phẩm dự thi có một bộ hồ sơ đi kèm gồm: Bản đăng ký dự thi; thuyết minh sản phẩm dự thi; hình ảnh lô sản phẩm đang lưu trữ và đã được niêm phong.

Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp Hội Cà phê Buôn Ma Thuột
Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: Hương Lý VOV

Những mẫu sản phẩm đạt chứng nhận Cà phê đặc sản Việt Nam sẽ được tham gia các sự kiện liên quan đến cuộc thi; thông tin, thương hiệu và logo của đơn vị có mẫu dự thi đạt chứng nhận được truyền thông rộng rãi, đồng thời được cấp tài khoản đăng nhập trên Sàn Thương mại điện tử vietspecialtycoffee.com.

Cùng với việc tổ chức cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng phối hợp với doanh nghiệp tổ chức phiên đấu giá lô cà phê đặc sản ngon nhất Việt Nam. Những mẫu cà phê đặc biệt được chọn lọc kỹ từ cuộc thi Vietnam Amazing Cup.

Thông thường, khối lượng tham gia các phiên đấu giá là không lớn, nhưng giá được người mua chốt thường rất cao. Trên thế giới, cà phê Arabica đặc sản được đấu giá có thời điểm cao nhất lên 500 USD/kg. Tại Việt Nam, trong phiên đấu giá cà phê lần đầu tiên được tổ chức năm ngoái (2023), đã mang lại thành công nhất định. Giá bán cà phê đặc sản đã được nâng lên gấp 5 - 7 lần so với giá cà phê thông thường, khẳng định giá trị rất lớn của cà phê đặc sản Việt Nam.

Đây là hình thức để nâng cao giá trị và danh tiếng cho cà phê đặc sản Việt Nam. Đồng thời, là cách để nhiều người biết đến cà phê đặc sản Việt Nam. Khách hàng có mặt trực tuyến hoặc trực tiếp đều sẽ có cơ hội sở hữu những lô hàng cà phê đặc sản được chọn lọc kỹ lưỡng từ các vùng trồng cà phê nổi tiếng trên cả nước. Những lô hàng này không chỉ đại diện cho chất lượng mà còn mang trong mình câu chuyện và giá trị văn hóa của từng vùng đất.

Việc tổ chức các phiên đấu giá sẽ tạo động lực rất tốt để bà con tiếp tục phát triển sản xuất cà phê đặc sản, đem đến chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, góp phần làm cho người sản xuất cà phê ngày càng thịnh vượng hơn. Hay nói cách khác, sản xuất, đấu giá, đưa cà phê đặc sản ra thị trường là cách hỗ trợ thiết thực cho người nông dân làm cà phê Việt Nam.

Làm sóng cà phê đặc sản đang phát triển mạnh mẽ và được nhiều người quan tâm, tuy vậy cà phê đặc sản của Việt Nam được nhận định vẫn chưa đủ lớn. Giải pháp của Hiệp hội là gì, thưa ông?

Hiện, cà phê đặc sản giá siêu cao đến từ các giống (Arabica), các vùng trồng cực kỳ đặc biệt. Trong khi cà phê Việt Nam phần lớn là cà phê Robusta. Trên thị trường vẫn có chênh lệch giá giữa Arabica và Robusta.

Phương pháp chế biến cà phê đặc sản cũng yêu cầu nhiều kỹ thuật hơn
Phương pháp chế biến cà phê đặc sản cũng yêu cầu nhiều kỹ thuật hơn. Ảnh: Simexco Đắk Lắk

Trên thị trường thế giới có những giống cà phê đặc biệt mà Việt Nam chưa trồng được, hoặc trồng thử nghiệm với lượng nhỏ, ví dụ như giống cà phê Gesha Panama. Đây là cà phê đắt nhất thế giới. Trong 5 năm gần đây các cuộc thi tại Trung Mỹ và Nam Mỹ giống cà phê này chiếm sóng, thường được chấm khoảng 90 điểm. Trong khi Việt Nam, dù có cố gắng nhưng giống cà phê đặc sản của Việt Nam chiếm 80 - 85 điểm.

Hàng năm, chúng tôi đi đào tạo, tập huấn cho bà con nông dân tại khắp các vùng miền biết được cà phê đặc sản, sau đó tổ chức cuộc thi để thẩm định chất lượng cà phê đặc sản của người nông dân sản xuất ra. Kết nối người nông dân đến với bên mua. Tuy nhiên, trong tương lai phải mở rộng nhiều hơn. Lượng cà phê đưa ra các hội chợ thương mại đặc sản trong và ngoài nước sẽ phải nhiều hơn.

Trước đây, chúng ta đi lác đác một vài trang trại, một vài farm, một vài hợp tác xã tự túc quảng bá sản phẩm tại các sự kiện hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng nhưng chưa được quan tâm, có thể do sự kiện còn nhỏ, do đó, hiệp hội cố gắng tự lực.

