TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tham dự và chỉ đạo cuộc họp.
Tham dự trực tiếp và trực tuyến cuộc họp còn có: ông Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm CLB, Phó Tổng Giám đốc HD Saison; bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Chủ nhiệm, Tổng Giám đốc FE CREDIT; ông Phạm Ngọc Khang, Ủy viên Ban chủ nhiệm, Tổng Giám đốc Home Credit; bà Tôn Thị Hải Yến, Ủy viên Ban chủ nhiệm, Phó Tổng Giám đốc EVNFC; bà Trương Thị Anh Tú, Chuyên gia cao cấp pháp chế MCredit; bà Nguyễn Thùy Linh, Giám đốc Pháp chế HD Saison; ông Lại Phú Việt Anh, Phó Giám đốc Ban Pháp chế EVNFC.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh vai trò của CLB Tài chính Tiêu dùng trong việc làm cầu nối giữa các công ty tài chính và cơ quan quản lý, đồng thời khuyến khích Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ mới nâng cao tính chủ động, thực tiễn và phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động, thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.
TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng đề xuất thành lập Tổ giúp việc thường trực thuộc Ban Chủ nhiệm để đóng vai trò đầu mối tiếp nhận, tổng hợp khó khăn, kiến nghị từ các hội viên. Tổ giúp này sẽ có nhiệm vụ rà soát, đối chiếu các vấn đề phát sinh với hệ thống pháp luật hiện hành, từ đó hình thành đề xuất chính sách có cơ sở thực tiễn, gửi về Hiệp hội Ngân hàng làm đại diện kiến nghị lên các cơ quan chức năng.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm CLB cho biết, Ban Chủ nhiệm sẽ tập trung thực hiện 3 mục tiêu trọng tâm trong nhiệm kỳ: Xây dựng chương trình hành động chung; tổng hợp và kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc thực tế; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để đảm bảo tính hiệu quả, chủ động và trách nhiệm.
Một nội dung nổi bật được ông Đức nhấn mạnh là kế hoạch tham gia chia sẻ dữ liệu qua sàn dữ liệu quốc gia – một bước tiến nhằm hợp pháp hóa hoạt động trao đổi thông tin giữa các tổ chức tài chính. Việc này sẽ giúp hình thành hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, từ đó hỗ trợ phòng chống gian lận và giảm thiểu rủi ro tín dụng, đặc biệt trong mô hình cho vay không tài sản bảo đảm. Cơ chế thử nghiệm chia sẻ dữ liệu dự kiến được khởi động trong tháng 8 tới.
Song song với đó, CLB cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động truyền thông trong việc nâng cao nhận thức xã hội về tài chính tiêu dùng. Truyền thông cần giúp người dân nhận diện rõ vai trò hợp pháp, minh bạch của các công ty tài chính; phân biệt giữa tín dụng tiêu dùng chính thống và tín dụng đen; đồng thời khuyến khích hành vi tài chính có trách nhiệm từ phía người vay.
Về trung hạn, ông Đức đề xuất nghiên cứu xây dựng chỉ số tín dụng công dân – công cụ đánh giá mức độ tuân thủ tài chính của người dân, có thể tích hợp chế tài xử lý như hạn chế tiếp cận dịch vụ công hoặc xuất cảnh đối với người cố tình không trả nợ. Theo ông, hệ thống dữ liệu tín dụng hiện nay (do CIC quản lý) vẫn còn hạn chế, và cần được mở rộng, kết nối chặt chẽ hơn với dữ liệu từ Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan.
Cũng tại phiên họp, các thành viên Ban Chủ nhiệm đã thống nhất 5 trọng tâm chiến lược trong nhiệm kỳ:
Thứ nhất, tham gia chia sẻ dữ liệu qua sàn dữ liệu quốc gia, góp phần giảm rủi ro và phòng chống gian lận.
Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức xã hội, giúp người dân phân biệt giữa tín dụng hợp pháp và tín dụng đen, xây dựng thói quen tài chính lành mạnh.
Thứ ba, kiến nghị hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là sửa đổi các văn bản như Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 57/2012/NĐ-CP quy định về chế độ tài chính đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập, tổ chức và hoạt động theo luật tín dụng; Nghị định 58/2021/NĐ-CP quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng… để phù hợp hơn với thực tiễn và mô hình kinh doanh số.
Thứ tư, tăng cường phối hợp chống gian lận, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm giữa các công ty, chia sẻ thủ đoạn và điểm nóng trong thu hồi nợ.
Thứ năm, kiến nghị điều chỉnh chính sách ngành, bao gồm nâng hạn mức cho vay tiêu dùng vượt ngưỡng 100 triệu đồng theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN, nới lỏng quy định giải ngân tiền mặt, và điều chỉnh tỷ lệ cho vay tiêu dùng từ 30% lên tối thiểu 50% tùy theo năng lực từng công ty.
Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm cũng đề xuất nhiều biện pháp tăng cường gắn kết nội bộ, như tổ chức họp chuyên đề định kỳ, xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu nội bộ, tổ chức đào tạo chuyên môn và thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn ngành tài chính tiêu dùng.
Các hoạt động này được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực hoạt động của các hội viên, tạo dựng một hệ sinh thái hợp tác minh bạch, gắn kết và phát triển bền vững cho toàn thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam.
Minh Ngọc