Hiệp hội Ngân hàng góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

16/07/2025 - 02:40
(Bankviet.com) Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có văn bản số 340/HHNH-PLNV gửi Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.
hoa-don-dien-tu.jpg
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. (Ảnh minh họa)

Bổ sung quy định rõ điều kiện của văn bản hướng dẫn

Một trong những vướng mắc được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phản ánh liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong trường hợp người nộp thuế làm theo hướng dẫn của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

Văn bản của Hiệp hội nêu rõ, các TCTD thời gian qua đã gặp không ít khó khăn liên quan đến thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với hoạt động thư tín dụng (L/C). Sau khi Luật Các TCTD 2010 được ban hành, các TCTD đã thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Cơ quan Thuế nhưng không được miễn xử phạt vi phạm hành chính, miễn tiền chậm nộp liên quan. Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD đã nhiều lần kiến nghị về nội dung này nhưng vẫn không được chấp nhận. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định rõ điều kiện của văn bản hướng dẫn (ví dụ về hình thức văn bản, đối tượng nhận văn bản, thời điểm văn bản, nội dung văn bản,...) để người nộp thuế được áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 125.

Cùng với đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho rằng, việc áp dụng mức phạt hành chính tuyệt đối theo số lượng hóa đơn vi phạm đối với tất cả các doanh nghiệp theo cùng một khung là chưa thực sự phù hợp và công bằng. Trên thực tế, có doanh nghiệp chỉ phát hành vài chục hóa đơn mỗi tháng, trong khi các TCTD hoặc doanh nghiệp bán lẻ - có thể phát sinh hàng chục nghìn hóa đơn mỗi ngày.

Do vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Cơ quan soạn thảo xem xét, quy định nguyên tắc phân loại và điều chỉnh mức phạt theo tỷ lệ hóa đơn vi phạm trên tổng số hóa đơn của doanh nghiệp trong kỳ, đồng thời xem xét đến quy mô hoạt động.

Tại văn bản, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét phân loại hành vi vi phạm thành từng nhóm đối tượng cụ thể, nhóm có ảnh hưởng đến nghĩa vụ ngân sách nhà nước và nhóm thuần túy chỉ liên quan tới thủ tục kê khai, báo cáo.

"Với các vi phạm thuần túy về thủ tục hành chính, không làm thất thu ngân sách nhà nước (như sai sót thông tin trên hóa đơn, chứng từ; không xuất hóa đơn nhưng không gây thiệt hại về thuế,...) nên áp dụng mức phạt nhẹ, cảnh cáo hoặc nhắc nhở nếu vi phạm lần đầu hoặc do các nguyên nhân về hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng kịp. Miễn xử phạt khi người nộp thuế chủ động phát hiện, lập hồ sơ điều chỉnh, kê khai bổ sung điều chỉnh trước thời điểm cơ quan thuế thanh kiểm tra", văn bản nêu rõ.

Người nộp thuế khó lập hóa đơn đúng ngày bàn giao hàng hóa

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung, điều chỉnh chi tiết Điều 1 Dự thảo. Theo đó, tại Tiết b Khoản 3 Điều 1 Dự thảo, Hiệp hội đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bỏ quy định về việc lập hóa đơn không đúng thời điểm để hỗ trợ cho người nộp thuế trong hoạt động kinh doanh, bởi trong thực tế người nộp thuế rất khó có thể lập hóa đơn đúng ngày bàn giao hàng hóa hay hoàn thành cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, việc lập hóa đơn muộn không làm chậm nghĩa vụ thuế, không phải là hành vi cố tình trốn thuế của doanh nghiệp.

Tại Tiết c Khoản 3 Điều 1 Dự thảo, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các hành vi vi phạm về không lập hóa đơn hoặc lập hoá đơn không đúng thời điểm sẽ bị xử phạt theo số lượng hoá đơn có thể dẫn tới số tiền phạt về hoá đơn vượt quá số tiền thuế có thể phát sinh từ hoá đơn đó. Vi phạm về thiếu thuế và trốn thuế là vi phạm có tính chất nghiêm trọng hơn, do đó, chịu mức phạt tiền cao hơn và nên giới hạn tối đa cho mức phạt về hoá đơn.

Từ đó, Hiệp hội đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định theo hướng: “g) Hành vi vi phạm về không lập hoá đơn hoặc lập hoá đơn không đúng thời điểm thì bị xử phạt theo Điều 24 Nghị định này nhưng không vượt quá số tiền thuế phát sinh từ tổng doanh thu theo các hoá đơn”.

Bên cạnh đó, văn bản của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: tại Khoản 5 Điều 1 Dự thảo sửa đổi điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định 125. Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP đã quy định về thời điểm lập hoá đơn. Việc xác định có hành vi không lập hoá đơn là căn cứ vào thời điểm phải lập hoá đơn theo quy định của pháp luật. Do đó, cần xem lại hành vi này đã kết thúc vào thời điểm phải lập hoá đơn thì mới có cơ sở xác định có vi phạm.

Từ đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bỏ hành vi quy định tại “Khoản 3 Điều 24” khỏi nhóm hành vi đang được thực hiện.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi Khoản 10 Điều 1 Dự thảo theo hướng: quy định hành vi cung cấp không chính xác có mức phạt nhẹ hơn hành vi không cung cấp.

Ngoài ra, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các tổ chức hội viên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một số nội dung chưa được quy định trong Dự thảo như: bổ sung quy định trường hợp người nộp thuế nộp tờ khai thuế bị lỗi dẫn tới cơ quan thuế chưa nhận được tờ khai thuế (nộp tờ khai chưa thành công) nhưng người nộp thuế đã nộp đủ số thuế vào ngân sách Nhà nước thì chỉ bị phạt về hành vi nộp muộn hồ sơ khai thuế, không bị phạt về hành vi kê khai sai dẫn tới thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được miễn, giảm, hoàn theo quy định tại Điều 16, Nghị định 125/2020/NĐ-CP; xây dựng bổ sung điều khoản riêng về xử phạt chứng từ điện tử thay vì áp dụng chung với hóa đơn, tránh tình trạng khi thực thi bị “gom” xử lý như hóa đơn; Giảm nhẹ mức xử phạt đối với chứng từ điện tử so với hóa đơn điện tử,...

Minh Hoàng

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Bài liên quan