Các chủ nợ của Novaland thắp lại hi vọng

10/05/2025 - 00:48
(Bankviet.com) Gỗ An Cường đạt thỏa thuận xử lý nợ với Novareal (thành viên của Novaland), mở ra tín hiệu tích cực giúp các chủ nợ của Novaland kỳ vọng vào khả năng thu hồi nợ khó đòi.
Chuyển động

Các chủ nợ của Novaland thắp lại hi vọng

Thu Hà 09/05/2025 17:03

Gỗ An Cường đạt thỏa thuận xử lý nợ với Novareal (thành viên của Novaland), mở ra tín hiệu tích cực giúp các chủ nợ của Novaland kỳ vọng vào khả năng thu hồi nợ khó đòi.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 diễn ra ngày 8/5 vừa qua, lãnh đạo Công ty CP Gỗ An Cường (HOSE: ACG) đã có những chia sẻ thẳng thắn về tình hình khoản phải thu lớn từ Novareal – một thành viên trong hệ sinh thái của Novaland. Theo đó, chỉ mới tuần trước, lãnh đạo An Cường đã có buổi làm việc trực tiếp với ban điều hành cấp cao của Novaland và đạt được những thỏa thuận cụ thể về phương án xử lý nợ.

nvl.jpg
Những tín hiệu tích cực tại Gỗ An Cường thắp lại hi vọng cho nhiều doanh nghiệp

Thay vì thanh toán bằng tiền mặt, Novareal chấp nhận dùng 13 căn shophouse tại dự án NovaWorld Phan Thiết để chi trả phần lãi phát sinh, với tổng giá trị ước tính từ 150 đến 200 tỷ đồng. Phần nợ gốc còn lại sẽ được giãn tiến độ thanh toán và dự kiến được trả dần trong vòng 2-3 năm tới.

Ban lãnh đạo An Cường bày tỏ sự lạc quan về khả năng thu hồi đầy đủ khoản công nợ này. "Chúng tôi tin rằng có thể thu hồi phần lớn số tiền, có thể có chút tổn thất nhưng sẽ không mất trắng, trừ khi đối tác rơi vào tình trạng phá sản. Những năm qua đúng là không ít trăn trở, nhưng đến nay các khoản nợ xấu, nợ khó đòi cơ bản đã có hướng xử lý. Bản thân tôi đã trực tiếp gặp gỡ lãnh đạo các tập đoàn để tìm giải pháp, nên có thể nói tình hình đã dần ổn thỏa", đại diện Gỗ An Cường chia sẻ.

Không chỉ Gỗ An Cường, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang ghi nhận các khoản nợ xấu với các công ty thuộc hệ sinh thái Novaland. Trong đó, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC là ví dụ điển hình khi đang chịu ảnh hưởng lớn từ các khoản phải thu khó đòi liên quan đến hệ sinh thái Novaland. Tính đến cuối năm 2024, tổng giá trị nợ xấu mà SMC ghi nhận từ các công ty con của Novaland đã vượt mức 1.000 tỷ đồng.

Trong danh sách các công ty con của Novaland nợ SMC, nổi bật là: Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận (Nợ 440,7 tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng giá trị nợ xấu); Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley (Nợ 169,2 tỷ đồng); Công ty TNHH The Forest City: (Nợ 131,5 tỷ đồng); Công ty TNHH Thành phố AQUA (Nợ 113,6 tỷ đồng).

Ngoài ra, nhiều công ty khác trong hệ sinh thái Novaland cũng đang nợ SMC những khoản không nhỏ, như Địa ốc Ngân Hiệp (43 tỷ đồng), BĐS Tường Minh (41,4 tỷ đồng), Kinh doanh BĐS Thái Bình (40,6 tỷ đồng), Du lịch Bình An (36,1 tỷ đồng), BĐS Long Hưng Phát (29,5 tỷ đồng), Hoàn Vũ (25,7 tỷ đồng) và Phát triển Đất Việt (20,3 tỷ đồng).

Như vậy, các công ty con của Novaland đang nợ của Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Tất cả những khoản nợ này đều đã quá hạn thanh toán từ 1 đến dưới 3 năm, nằm trong nhóm nợ xấu được SMC trích lập dự phòng. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực tại Gỗ An Cường vừa chia sẻ, các doanh nghiệp như SMC hoàn toàn có thể hi vọng đến khả năng thu hồi khoản nợ khó đòi này.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán