Không nên nới điều kiện cho vay để kích tín dụng Ngân hàng Nhà nước: Tài sản thế chấp không phải điều kiện bắt buộc khi vay vốn Thủ tướng Chính phủ: Chính sách phải hết sức linh hoạt |
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang lấy ý kiến nhân dân, các tổ chức có liên quan về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Theo cơ quan soạn thảo, ngày 18/01/2024, Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. Việc rà soát, nghiên cứu tiếp tục đề xuất hoàn thiện pháp luật về cho vay tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN cần được khẩn trương thực hiện để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc thực hiện các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, thời gian qua Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ đã có một số văn bản chỉ đạo về việc xem xét, sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN nhằm hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp với quy định của pháp luật.
Quan điểm xây dựng thông tư mới dựa trên việc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về phong tỏa số tiền cho vay đối với trường hợp cho vay để thanh toán tiền nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.
“Điều này nhằm đảm bảo cách hiểu thống nhất trong triển khai thực hiện, phù hợp quy định pháp luật, nhưng không làm thay đổi quan điểm quản lý chặt chẽ đối với nhu cầu vốn này; đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác phù hợp quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 và yêu cầu thực tiễn”, Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Ngân hàng Nhà nước bổ sung nguyên tắc, điều kiện cho vay của tổ chức tín dụng |
Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc, điều kiện cho vay, vay vốn
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 về nguyên tắc cho vay, vay vốn: Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường.
Khách hàng vay vốn tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích đã cam kết, hoàn trả nợ gốc và lãi tiền vay, phí đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận với tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 7 về điều kiện vay vốn. Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện:
Thứ nhất, khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.
Thứ ba, khách hàng có phương án sử dụng vốn khả thi. Quy định này không bắt buộc đối với khoản cho vay có mức giá trị nhỏ.
Liên quan đến quy định về khoản cho vay có mức giá trị nhỏ: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có điều khoản về sửa đổi, bổ sung quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay, đơn giản hóa thủ tục cho các khoản cấp tín dụng có mức giá trị nhỏ. Theo đó, tại dự thảo Thông tư, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để đồng bộ với các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024; trong đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất đối với khoản cho vay có mức giá trị nhỏ không vượt quá 100 triệu đồng, khách hàng không phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi, thông tin về người có liên quan; mà quy định tổ chức tín dụng có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng, đảm bảo khả năng thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận, việc sử dụng vốn vay đúng mục đích.
“Quy định này phù hợp với đặc thù các khoản cho vay nhỏ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với thủ tục đơn giản hơn, góp phần mở rộng hoạt động cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó hạn chế tín dụng đen”, Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 9. Hồ sơ đề nghị vay vốn. Theo đó, khi có nhu cầu vay vốn, khách hàng phải gửi cho tổ chức tín dụng: Một là, thông tin, tài liệu, dữ liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn theo quy định và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn.
Hai là, thông tin về người có liên quan theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp khoản cho vay có mức giá trị nhỏ.
Thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với khách hàng.
Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với khách hàng.
Thêm nữa, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1: Tuân thủ các quy định về những trường hợp không được cho vay, hạn chế cho vay và giới hạn cho vay tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng; sửa đổi, bổ sung khoản 5: Trường hợp cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, tổ chức tín dụng cho vay thỏa thuận với khách hàng để phong tỏa số tiền cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm.
Lê Na