Bình Dương đẩy nhanh tiến độ các công trình điện, bảo đảm cấp điện cho sản xuất công nghiệp Tỉnh Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều lãnh đạo sở ngành |
Tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh Bình Dương có 610 đơn vị ngừng hoạt động, giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn, nợ đọng bảo hiểm xã hội hơn 600 tỷ đồng.
Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương, tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội do ảnh hưởng của tình hình thế giới và lạm phát, nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, bị giảm đơn hàng phải thu hẹp quy mô, hoặc tạm thời ngừng hoạt động.
Trong đó, số doanh nghiệp dừng kinh doanh, dừng hoạt động hoặc chờ giải thể tăng và ở mức cao. Vì thế đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và quyền lợi, chế độ của người lao động.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương phối hợp cùng công an rà soát các doanh nghiệp có số lao động lớn và số tiền nợ bảo hiểm xã hội cao.
Bên cạnh đó, cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức chấp hành của chủ doanh nghiệp, định kỳ hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ phát hành thông báo đôn đốc nợ đối với các đơn vị chậm đóng; ngày 25 hàng tháng sẽ gửi mail đôn đốc nhắc đơn vị trích nộp phát sinh kịp thời trong tháng.
Đối với các đơn vị sử dụng nhiều lao động, có số thu lớn, cơ quan bảo hiểm xã hội có kế hoạch tăng cường quản lý, tập trung đôn đốc, làm việc nhắc nhở để thu hồi nợ cũ, chặn nợ mới đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu, giảm tỷ lệ nợ năm 2022 và 2023.
Đặc biệt, hàng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ gửi danh sách các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên cho các cơ quan, ban, ngành, đề nghị hỗ trợ phối hợp theo dõi đôn đốc đơn vị nợ bảo hiểm xã hội; khóa thẻ bảo hiểm y tế đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng.
Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất đối với đơn vị nợ bảo hiểm xã hội và xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị nợ đọng bảo hiểm xã hội.
Mặt khác, ngành bảo hiểm xã hội địa phương sẽ phối hợp cùng với cơ quan công an mời các đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội lên làm việc để phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đôn đốc nhắc nhở đơn vị chấp hành đúng pháp luật.
Tỉnh Bình Dương có gần 40 khu, cụm công nghiệp với các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư tạo môi trường thuận lợi cho người lao động tập trung về tỉnh học tập và làm việc. Vì vậy số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp rất lớn.
Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương cho hay, tình trạng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh chậm nộp, trốn tránh hoặc trì hoãn việc đóng bảo hiểm cho người lao động vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều doanh nghiệp nợ đọng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn quỹ bảo hiểm và quyền lợi của người lao động.
Trước tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội, mới đây Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 479/BHXH-TST yêu cầu các đơn vị trực thuộc; bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường triển khai các giải pháp, phấn đấu giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 xuống mức thấp nhất.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc bảo hiểm xã hội các tỉnh, các đơn vị trực thuộc có liên quan: Thực hiện nghiêm các quy định, quy trình quản lý thu của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Hằng tháng, thực hiện việc thông tin, thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội tới đơn vị sử dụng lao động, người lao động để đơn vị biết và đóng đầy đủ, kịp thời.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đồng thời đã có Công văn gửi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc đề xuất các phương án giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhằm giải quyết kịp thời quyền lợi cho người lao động, đồng thời đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương.
Bảo Thoa