Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho công nghiệp hỗ trợ

30/08/2023 - 20:16
(Bankviet.com) Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Phó Thủ tướng về dự thảo sửa đổi NĐ 111 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ với chính sách ưu đãi.
Tăng liên kết để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển Xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ có một vị trí xứng đáng trong nền kinh tế

Cụ thể, Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến với dự thảo sửa đổi nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất.

Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển gồm có ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo. Ảnh minh họa: L. Hoàng
Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ. (Ảnh minh họa)

Bộ Công Thương xác định các doanh nghiệp hưởng chính sách này không thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Với khoảng 5.000 doanh nghiệp hiện nay, doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển sẽ được hưởng các ưu đãi, gồm ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã cấp 206 giấy xác nhận ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Ngoài chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi Nghị định 111 đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Bao gồm chính sách xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, kết nối hỗ trợ doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ...

Đáng chú ý, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại với các khoản vay trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam của doanh nghiệp để thực hiện đầu tư dự án.

Ngân sách địa phương hỗ trợ lãi vay với các khoản vay trung và dài hạn để thực hiện đầu tư; gắn với đó các chính sách hỗ trợ môi trường, đất đai.

Theo dự thảo, mức cấp bù chênh lệch lãi suất là 3%/năm. Với chính sách này, mỗi dự án được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng một lần trong cùng một giai đoạn nếu dự án đó chưa được hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng khác từ ngân sách nhà nước.

Thời gian được nhà nước hỗ trợ tín dụng bằng thời hạn cho vay nhưng tối đa không quá 10 năm kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn. Chính sách này áp dụng với các khoản vay ký thỏa thuận vay vốn, giải ngân thực hiện đến hết năm 2030.

Theo dự thảo, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên phát triển gồm có ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.

Ngoài ra là các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao như các loại khuôn mẫu, chi tiết, cụm chi tiết cơ khí có tiêu chuẩn chất lượng cao dùng cho thiết bị điện tử, cơ điện tử, cơ vi điện tử, điện tử y tế, robot công nghiệp, các loại linh kiện điện tử, quang điện tử, vi mạch điện tử, cụm linh kiện, chi tiết nhựa chất lượng cao, các vật liệu tiên tiến thế hệ mới...

Thêm vào đó là danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển trong nước đã sản xuất được trước ngày 1/1/2015 trong các ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo.

Những thay đổi của chính sách này được nhiều địa phương, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Việt Anh

Theo: Báo Công Thương