Những năm tới sẽ tổ chức các đoàn đi xúc tiến thương mại dưới danh nghĩa của Hiệp hội, gồm có nhiều trang trại, nhiều farm, nhiều hợp tác xã. Với sự nỗ lực của chính nhà sản xuất, hiệp hội và doanh nghiệp, giá trị và thương hiệu cà phê đặc sản sẽ có vị trí nhất định.

Trong định hướng phát triển cà phê đặc sản, Việt Nam sẽ nghiêng về dòng sản phẩm nào, thưa ông?

Khác với sản xuất cà phê thông thường. Việc liên kết chuỗi giữa những người sản xuất cà phê, các nhà rang xay, nhà làm thương mại cà phê đặc sản là khá minh bạch. Bởi ngay từ đầu, chuỗi phân phối sản xuất cà phê đặc sản không quá phức tạp.

Trong định hướng phát triển cà phê đặc sản, Việt Nam định hướng phát triển song song cả cà phê Arabica và Robusta nhưng nghiêng về Robusta nhiều hơn do Việt Nam là cường quốc đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê này. Bên cạnh đó, do điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất, kinh nghiệm sản xuất, thị trường sản xuất, thị trường tiêu thụ chủ yếu của Việt Nam là Robusta.

Khó khăn trong làm cà phê đặc sản là gì, thưa ông?

Việc phát triển cà phê đặc sản của Việt Nam chưa lâu. Trong thời gian vừa qua, để cà phê có chất lượng tốt, chúng ta tập trung nhiều vào khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Đây cũng là khâu yếu nhất của ngành cà phê Việt Nam. Hiện nay, việc này cũng đang gặp khó khăn.

Những tài liệu hướng dẫn cũng như những người đủ trình độ để hướng dẫn nông dân làm cà phê đặc sản không nhiều. Mùa thu hoạch chế biến cà phê chỉ kéo dài mấy tháng, trong khi mỗi đợt tập huấn kéo dài vài ba tuần. Do đó, việc tiếp cận, phổ biến thông tin cho bà con nông dân chưa được nhiều. 1 năm, chúng tôi tối đa cũng chỉ tập huấn được cho khoảng 100 nông dân. Việc tìm các địa điểm đăng cai các lớp tập huấn cũng không dễ. Phải có đầy đủ cơ sở vật chất, máy móc thiết bị cũng như cơ sở hạ tầng như nhà màng, nhà phơi,..

Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng biên soạn, Việt hóa bộ tài liệu mà nước ngoài biên soạn cho Arabica cho phù hợp với Robusta. Việc này rất cần sự chung tay của nhà nước. Còn những khâu trước đó, chúng ta dựa trên một nền tảng có sẵn. Đó là giống gì, trồng ở đâu? Dù vậy, việc bắt tay thay đổi giống là câu chuyện khá lâu dài.

Hiện nay, cà phê đang chịu sự cạnh tranh rất lớn với các cây trồng khác có giá trị, ông bình luận gì về việc này?

Đang có sự lo lắng trong việc cạnh tranh với các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý, dù quy hoạch phát triển cà phê Việt Nam thay đổi rất nhiều lần nhưng vẫn xác định tổng diện tích cà phê cả nước 600 - 650 nghìn ha, tuy nhiên, hiện nay 712 nghìn ha. Do đó, việc giành 50 - 70 ha cho các cây trồng khác là điều hợp lý, và là cơ hội để đưa diện tích trồng cà phê về đúng với quy hoạch đã tính toán trước đó.

Xin cám ơn ông!

Ông Lê Đức Huy - Tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk

Trong thời gian vừa qua, bà con nông dân đã rất nỗ lực để làm ra hạt cà phê đặc sản. Đây là cà phê ngon hơn và được sản xuất theo chuẩn rất khắt khe. Ngành cà phê đặc sản của Việt Nam rất mới cả về con người lẫn phương pháp chế biến. Do đó, chúng tôi nỗ lực mời các chuyên gia, mở các chương trình đào tạo cho bà con nông dân, rang xay, pha chế. Để mang đến chất lượng cà phê ngon nhất cho người tiêu dùng cuối cùng.

Việt Nam đang đi đúng hướng khi phát triển thương hiệu quốc gia là cà phê Robusta. Cà phê đặc sản được nhận định là đường dẫn của thương mại cà phê Việt Nam. Khi giá trị thương hiệu và giá trị chất lượng được nâng cao, bù đắp lại lợi nhuận cho bà con nông dân.

Chúng ta không thể một bước để trở thành người lớn. Thời gian xây dựng ngành hàng cà phê đặc sản Việt Nam mới có quãng thời gian dưới 10 năm, so với ngành cà phê đặc sản của thế giới chúng ta còn quá chập chững, do đó, cần phải tiếp tục nỗ lực hơn từng ngày. Trong đó, nhấn mạnh tính trách nhiệm trong liên kết hợp tác giữa các nhà để tạo ra thương hiệu cà phê Việt Nam.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương