'Báu vật triệu đô' của Việt Nam gây sốt toàn cầu: Mỹ và Trung Quốc tăng nhập khẩu giữa lúc nguồn cung khan hiếm

29/04/2025 - 16:47
(Bankviet.com) Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang được săn lùng trên toàn cầu, nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc tăng vọt giữa bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Hàng hóa - Giá cả

'Báu vật triệu đô' của Việt Nam gây sốt toàn cầu: Mỹ và Trung Quốc tăng nhập khẩu giữa lúc nguồn cung khan hiếm

Thanh Hằng 29/04/2025 14:55

Một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang được săn lùng trên toàn cầu, nhập khẩu từ Mỹ và Trung Quốc tăng vọt giữa bối cảnh nguồn cung khan hiếm.

Trong bối cảnh thị trường nông sản thế giới đầy biến động, dừa Việt Nam – một sản phẩm từng gắn liền với hình ảnh làng quê thanh bình đang trở thành "ngôi sao mới" được săn lùng trên khắp các châu lục. Khi hạn hán, bão nhiệt đới và biến đổi khí hậu đồng loạt tấn công các vùng trồng dừa trọng điểm như Philippines, Indonesia, Ấn Độ, chuỗi cung ứng dừa toàn cầu nhanh chóng rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.

dua.jpg
Khủng hoảng nguồn cung: Quả dừa Việt Nam trở thành "cứu tinh" thế giới

Theo Tổ chức Cộng đồng Dừa Quốc tế, giá dầu dừa bán buôn đã tăng hơn 35% chỉ trong vài tháng qua. Không chỉ dầu dừa, các sản phẩm khác như dừa tươi, nước dừa, dừa nạo sấy cũng ghi nhận mức tăng giá hai chữ số, gây ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều ngành công nghiệp từ thực phẩm, đồ uống cho đến mỹ phẩm thiên nhiên.

Trong khi các "ông lớn" truyền thống vật lộn với khủng hoảng nguồn cung, Việt Nam nổi lên như một điểm tựa mới. Với sản lượng dừa ổn định và khả năng chế biến sâu ngày càng cao, nông sản Việt, đặc biệt là dừa và các sản phẩm từ dừa, đang âm thầm vươn ra mạnh mẽ trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

Mỹ, Trung Quốc và EU: Những thị trường đua nhau săn lùng "vàng xanh" Việt Nam

Việt Nam, cùng với Thái Lan và Sri Lanka, đang trở thành nguồn cung cấp dừa quý giá trong mắt các tập đoàn thực phẩm, mỹ phẩm toàn cầu. Mỹ, Trung Quốc và EU là những thị trường nhập khẩu dừa và sản phẩm từ dừa lớn nhất hiện nay. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), lượng tiêu thụ dầu dừa toàn cầu dự kiến tăng nhẹ lên 3,23 triệu tấn trong năm 2025, bất chấp giá bán đã lên mức cao nhất trong 3 năm qua, giao dịch ở khoảng 2.658 USD/tấn.

dua1.jpg
Dừa và sản phẩm từ dừa tăng vọt chưa từng có

Xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, lối sống xanh và nhu cầu về nguyên liệu thiên nhiên trong ngành làm đẹp đã khiến các sản phẩm từ dừa – từ dầu gội, sữa dừa cho đến thanh năng lượng, thực phẩm bổ sung – trở nên đắt giá. Đây là cơ hội vàng để nông sản Việt, với các sản phẩm dừa chế biến sâu như dầu dừa ép lạnh, nước dừa đóng hộp, dừa nạo sấy khô, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm thô, sự chuyển dịch mạnh mẽ trong khâu chế biến và đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đã giúp gia tăng giá trị gia tăng cho quả dừa Việt Nam, mở rộng thêm cánh cửa tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực châu Âu.

Biến động khí hậu: Thách thức và cơ hội dài hạn cho nông sản Việt

Dù đang hưởng lợi ngắn hạn từ cơn sốt giá dừa toàn cầu, ngành dừa Việt Nam cũng đứng trước những thách thức không nhỏ. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiên tai bất thường đang ngày càng tác động mạnh tới vùng trồng dừa ở các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự cấp bách trong việc tái cơ cấu sản xuất nông sản Việt theo hướng bền vững, ứng phó linh hoạt với biến đổi khí hậu.

Nhiều chuyên gia nhận định, để duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu dừa, Việt Nam cần tăng tốc đầu tư vào hệ thống canh tác hữu cơ, nghiên cứu giống dừa chịu hạn mặn, phát triển chuỗi giá trị khép kín từ thu hoạch, chế biến đến marketing sản phẩm quốc tế. Việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cũng sẽ là chìa khóa để đưa dừa Việt Nam trở thành mặt hàng chiến lược của ngành nông sản Việt trong giai đoạn tới.

Trong tương lai không xa, nếu biết tận dụng tốt cơ hội, quả dừa – từ biểu tượng mộc mạc của làng quê sẽ tiếp tục vươn lên thành "báu vật triệu đô" bền vững, đưa nông sản Việt bay xa hơn trên thị trường toàn cầu.

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán