Một loại cây gỗ quý từ Indonesia đổ bộ giúp Việt Nam xuất khẩu đứng Top đầu thế giới: Từ gốc đến lá đều 'hái ra tiền'

29/04/2025 - 15:42
(Bankviet.com) Indonesia hiện chiếm đến 69% nguồn cung mặt hàng này cho Việt Nam.
Hàng hóa - Giá cả

Một loại cây gỗ quý từ Indonesia đổ bộ giúp Việt Nam xuất khẩu đứng Top đầu thế giới: Từ gốc đến lá đều 'hái ra tiền'

Hoàng Anh 29/04/2025 14:39

Indonesia hiện chiếm đến 69% nguồn cung mặt hàng này cho Việt Nam.

Việt Nam có một loại cây quý với vị thế xuất khẩu top đầu thế giới là cây quế. Quế được trồng chủ yếu ở Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia giống Casia và Madagascar, Sri Lanka giống Ceylon.

Trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu, vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Các bộ phận của cây đều được khai thác tối ưu từ lá, vỏ, cành và lấy gỗ. Ngoài sản lượng nội địa, nước ta cũng chi hàng triệu USD mỗi tháng để nhập khẩu mặt hàng này.

1(1).png

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPSA), trong tháng 3/2025 Việt Nam đã nhập khẩu 541 tấn quế với kim ngạch đạt 1,3 triệu USD, tăng 22,4% về lượng so với tháng 2. Indonesia và Trung Quốc là 2 nhà cung cấp quế lớn nhất cho Việt Nam trong tháng 3 với lần lượt 412 tấn và 118 tấn.

Lũy kế trong 3 tháng đầu năm Việt Nam đã nhập khẩu 1.222 tấn quế với kim ngạch đạt hơn 2,8 triệu USD, giảm 25% về cả lượng lẫn kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Nhà cung cấp quế lớn nhất cho Việt Nam là Indonesia với 843 tấn, chiếm đến 69% trong tổng lượng nhập khẩu.

VPSA cho biết, tiềm năng của vùng nguyên liệu quế của nước ta rất lớn bởi điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, nhất là các tỉnh vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai và một số nơi như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam… Việt Nam đã có hàng chục công ty đầu tư dây chuyền chế biến quế hiện đại, cho ra sản phẩm quế xay, quế bột để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu quế đến gần 100 quốc gia trên thế giới, chiếm 95% thị phần tại thị trường Ấn Độ, 36,5% tại Mỹ và 35% thị trường châu Âu. Các sản phẩm quế nước ta đã chiếm lĩnh hầu hết tại các thị trường lớn trên thế giới, tuy nhiên, tỷ lệ xuất khẩu quế đã qua chế biến mới chỉ chiếm 18,6% trong đó 70% xuất khẩu sang Mỹ và tỷ lệ xuất khẩu sang châu Âu chỉ chiếm 12%.

Dự báo của Modor Intelligence cho thấy quy mô thị trường quế dự kiến ​​sẽ tăng lên 412,9 triệu USD với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,97% từ năm 2023 đến năm 2028. Trong những năm gần đây, việc sử dụng quế trong ngành dược phẩm và mỹ phẩm cũng tăng đáng kể. Các nước nhập khẩu quế chính là Mỹ, Ấn Độ, Mexico và Bangladesh.

Những năm gần đây, người tiêu dùng đã được thúc đẩy bởi xu hướng "go organic" để kết hợp nhiều thực phẩm hữu cơ hơn vào chế độ ăn uống của họ. Những người trồng quế cũng bị ảnh hưởng bởi phong trào này. Do đó, các nhà sản xuất thực phẩm ngày càng tập trung vào những khách hàng có ý thức về sức khỏe và yêu cầu quế hữu cơ từ các nhà cung cấp của họ. Việc trồng và sử dụng quế hữu cơ đã mở rộng vì lý do này.

Ở Indonesia, quế thường được sử dụng trong các món ăn truyền thống để tăng hương vị và độ nồng của món ăn. Ngược lại, ở Trung Đông, quế thường được kết hợp vào các món ăn mặn và hỗn hợp gia vị, chẳng hạn như garam masala, thể hiện sức hấp dẫn đa dạng của quế trong cả vị ngọt và mặn.

Bất chấp triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn, thị trường quế toàn cầu cũng đối diện với thách thức. Một trong những thách thức chính mà ngành phải đối mặt là sự biến động của giá quế, chịu ảnh hưởng của các yếu tố như điều kiện thời tiết, bất ổn chính trị và gián đoạn chuỗi cung ứng. Để giảm thiểu những rủi ro này, các nhà sản xuất quế cần áp dụng các chiến lược quản lý rủi ro hiệu quả và đa dạng hóa các kênh cung ứng của họ.

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán