Bảo vệ thông tin trên không gian mạng tại các tổ chức tín dụng

13/12/2023 - 00:05
(Bankviet.com) Ngày 22/11, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp bảo vệ truyền thông trên không gian mạng tại các tổ chức tín dụng".
quang-canh.jpg
Toàn cảnh Hội thảo "Giải pháp bảo vệ truyền thông trên không gian mạng tại các tổ chức tín dụng"

Hội thảo có sự tham dự của: Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm; ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Kim Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông, NHNN.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị Cơ quan Thường trực Hiệp hội; cùng đại diện truyền thông của các tổ chức tín dụng là hội viên Hiệp hội.

Vấn đề quan trọng và cấp bách

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng, định công tác truyền thông và bảo vệ thông tin trên không gian mạng hiện nay là rất quan trọng và cấp bách. Toàn ngành Ngân hàng nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng phải nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và vai trò của công tác truyền thông trên không gian mạng, từ đó, thực hiện truyền thông cho chủ trương, chính sách của các ngân hàng, các TCTD một cách thường xuyên, liên tục và bền bỉ.

"Việc bảo vệ thông tin trên không gian mạng, không chỉ là của lãnh đạo, mà tất cả cán bộ trong ngành Ngân hàng đều phải làm", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

ptt-dao-minh-tu.jpg
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo

Phó Thống đốc NHNN cũng cho rằng, toàn ngành cũng phải sẵn sàng để đối phó với khủng hoảng truyền thông. Bởi một thông tin sai lệch trên mạng xã hội, khi có nhiều người cùng tham gia sẽ dễ khuếch đại lên thành cả làn sóng, tạo nên khủng hoảng truyền thông nghiêm trọng. Do vậy, bên cạnh việc bảo vệ thông tin, các TCTD cũng phải luôn sẵn sàng, chủ động đối phó với khủng hoảng.

Cùng với việc truyền thông chủ động và sẵn sàng đối phó khủng hoảng, Phó Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh công tác đấu tranh chống những thông tin sai trái. "Muốn làm được điều đó, các ngân hàng thương mại phải xem truyền thông là giải pháp an toàn, quan trọng của hệ thống", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói thêm.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, lợi dụng không gian mạng, các đối tượng đã lập ra các Fanpage giả mạo các TCTD để lừa đảo tuyển dụng; lừa cho vay hoặc dẫn dụ vào hoạt động dịch vụ tài chính bất hợp pháp… nhằm trục lợi, gây hoang mang cho người dân và làm ảnh hưởng uy tín thương hiệu của các TCTD.

"Ngoài việc tung tin giả, mạo danh thì trên mạng xã hội còn xuất hiện các hội nhóm "bùng nợ", kêu gọi bùng nợ các TCTD, thậm chí bày cách để bùng nợ gây mất an ninh không gian mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động của các TCTD", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

ttk-nguyen-quoc-hung.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, những tồn tại trên đã khiến các doanh nghiệp nói chung và TCTD nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém rất nhiều thời gian, nguồn lực để xử lý. Bên cạnh đó, nhiều TCTD chưa có công cụ rà quét thông tin; phân tích, đánh giá thông tin, kiểm soát thông tin cũng như kinh nghiệm xử lý thông tin và kỹ năng giao tiếp với truyền thông và trên môi trường mạng, dẫn đến có thể xảy ra các sự cố, khủng hoảng trên không gian mạng.

Đồng tình với vai trò quan trọng và cấp bách của công tác truyền thông trên không gian mạng của các TCTD, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, lực lượng tội phạm đang chuyển đổi số rất nhanh. Tình trạng lấy thông tin cá nhân để lừa đảo, quảng cáo sai sự thật đã và đang diễn ra ngày càng tinh vi.

a.lam-tt-bo-4t.jpg
Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo

Đánh giá các TCTD đang rất chủ động trong công tác truyền thông, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, các TCTD vẫn đang làm một cách nhỏ lẻ. Do vậy, để đạt được hiệu quả cao nhất, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, các TCTD cần làm theo một thể thống nhất dưới sự chỉ đạo của NHNN và dưới sự đại diện bảo vệ quyền lợi của Hiệp hội Ngân hàng.

“Ngành Ngân hàng may mắn là có Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam mạnh và uy tín, có thể đại diện trong công tác truyền thông chính thống như một kênh song song với kênh chính thống của NHNN, để giữ được niềm tin trong nhân dân, trao đổi, sàng lọc trong nội bộ để chuẩn hóa những vấn đề không chỉ trong truyền thông và cả nhiều vấn đề khác”, ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng mong muốn NHNN, Hiệp hội Ngân hàng và các TCTD có một đầu mối để chủ động cung cấp các thông tin về các nhóm sai phạm để Bộ Thông tin Truyền thông và Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử xử lý kịp thời và hiệu quả nhất.

Bài toán ứng xử với thông tin trên mạng xã hội

Theo đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, vấn nạn tin giả, mạo danh TCTD trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội (các Fanpage, Group…) đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều người sử dụng tài khoản ảo để chia sẻ tin giả, cắt ghép hình ảnh, thậm chí là bình luận tiêu cực hoặc không rõ ràng với mục đích “câu view”, gây hiểu lầm, ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của các TCTD.

Các đối tượng xấu còn giả mạo Fanpage của ngân hàng để đăng thông tin tuyển dụng, lừa đảo ứng viên nộp tiền để được phỏng vấn, ứng tuyển vào ngân hàng. Thậm chí có các tài khoản mạng xã hội, Fanpage do người ở nước ngoài quản trị hoặc trang tin điện tử có địa chỉ IP ở nước ngoài đăng tải thông tin xuyên tạc về ngân hàng.

