Thời gian gần đây, xuất hiện của ứng dụng “3GANG – Túi tiền của bạn”, với mức tích lũy chỉ từ 30.000 đồng – 50.000 đồng nhưng có thể nhận được mức lãi suất lên tới 11%, rút trước hạn nhận lãi.
Ngoài lãi suất, theo giới thiệu của 3Gang: “Tài sản của bạn được quản lý và giám sát bởi các Định chế tài chính hàng đầu Việt Nam (Ngân hàng Quân đội, Bảo Việt, Amber Capital,..)”; “Mọi hoạt động kinh doanh đều được kiểm toán hàng năm bởi công ty kiểm toán hàng đầu Việt Nam AASC”…
Gói sản phẩm hấp dẫn
Theo giới thiệu của 3Gang, hiện công ty đang phát triển 4 gói sản phẩm bao gồm: Gói tích lũy, Gói đầu tư, Gói tiện ích, Gửi góp.
Đối với Gói tích lũy, người dùng có thể bắt đầu tích lũy từ 30.000 đồng với các kỳ hạn 1,2,3,4,5,6,12 tháng, lãi suất lần lượt: 8%, 9%, 9,5%, 9,9%, 10% và 11%/năm. Người dùng có thể nhận lãi vào cuối kỳ, hàng tháng hoặc nạp rút tiền linh hoạt.
Tương tự, Gói gửi góp của 3Gang được bắt đầu với số tiền tối thiểu 100.000 đồng cho lần đầu tiên và 30.000 đồng cho các lần tiếp theo. Lãi suất hấp dẫn từ 5-8,8% và tự động thay đổi theo lãi suất thị trường. Đặc biệt, gửi càng nhiều, càng sớm sẽ nhận lãi suất càng cao.
Đối với Gói đầu tư, theo giới thiệu “3Gang sẽ giúp bạn đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua việc liên kết cùng các công ty Quản lý Quỹ và công ty chứng khoán uy tín ngay cả khi chỉ có số vốn nhỏ”. Theo đó, người dùng có thể đầu tư chứng chỉ quỹ chỉ từ 50.000 đồng, mức lợi nhuận trung bình hàng năm là từ 5-7%/năm, linh hoạt rút tiền mọi lúc mọi nơi.
Cũng theo giới thiệu, đơn vị đồng hành cùng 3Gang tại Gói đầu tư là Công ty Quản lý quỹ Amber Capital được thành lập ngày 8/10/2008 theo Giấy phép thành lập số 39/GP-UBCK do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp.
3Gang là một trong những ứng dụng "hút" tiền lẻ hiện nay. |
“Với định hướng chiến lược đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành, có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển trên thị trường trong nước, Amber Capital mở ra nhiều cơ hội thuận lợi trong việc đầu tư tại thị trường Việt Nam cho các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước”, 3Gang giới thiệu.
Còn đối với Gói tiện ích, 3Gang cho biết, người dùng có thể dễ dàng mua bảo hiểm cho chính mình hoặc người thân và trải nghiệm nhiều tiện ích mua sắm khác trên 3Gang như thẻ điện thoại, thẻ game.
Gói bảo hiểm mà 3Gang giới thiệu là Bảo hiểm Bảo Việt An Gia do Công ty bảo hiểm Bảo Việt cung cấp, khách hàng tham gia sẽ được bảo vệ y tế một cách toàn diện và tận hưởng chất lượng dịch vụ y tế đẳng cấp nhất tại những bệnh viện hàng đầu Việt Nam. Quyền lợi bảo hiểm cơ bản lên đến 454 triệu đồng/người/năm nhưng số tiền phải chi ra tối thiểu chỉ gần 1,2 triệu đồng/năm.
Nhìn vào những gói sản phẩm của 3Gang có thể thấy, đây là một kênh đầu tư thích hợp với các cá nhân, muốn đầu tư nhưng không có nhiều vốn. Bởi hiện nay các kênh đầu tư truyền thống đều cần khá nhiều tiền mới có thể tham gia, cùng với đó là phải thực hiện nhiều quy trình đăng ký phức tạp, mất nhiều thời gian. Trong khi với lợi thế là một ứng dụng số, thao tác dễ dàng, người dùng ứng dụng 3Gang có thể nhanh chóng hoàn thiện gói đầu tư, tích lũy của mình chỉ trên chiếc điện thoại.
Nhưng rủi ro lớn
Thực tế cho thấy, những ứng dụng “hút” tiền lẻ như 3Gang không hề xa lạ đối với người Việt Nam. Trước đó, Tikop, Finhay, Passion Invest, Infina, Savenow, Buff, Fmarket…đều là những cái tên quen thuộc có cách thức hoạt động khá tương đồng với 3Gang. Các ứng dụng này đều chấp nhận số tiền gửi rất nhỏ, thậm chí từ 10.000 đồng lãi suất thì luôn cao hơn lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng.
Nhiều người sau khi thử đầu tư 10.000-50.000 đồng, thấy được trả lãi cao, liền tăng tiền gửi lên hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Không ít nhân viên văn phòng đang xem đây là cách tiết kiệm tiền linh hoạt.
Tuy nhiên, sau một thời gian tham gia, một số nhà đầu tư đã nhận ra được thực tế phũ phàng là số tiền gửi vào không hề tăng lên như cam kết của các ứng dụng mà giảm đi, thậm chí còn lỗ thêm. Ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư cho biết họ vẫn có lãi nhưng ở mức thấp không bằng gửi ngân hàng. Những nhà đầu tư này đều có một điểm chung là họ đều không biết tiền của mình được dùng vào việc gì, có được mang đi đầu tư hay không.
