Bản tin doanh nghiệp 12/11: Geleximco đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng làm dự án cao tốc, Hòa Phát muốn cung ứng 6 triệu tấn thép đường ray cao tốc

12/11/2024 - 13:11
(Bankviet.com) Tập đoàn Geleximco tham gia dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng; Hòa Phát muốn cung ứng 6 triệu tấn thép đường ray cao tốc; Doanh nghiệp sợi đầu tiên công bố KQKD 10 tháng, dự kiến vượt xa kế hoạch trong năm 2024... là những tin tức đáng chú ý trong Bản tin doanh nghiệp ngày hôm nay 12/11.

Hòa Phát muốn cung ứng 6 triệu tấn thép đường ray cao tốc

Tập đoàn Hòa Phát khẳng định sẵn sàng cung ứng 6 triệu tấn thép cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bao gồm thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long, cam kết đảm bảo chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giao hàng đúng tiến độ và giá cả cạnh tranh hơn so với thép nhập khẩu.

Bản tin doanh nghiệp 12/11: Geleximco đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng làm dự án cao tốc, Hòa Phát muốn cung ứng 6 triệu tấn thép đường ray cao tốc
Chủ tịch Hòa Phát, ông Trần Đình Long.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với tổng mức đầu tư 67 tỷ USD, được Chính phủ yêu cầu ưu tiên sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa và chuyển giao công nghệ. Hơn một nửa nguồn vốn sẽ dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó cầu hầm chiếm 70% và nền đường 30%.

Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á, với công suất 8,5 triệu tấn/năm, dự kiến tăng lên hơn 14 triệu tấn/năm vào năm 2025 khi hoàn thành Khu liên hợp gang thép Dung Quất 2. Tập đoàn đã nghiên cứu sản xuất thép đường ray trong 3 năm gần đây và khẳng định đủ năng lực đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của dự án.

Ngoài ra, Hòa Phát còn đầu tư vào các dự án tại Phú Yên, hướng tới sản xuất các dòng thép chất lượng cao, bao gồm thép đường ray kích thước lớn. Tập đoàn dự kiến tối ưu hóa vận chuyển bằng đường sắt để giảm chi phí logistics và đảm bảo hiệu quả cho các dự án quốc gia.

Bảo Minh điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, sắp tổ chức ĐHĐCĐ bất thường

Tổng Công ty CP Bảo Minh (HOSE: BMI) vừa công bố nghị quyết điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024. Theo đó, lợi nhuận trước thuế mục tiêu giảm từ 377 tỷ đồng xuống còn tối thiểu 268 tỷ đồng, tương ứng giảm 29%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ lệ chi trả cổ tức cũng được hạ xuống mức 7%.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 24/4/2024, Bảo Minh đặt mục tiêu doanh thu 6.800 tỷ đồng, tăng 2,56% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 377 tỷ đồng, với ROE và cổ tức tối thiểu 10%. Tuy nhiên, trong quý III/2024, công ty ghi nhận lỗ gộp 19,1 tỷ đồng do chi phí kinh doanh bảo hiểm tăng gần 12%, lên 1.304 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 40 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bảo Minh, lợi nhuận sụt giảm chủ yếu do chi phí dự phòng bồi thường tăng mạnh, liên quan đến thiệt hại từ cơn bão Yagi. Tới đây, Bảo Minh sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 27/12/2024, tại trụ sở chính ở TP.HCM, nhằm thảo luận các điều chỉnh quan trọng.

Sợi Phú Bài đảo chiều kinh doanh, vượt kế hoạch năm 2024

Công ty CP Sợi Phú Bài (UPCoM: SPB) vừa báo cáo kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2024 với tổng doanh thu hơn 1.039 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế 12 tỷ đồng, chuyển từ lỗ gần 43 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái sang có lãi.

Theo kế hoạch năm 2024, Sợi Phú Bài đặt mục tiêu doanh thu 1.050 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kết quả khả quan hiện tại, công ty dự kiến doanh thu vượt 1.240 tỷ đồng và lãi trước thuế 15,2 tỷ đồng, lần lượt vượt 18% và 52% so với kế hoạch. Lãnh đạo công ty cho biết sự cải thiện này nhờ vào sự phục hồi tích cực của thị trường, nhu cầu mua sắm tăng cao, giá bán cải thiện và các biện pháp tối ưu hóa chi phí.

Dù đạt lãi trở lại, Sợi Phú Bài vẫn gánh khoản lỗ lũy kế hơn 22 tỷ đồng tính đến ngày 30/9/2024, do ảnh hưởng từ khoản lỗ kỷ lục 40 tỷ đồng trong năm 2023.

Hạ tầng Nước Sài Gòn dự kiến thoái hết vốn tại hai công ty liên kết

Hội đồng quản trị Công ty CP Hạ tầng Nước Sài Gòn (UPCoM: SII) vừa thống nhất chủ trương thoái vốn khỏi Công ty CP Đầu tư Nước Tân Hiệp (THW) và Công ty CP B.O.O Nước Thủ Đức (TDW).