Trước thực trạng này, đại diện UB Group cho rằng, việc xác định, kiểm soát và đánh giá thông tin trên mạng xã hội là hết sức cần thiết. Ứng xử với thông tin trên mạng xã hội sao cho hiệu quả luôn là bài toán khó đối với các tổ chức, cá nhân để phòng ngừa khủng hoảng truyền thông.

Mạng xã hội có đặc tính là dễ bày tỏ cảm xúc, hành vi thông qua bình luận, thích và “bình đẳng” trong việc bày tỏ hiểu biết, cảm xúc, thái độ với sự vụ. Điều đó càng đẩy cảm xúc “tức thời” của cộng đồng mạng lên cao, phụ họa cho vụ việc nào đó thêm nhiều gam màu khác nhau, thậm chí đưa câu chuyện đi quá xa thực tế.

“Mạng xã hội trao cho người dùng một thứ “quyền lực” để phản biện, phản đối nhưng cũng đồng thời tạo ra một “con dao hai lưỡi” với những tác hại khôn lường. Ai cũng có thể đưa tin, bình luận. Ai cũng tưởng có thể trở thành “nhà báo”, thậm chí là “quan tòa”… Thậm chí bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của cộng đồng mạng. Chính vì điều nay, việc phòng ngừa, quản trị thông tin trên mạng xã hội là hết sức cần thiết", đại diện UB Group nói.

Về vấn đề kiểm soát thông tin trên không gian mạng, đại diện The Farm cho rằng cần ứng dụng công nghệ để có công cụ phân tích thông tin, đưa ra cảnh báo thông tin sai phạm, thông tin tiêu cực và cảnh báo độ chính xác của nguồn tin. Từ đó, phân tích báo cáo để đưa ra hướng xử lý với từng thông tin tiêu cực.

Tại Hội thảo, đại diện các TCTD như: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, Shinhan Finance, Mcredit… đã chia sẻ những tình huống thực tế tại đơn vị mình trong việc nhận diện sớm rủi ro để ngăn ngừa khủng hoảng truyền thông. Để ngăn ngừa khủng hoảng truyền thông, đại diện các TCTD cho rằng từ khóa trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và báo chí là: Kịp thời, minh bạch, chia sẻ, hợp tác và đồng hành.

Cần những chiến dịch truyền thông chung, thống nhất trong toàn ngành

Bên cạnh việc chia sẻ những câu chuyện thực tế để ngăn ngừa khủng hoảng truyền thông, đại diện các TCTD cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị với cơ quan quản lý để tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới. Theo đó, các TCTD đề nghị: Cần có sự vào cuộc của nhiều ban ngành; sự quản lý tập trung, đồng thuận của cơ quan quản lý và NHNN; có giải pháp xử lý tập trung từ Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Cục An toàn Thông tin; có chế tài mạnh mẽ hơn đối với các hành vi mạo danh, lừa đảo; tăng cường truyền thông các dấu hiệu nhận biết chính thức của các TCTD trên các kênh truyền thông chính thống, cùng tổ chức chiến dịch truyền thông chung của ngành…

Đồng thời, đại diện các TCTD cũng kiến nghị, cơ quan quản lý có giải pháp ngăn chặn các ứng dụng, trang thông tin điện tử giả mạo trên không gian mạng; ngăn chặn nguồn gây hiểu nhầm về thương hiệu, những nguồn đưa thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm cho khách hàng; tổ chức đào tạo về truyền thông cho ngành Ngân hàng…

le-quang-tu-do-bo-4t.jpg
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông

Để xử lý các vấn đề các TCTD nêu, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần có đầu mối chung của ngành Ngân hàng để không chỉ có sự hợp tác, trao đổi thông tin của các ngân hàng với nhau mà còn có sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Ông Lê Quang Tự Do cho rằng: “Việc chung tay của cả hệ thống sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn nhiều so với từng TCTD làm riêng lẻ”.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cung cấp thêm về những Cổng thông tin chung để các TCTD có thể gửi các thông tin phản hồi, cảnh báo, tố giác tội phạm trên không gian mạng, mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã có, như: https://tinnhiemmang.vn/ đăng tải danh sách tất cả những website lừa đảo hay https://tingia.gov.vn/ đăng tải tất cả những thông tin sai sự thật, tin thất thiệt hay https://mic.gov.vn/ là có đầy đủ tôn chỉ, mục đích của tất cả các cơ quan báo chí.

kim-lan-anh-nhnn.jpg
Bà Kim Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN

Khẳng định Vụ Truyền thông NHNN luôn chú trọng rà soát, phối hợp cơ quan liên quan xử lý vấn đề thông tin giả, bà Kim Lan Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN cho biết, NHNN đang xây dựng một bộ quy chế hoạt động truyền thông trong ngành Ngân hàng để tạo nên sự thống nhất cũng như đạt hiệu quả truyền thông cao.

Với giải pháp bảo vệ thông tin trên không gian mạng, bà Kim Lan Anh cho rằng, các TCTD nên gửi thông tin chính thức cho khách hàng, doanh nghiệp về các kênh cập nhật thông tin như: Email, Fanpage,...

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định lại công tác truyền thông là nhiệm vụ cần thiết và quan trọng để nâng cao vị thế hình ảnh của ngành Ngân hàng nói chung. Hiệp hội Ngân hàng sẽ tập hợp tất cả những ý kiến của các hội viên và kiến nghị đến cơ quan quản lý; đồng thời, phối hợp NHNN rà soát quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác truyền thông của toàn ngành Ngân hàng.

Minh Đức

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