Dự phòng rủi ro ‘đường đi’ cho hàng hóa xuất nhập khẩu Thương hiệu gạo Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thế giới? Xuất siêu tăng kỷ lục, đâu là lý do chính? |
Xuất khẩu khu vực trong nước tăng trưởng ấn tượng
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 13,3%), trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18% và cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD. “Với kết quả đạt được, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng nổi bật trong hai tháng đầu năm 2024”, Bộ Công Thương nhận định.
Xuất nhập khẩu ‘điểm sáng’ nổi bật 2 tháng đầu năm 2024 |
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 24,82 tỷ USD, giảm 28,1% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 72,8%.
“Với việc xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng ấn tượng, gấp hơn 2 lần so với mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (33,3% so với 14,7%) cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu”, Bộ Công Thương nhận định.
Trong 2 tháng đầu năm 2024 có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 0,57 tỷ USD, chiếm 0,95%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 50,59 tỷ USD, chiếm 85,26%; nhóm hàng nông sản, lâm sản thủy sản ước đạt 5,5 tỷ USD, chiếm 9,3%. Trong đó, xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng 38,8%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 18,3%).
Trong 2 tháng đầu năm 2024, hầu hết các mặt hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng; có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng ở mức hai con số, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 43,8%; sắt thép tăng 45,4%; giầy dép tăng 18,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9%; hàng dệt may tăng 15%...
Trong đó, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2024, ước đạt 9,58 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, ước đạt 9,54 tỷ USD, tăng tới 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong hai tháng đầu năm, xuất khẩu tới các thị trường lớn phục hồi tốt và đạt mức tăng cao. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản ước tăng 19,6%; EU ước tăng 14,2%, Trung Quốc ước tăng 7,7%...
“Như vậy, sự khởi đầu thuận lợi trong hai tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2024”, Bộ Công Thương đánh giá.
Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng 22,2%
Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương cho hay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 23,72 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng trước. Tuy nhiên, do sự phục hồi mạnh của sản xuất và xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nên nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng cao.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý là nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 94% và tăng 22,2%, trong đó nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm tới 47%; tăng gần 25% cho thấy dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu.
Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, ước đạt 15,56 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu chung của cả nước.
Tiếp đến là kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng cũng tăng tới 24,8%, đạt gần 7 tỷ USD; nhập khẩu vải tăng 15,4%, đạt 1,98 tỷ USD; sắt thép tăng 62,7%, đạt 1,95 tỷ USD; dầu thô tăng 27,5%; chất dẻo nguyên liệu tăng 13,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 17,7%; …
Trong 2 tháng đầu năm 2024 có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 71% tổng kim ngạch nhập khẩu (trong đó có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,3%).
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 2/2024 ước tính xuất siêu 1,1 tỷ USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD, cao hơn với mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD).
Trong đó, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 15,2 tỷ USD, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9%; xuất siêu sang Nhật Bản ước đạt 0,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,2 tỷ USD); nhập siêu từ Trung Quốc ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 98,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Hàn Quốc ước đạt 3,7 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ ASEAN ước đạt 1 tỷ USD, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương nhận định là do yếu tố của sự phục hồi của thị trường thế giới, dần chuyển sang trạng thái mới, thích ứng với những biến động lớn các năm 2022, 2023; Số lượng các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023.
Bên cạnh đó là những nỗ lực trong việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, đặc biệt là việc nâng cấp quan hệ với các đối tác thương mại lớn của nước ta như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước, được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, niềm tin của nhà đầu tư, nỗ lực của doanh nghiêp và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.
Mặc dù các kết quả 2 tháng đầu năm 2024 rất khả quan nhưng vẫn cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững; năm 2024 diễn ra nhiều cuộc bầu cử nên có thể dẫn đến nhiều thay đổi chính sách, đặc biệt các chính sách dân túy, mang tính bảo hộ, hạn chế thương mại, tại các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nga, Ấn Độ;…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp để phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời khai thác tối đa cơ hội thị trường, hài hòa lợi ích người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, ứng phó hiệu quả với những rào cản kỹ thuật, các vụ kiện Phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu; đẩy mạnh xuất khẩu qua các nền tảng số.
Nguyễn Hạnh