Theo quảng cáo, chỉ từ 30.000 đồng, người dùng của 3Gang đã có thể bắt đầu tích lũy và nhận lãi suất cao hơn ngân hàng. |
Theo TS.Võ Đình Trí – giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School, có không ít người đang nạp tiền vào các sản phẩm tích lũy của các ứng dụng do chúng tiện lợi, dễ sử dụng, lãi suất cam kết hấp dẫn và có thể bắt đầu bằng những khoản tiền rất nhỏ. Thế nhưng, hiện chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho các mô hình công nghệ tài chính (fintech) nên khó phân biệt được ứng dụng nào thực sự đàng hoàng, ứng dụng nào có ý đồ xấu.
Theo ông Trí, do hoạt động trong “vùng xám” nên các bên cung cấp dịch vụ không rõ trách nhiệm bắt buộc của mình hoặc cố tình lờ đi trách nhiệm. Họ không cảnh báo rủi ro, không minh bạch hóa điều khoản hợp đồng và điều kiện sử dụng dịch vụ, không thông tin cho người dùng biết ứng dụng của họ là nền tảng trung gian kết nối (như ứng dụng gọi xe) hay là nơi quản lý tài sản của khách. Do đó, nếu có tranh chấp hoặc muốn yêu cầu ứng dụng giải ngân, nhà đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Trước đó, hồi tháng 10/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã phát đi thông báo cảnh báo về các trang web, app giao dịch/: Passion Invest, Tikop, Infina, Finhay, Savenow, BUFF…thực hiện huy động vốn, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCKNN cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Do đó, nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Chủ đầu tư của 3Gang là ai?
Theo tìm hiểu Tạp chí Kinh tế Chứng khoán, 3Gang hiện nay đang được quản lý bởi Công ty CP Lendbiz Capital, địa chỉ: Căn TT5-1B-25, Khu đô thị mới Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai,Hà Nội. Đây là công ty thành viên của Công ty CP Lendbiz (doanh nghiệp hoạt động chủ yếu về việc hỗ trợ vốn cho các Doanh nghiệp & Hộ kinh doanh thông qua gọi vốn từ cộng đồng nhà đầu tư) được cấp giấy phép hoạt động từ ngày 16/6/2020. Công ty này trực tiếp sử dụng số tiền người dùng chuyển vào Lendbiz để đầu tư. Người đại diện trước pháp luật là ông Nguyễn Việt Hưng đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty. Ngoài ra, ban lãnh đạo của Lendbiz Capital còn có ông Trần Anh Vương - Thành viên HĐQT - Cố vấn Cao cấp và ông Nguyễn Hoàng Nam – Giám đốc chiến lược.
Trong bộ 3 ban lãnh đạo này, ông Trần Anh Vương là nhân vật khá nổi tiếng với cái tên Shark Vương khi xuất hiện trên chương trình Thương vụ bạc tỷ - Shark Tank Việt Nam mùa 1 với cương vị là một trong 4 nhà đầu tư, người mang bản quyền chương trình về Việt Nam.
Bên cạnh Shark Tank, ông Vương còn được biết đến là người đồng sáng lập Hệ sinh thái khởi nghiệp EMI, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư PVG, thành viên của Công ty CP Nhựa Đồng Nai (HoSE: NDP) và Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN).
Shark Vương là một trong những "cá mập" của Shark Tank Việt Nam |
Lendbiz Capital ra đời với nhiệm vụ là đơn vị trực tiếp sử dụng số tiền Nhà đầu tư chuyển vào Lendbiz để đầu tư. Ngoài ra, Lendbiz Capital còn là đơn vị bảo lãnh 100% rủi ro cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, đi ngược với những gói sản phẩm hấp dẫn, dàn lãnh đạo nổi tiếng, câu chuyện kinh doanh của Lendbiz Capital lại khá “èo uột”.
Cụ thể, năm 2020 (năm đầu tiên hoạt động), công ty ghi nhận ghi nhận 38 triệu đồng doanh thu, trong khi đó giá vốn bán hàng ở mức 215 triệu đồng, dẫn tới khoản lỗ gộp 177 triệu đồng. Mặc dù có thu về thêm 201 triệu đồng từ doanh thu tài chính nhưng sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức lỗ 109 triệu đồng.
Sang tới năm 2021, hoạt động kinh doanh của Lendbiz Capital còn “thê thảm” hơn khi tình trạng kinh doanh dưới giá vốn mang tới khoản lỗ gộp 605 triệu đồng, tăng 3,4 lần so với năm 2021. Tiếp tục “kịch bản” của năm 2020, khoản doanh thu tài chính cũng là điểm sáng với 4,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, “gánh nặng” chi phí tài chính lên tới 3,8 tỷ đồng khiến doanh nghiệp tiếp tục lỗ 500 triệu đồng.
Tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Lendbiz Capital đạt 68 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với năm 2020. Nợ phải trả ghi nhận 59 tỷ đồng, tăng 19 lần so với cùng kỳ, chiếm gần 87% tổng nguồn vốn. Ở chiều ngược lại, vốn chủ sở hữu giảm nhẹ về mức 9,3 tỷ đồng; tiền và tương đương tiền tăng từ mức 158 triệu cuối năm 2020 lên mức 1,4 tỷ cuối năm 2021.
Với tình hình kinh doanh như hiện tại, một câu hỏi được đặt ra là Lendbiz Capital dựa vào cơ sở nào để đưa ra mức lợi nhuận hấp dẫn như quảng cáo? Liệu sau một thời gian dài hoạt động, 3Gang có khiến các nhà đầu tư "tá hỏa" như những ứng dụng ra đời trước kể trên?
Tuệ Minh