Phát triển ngân hàng xanh – tín dụng xanh tại Việt Nam
Theo nghĩa rộng, ngân hàng xanh được hiểu với ý nghĩa là ngân hàng xây dựng được một chiến lược kinh doanh bền vững, thể hiện ở việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng thỏa mãn các tiêu chí đảm bảo trách nhiệm với môi trường và xã hội. Khái niệm tín dụng xanh được hiểu là những khoản tín dụng được ngành Ngân hàng hỗ trợ các dự án sản xuất - kinh doanh không gây rủi ro, hoặc nhằm mục đích bảo vệ môi trường, góp phần bảo vệ sinh thái chung.
Việc sử dụng định nghĩa ngân hàng xanh theo nghĩa rộng phù hợp với định hướng phát triển ngân hàng xanh ở Việt Nam tại Quyết định 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Theo đó, mục tiêu chính là tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng xanh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các hoạt động ngân hàng xanh rất rộng, bao gồm: tiết kiệm giấy sử dụng của ngân hàng và khách hàng; áp dụng ngân hàng trực tuyến (online banking); giảm số lượng các chi nhánh, văn phòng; áp dụng tiêu chuẩn môi trường khi duyệt vốn vay hay cấp tín dụng ưu đãi cho dự án giảm CO2, dự án về năng lượng tái tạo…. Hoạt động ngân hàng xanh là làm cho các quy trình nội bộ ngân hàng, cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin có hiệu quả đối với môi trường bằng cách giảm tác động tiêu cực của nó đối với môi trường đến mức tối thiểu.
Tuy nhiên, những quy định đã ban hành tới thời điểm này mới chỉ mang tính chất khuyến khích thúc đẩy phát triển ngân hàng xanh, thông qua việc tăng cường nguồn vốn xanh và các công cụ huy động vốn xanh; chưa chú trọng đến các chính sách về đầu tư xanh hay thành lập các trung gian tài chính xanh, phát triển các kênh dẫn vốn xanh gián tiếp. Các quy định về ngân hàng xanh – tín dụng xanh còn mang tính chất định hướng, thiếu các quy định cụ thể, chưa bao gồm trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan như: Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam...; chưa đề cập tới tiêu chuẩn/điều kiện về quỹ tín dụng nhân dân xanh/tổ chức vi mô xanh...
Hoạt động ngân hàng ở một góc độ nào đó cũng đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp cho thực trạng nóng lên của trái đất, tiêu biểu có thể kể đến: việc đi lại bằng máy bay, xe ô tô, các văn phòng cao ốc bao quanh bằng bê tông và kính, hệ thống điều hòa, sử dụng máy móc văn phòng....Vì vậy, việc kiểm soát sử dụng nguồn lực của ngân hàng cần được chặt chẽ hơn, đặt tiêu chí giảm ảnh hưởng làm ấm lên đối với môi trường cần được triển khai kịp thời.
Ngân hàng xanh – tín dụng xanh đặt ra yêu cầu chính sách tài chính và kinh doanh không gây nguy hại cho môi trường, đóng góp tích cực bảo vệ môi trường. Ngân hàng xanh – tín dụng xanh được thừa nhận là tổ chức tín dụng đó có đạo đức, có trách nhiệm với môi trường, xã hội và là tổ chức tín dụng phát triển bền vững.
Bảo hiểm Tiền gửi và “xanh hóa” hoạt động ngân hàng
Công tác thúc đẩy ngân hàng xanh cũng như phát triển tín dụng xanh tăng trưởng bền vững là quá trình dài lâu, đòi hỏi đầu tư lớn về thời gian và nguồn lực, cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều tổ chức, trong đó có tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG), tổ chức BHTG và các đơn vị có liên quan.
Để hướng tới hình mẫu một tổ chức “BHTG xanh”, có tầm ảnh hưởng rộng rãi đến nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, đảm bảo phát triển bền vững cả ba yếu tố kinh tế - môi trường - xã hội, cần đảm bảo những lợi ích sau: Xây dựng các dịch vụ BHTG trực tuyến; Chi trả BHTG bằng hình thức trực tuyến giúp tiết kiệm nhân lực và tài nguyên; Với vai trò là tổ chức có chức năng kiểm tra, giám sát và góp phần kiểm soát rủi ro trong hoạt động ngân hàng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có thể chủ động đề xuất và thực thi chính sách liên quan tới phổ cập và nâng cao hiệu quả hoạt động ngân hàng xanh – tín dụng xanh, nhằm thúc đẩy giám sát tính “xanh” của tổ chức tham gia BHTG; đề xuất đưa tiêu chí xanh (tác động môi trường, tính bền vững của dự án, ảnh hưởng tới cộng đồng và hiệu quả dự án xanh...) của các tổ chức tham gia BHTG vào bộ tiêu chí đánh giá hoạt động và tín nhiệm của ngân hàng.
Về phía BHTGVN, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, từ đó góp phần có hiệu quả vào quá trình “xanh hóa” hoạt động tài chính – ngân hàng, cần có những hành động thiết thực hơn nữa, cụ thể:
Thứ nhất, chủ động nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bên liên quan xây dựng hệ thống văn bản, quy định nhằm gia tăng hiệu quả cho hoạt động ngân hàng xanh, tín dụng xanh.
Thứ hai, chủ động tổ chức cũng như tham gia các khóa đào tạo của Ngành nhằm phổ cập kiến thức về các chủ đề: tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh, tín dụng xanh; qua đó góp sức nâng cao năng lực của hệ thống ngân hàng trong quá trình “xanh hóa” Ngành.
Thứ ba, đẩy mạnh trang cấp thiết bị tin học hiện đại để có thể ứng dụng các công nghệ nền tảng như: Internet kết nối vạn vật (IoT); trí tuệ nhân tạo (AI); điện toán đám mây (Cloud computing); dữ liệu lớn (big data); chuỗi khối (blockchain)...; triển khai hệ thống thông tin liên lạc điện tử đảm bảo làm việc từ xa thông suốt trong toàn hệ thống BHTGVN, nhằm phục vụ hiệu quả hơn nữa công tác nghiệp vụ BHTG như kiểm tra tại chỗ, giám sát từ xa, tổng hợp thông tin có tính dự báo từ sớm từ xa những rủi ro có thể xảy ra trong hệ thống tài chính – ngân hàng.
Đồng thời, BHTGVN cần theo dõi sự phát triển của fintech để kịp thời đề xuất đưa ra chính sách BHTG phù hợp khi sự phát triển của fintech có thể ảnh hưởng đến các tổ chức BHTG thông qua nhiều kênh trực tiếp và gián tiếp, như ảnh hưởng đến hệ thống thanh toán và vai trò của tiền gửi truyền thống.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động của BHTGVN để cho thấy sự đóng góp vào công cuộc thúc đẩy tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh, tín dụng xanh. Thực tế, thời gian qua, BHTGVN đã triển khai một số chương trình như: xây dựng góc làm việc xanh – phát động thi đua tiết kiệm điện, văn phòng phẩm, tiết giảm tài sản công cộng như nước, giấy vệ sinh, tạo không gian xanh sạch đẹp; đổi giấy, sách báo cũ lấy cây xanh nhằm tái sử dụng giấy; xây dựng phòng làm việc/cơ quan xanh vì nụ cười mỗi nhân viên đem đến hình ảnh BHTGVN đáng tin cậy, thân thiện…
Tài liệu tham khảo:
- Chỉ thị 03/CT-NHNN năm 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
- Greenbank Report (2010), “The basics of green banking”, (http:// greenbankreport.com/green-bank-report/the-basics-of-green-banking)
- Greenbank Report (2010), “What is green bank?”, (http://greenbankreport.com /eco-friendly-banking/what-is-green-banking)
- IDRBT (2013), Green Banking, (https://www.idrbt.ac.in/assets /publications/Best%20Practices/Green%20Banking%20Framework%20(2013).pdf)
Minh Ngọc