SII dự kiến bán tối đa 10,32 triệu cổ phần, tương đương 43% vốn tại THW, và hơn 409 nghìn cổ phần, tương đương 7,33% vốn tại TDW. Tổng giá trị thoái vốn không thấp hơn 900 tỷ đồng. Nếu giao dịch thành công, SII sẽ không còn là cổ đông tại cả hai công ty. Chủ tịch HĐQT, ông Hoàng Minh Hùng, được giao nhiệm vụ tìm kiếm đối tác và thực hiện các thủ tục thoái vốn theo quy định.

Việc thoái vốn diễn ra trong bối cảnh SII vẫn đang đối mặt với chuỗi thua lỗ kéo dài. Quý III/2024, công ty đạt doanh thu gần 67 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, nhưng lỗ ròng gần 5 tỷ đồng, đánh dấu quý thua lỗ thứ 19 liên tiếp kể từ quý I/2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SII đạt hơn 200 tỷ đồng doanh thu, tăng 13%, nhưng lỗ ròng hơn 13 tỷ đồng và lỗ lũy kế vượt 8 tỷ đồng tính đến 30/09/2024.

Nguyên nhân chính được SII lý giải là do dự án Củ Chi không đạt kỳ vọng sản lượng, trong khi chi phí tài chính từ khoản vay lớn tại dự án này gây áp lực lên lợi nhuận. Dù hoạt động của một số công ty con và công ty liên kết ổn định, doanh thu chưa đủ bù đắp chi phí, khiến kết quả kinh doanh tiếp tục âm.

Quản lý Quỹ Leadvisors trở thành cổ đông lớn tại Hải An

Công ty CP Quản lý Quỹ Leadvisors vừa mua thêm 260.100 cổ phiếu HAH, nâng sở hữu từ 6 triệu cổ phiếu (4,94% vốn điều lệ) lên 6.260.100 cổ phiếu (5,16%). Giao dịch được thực hiện vào ngày 6/11, qua đó chính thức đưa Leadvisors trở thành cổ đông lớn tại Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An.

Được thành lập vào ngày 28/12/2006, Quản lý Quỹ Leadvisors có trụ sở tại tầng 25, Leadvisors Tower, số 643 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Công ty chuyên về quản lý quỹ với đại diện pháp luật là ông Trịnh Quốc Bình.

Tính đến ngày 30/9/2024, Leadvisors sở hữu tổng tài sản 36,9 tỷ đồng, với danh mục đầu tư đa dạng. Trong đó, công ty nắm giữ 680.300 cổ phiếu OCH (8,9 tỷ đồng), hơn 2,3 triệu cổ phiếu PVR (8,1 tỷ đồng), 254.348 cổ phiếu ANT (2,26 tỷ đồng), 76.408 cổ phiếu EVE (1,2 tỷ đồng), cùng nhiều khoản đầu tư khác như PVI, FBT.

Tập đoàn Geleximco tham gia dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng

Dự án cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Nam Định và Thái Bình, vừa được phê duyệt với tổng chiều dài 60,9 km, trong đó 33,3 km thuộc tỉnh Thái Bình. Đây là tuyến đường đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn hơn 19.780 tỷ đồng.

Nhà đầu tư, Tập đoàn Geleximco, sẽ tự thu xếp 52% vốn (gần 10.300 tỷ đồng), phần còn lại do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Tuyến đường có quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 120 km/h, dự kiến khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2027. Tuyến cao tốc kết nối nhiều khu vực quan trọng, từ cầu vượt sông Đáy (Nam Định) tới nút giao quốc lộ 37 mới với đường ven biển (Thái Bình), đồng thời liên kết với các cảng biển và sân bay quốc tế như Lạch Huyện và Cát Bi.

Ngoài dự án giao thông chiến lược, Thái Bình cũng đang chứng kiến sự bứt phá trong phát triển công nghiệp. Cuối tháng 10, Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư cho liên doanh Geleximco - Chery xây dựng nhà máy ô tô tại KCN Hưng Phú, huyện Tiền Hải. Với vốn đầu tư 800 triệu USD, nhà máy dự kiến hoàn thành năm 2026, công suất 50.000 xe/năm, tạo hàng nghìn việc làm cho địa phương và thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam.

Các dự án này không chỉ cải thiện hạ tầng giao thông mà còn góp phần tạo đà phát triển kinh tế bền vững cho vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ.

Khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng đã có những bước đi ban đầu tiến ...

Bản tin doanh nghiệp 11/11: Vinhomes dự báo lợi nhuận kỷ lục, Gemalink đề xuất phát triển cảng Cái Mép Hạ, Đèo Cả gọi vốn cho cao tốc

Vinhomes dự báo lợi nhuận quý IV kỷ lục, Gemalink khẳng định tiềm lực để phát triển cảng tổng hợp Cái Mép Hạ, Đèo Cả ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán