Buôn lậu, gian lận thương mại với nhiều thủ đoạn tinh vi khó lường

28/12/2023 - 18:21
(Bankviet.com) Theo Tổng cục Hải quan, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường.
Chủ động kiểm soát, ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm Chỉ đạo "nóng" tăng cường kiểm soát, phòng chống buôn lậu, vận chuyển vàng trái phép qua biên giới Thanh Hóa: Xử lý 4.567 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Tổng cục Hải quan cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới trong năm 2023 diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi khó lường; tập trung vào việc: Không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng, vận chuyển trái phép hàng cấm, ma túy, động vật hoang dã, tiền tệ qua biên giới, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Công chức hải quan kiểm tra hàng hóa
Công chức Hải quan kiểm tra hàng hóa

Trước tình hình trên, với vai trò Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính ban hành: Các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại; kế hoạch kiểm soát hải quan trong toàn ngành năm 2023...

Về kết quả bắt giữ và xử lý vi phạm, trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 14.618 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 11.521,26 tỷ đồng, tăng 98,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2022 và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 474,3 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như: Cất giấu, ngụy trang ma tuý thành hàng hóa, hành lý thông thường, mang theo người... tập trung chủ yếu tại các các cửa khẩu biên giới giáp với Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Đặc biệt, tình hình tội phạm ma tuý có chiều hướng gia tăng tại tuyến hàng không, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước châu Âu, châu Mỹ...

Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản cảnh báo nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh phòng chống ma túy đạt kết quả.

Trong năm 2023, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 243 vụ/277 đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 112 vụ.

Tang vật thu được khoảng 2,8 tấn ma túy các loại gồm: 3,1kg thuốc phiện; 105,8kg cần sa; 106,1kg heroin; 330,9kg cocain; 1.537kg ketamin và 14.552 viên ketamin (dạng viên); 688kg ma tuý tổng hợp và 3.224 viên ma tuy tổng hợp (dạng viên); 10,1kg ma tuý khác; 1.155 viên ma tuý khác (dạng viên) và 96,36 gram cỏ mỹ và 300 túi nước vui.

Đối với mặt hàng động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES, ngành Hải quan đã phát hiện bắt giữ 18 vụ việc, tang vật bao gồm 8,3 tấn ngà voi, 37kg sừng tê giác, 51m3 gỗ, các sản phẩm như xương, thịt của động vật.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương