Ngày 22/10, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có buổi làm việc với Tập đoàn PNE, một trong những tập đoàn năng lượng lớn đến từ Đức, để thảo luận về kế hoạch triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh này.
Dự án có công suất lên đến 2.000MW, với tổng mức đầu tư ước tính khoảng 4,6 tỷ USD. Đây là dự án điện gió quy mô lớn được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu – Điểm đến đầu tiên tại châu Á của PNE
Tập đoàn PNE đã có 25 năm kinh nghiệm phát triển các dự án điện gió tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành PNE, Bình Định là địa điểm đầu tiên mà tập đoàn này chọn để triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại châu Á, với tên gọi Dự án điện gió Hòn Trâu.
Ông Pedersen khẳng định, Bình Định đáp ứng các điều kiện lý tưởng về cơ sở hạ tầng và tiềm năng gió để phát triển dự án này.
Dự kiến, khi đi vào hoạt động, mỗi năm dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng.
Lãnh đạo Bình Định làm việc với Tập đoàn PNE về dự án |
Mặc dù Bình Định được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển điện gió ngoài khơi, nhưng cả địa phương lẫn Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc triển khai loại hình năng lượng này. Theo ông Pedersen, các khó khăn bao gồm việc phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam còn khá mới mẻ, cùng với những rào cản về cơ chế chính sách chưa hoàn thiện.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cũng thừa nhận rằng, dự án vẫn đang gặp một số khó khăn trong giai đoạn đầu và cần có sự quyết tâm của cả hai bên để tiến hành suôn sẻ. Bình Định cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp chặt chẽ với PNE để thúc đẩy dự án được phê duyệt và triển khai.
Từ năm 2019, Tập đoàn PNE đã đăng ký nghiên cứu, khảo sát để đầu tư dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Hòn Trâu với quy mô công suất 2.000 MW được chia thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư khoảng 4,6 tỷ USD (mỗi giai đoạn dự án đầu tư khoảng hơn 1,5 tỷ USD).
Nếu được triển khai, dự án điện gió Hòn Trâu sẽ không chỉ giúp tăng cường nguồn cung năng lượng tái tạo cho Việt Nam mà còn đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Đức và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Ông Pedersen nhấn mạnh mong muốn dự án này sẽ trở thành một dự án thí điểm về điện gió ngoài khơi, không chỉ tại Việt Nam mà còn là biểu tượng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa hai chính phủ.
Với cam kết của Tập đoàn PNE và sự hỗ trợ của tỉnh Bình Định, dự án điện gió ngoài khơi Hòn Trâu có thể mở ra một chương mới cho ngành năng lượng gió tại Việt Nam, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.
Tiềm năng lớn của điện gió ngoài khơi tại Việt Nam
Việt Nam hiện được các chuyên gia quốc tế đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, với tiềm năng kỹ thuật lên đến 600.000MW.
Với đường bờ biển dài hơn 3.400km, Việt Nam được xếp hạng thứ 5 ở châu Á và thứ 13 trên thế giới về tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi.
Chỉ riêng dự án điện gió ở Bình Định, nếu được triển khai và đi vào vận hành, mỗi năm dự án sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế địa phương và khu vực.
Chủ tịch Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn (thứ 3 từ trái qua) dẫn đoàn khảo sát thực địa |
Hàng năm, ngân sách Bình Định sẽ thu về khoảng 1.600 tỷ đồng từ dự án, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu ngân sách địa phương và hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đến năm 2030 đã được phê duyệt.
Việc phát triển các dự án điện gió ngoài khơi cũng là những điểm nhấn để du khách tham quan, du lịch, góp phần tăng cường bảo vệ an ninh chủ quyền trên biển của Tổ quốc.
Tuy nhiên, dù tiềm năng lớn, ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam vẫn gặp rất nhiều trở ngại trong việc triển khai thực tế. Sau hơn một năm kể từ khi Quy hoạch điện 8 được ban hành, vẫn chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào được chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư cụ thể.
Các doanh nghiệp lớn trong ngành điện gió ngoài khơi như Orsted (Đan Mạch) và Equinor (Na Uy) đã từng tham gia khảo sát và đề xuất đầu tư tại Việt Nam, nhưng đều rút lui do các chính sách về mua bán điện và lựa chọn nhà đầu tư chưa rõ ràng.
Điều này cho thấy, Việt Nam cần sớm hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư tiềm năng, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành năng lượng tái tạo.
Kiều Linh