Đồng Nai: Điều tra vụ 5 người trong một gia đình liên tiếp tử vong, nghi nhiễm độc xyanua Vụ đầu độc cả nhà bằng xyanua ở Đồng Nai: Nghi phạm nhận 800 triệu tiền bảo hiểm? |
Chất độc xyanua sử dụng để làm gì?
Chất độc xyanua có thể tồn tại ở thể khí không màu như hydro xyanua (HCN), xyanua clorua (CNCl) hoặc dạng tinh thể như kali xyanua (KCN), natri xyanua (NaCN).
Về mùi vị, xyanua được mô tả là có mùi giống như "hạnh nhân đắng" nhưng đôi khi không mùi, do đó khó phân biệt được xyanua với các hóa chất khác.
Chất độc xyanua có thể gây nguy hiểm đến tính mạng |
Giới chuyên gia khuyến cáo, trong hoặc ngay sau khi tiếp xúc với liều lượng nhỏ xyanua, các dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện như: Đau ngực, tức ngực; lú lẫn; chóng mặt; đau mắt; chảy nước mắt; khó thở; đau đầu; buồn nôn; nhịp tim nhanh hay chậm; thở nhanh hay chậm; bồn chồn; nôn mửa… Các triệu chứng ngộ độc xyanua có thể tiến triển rất nhanh khi tiếp xúc với một lượng lớn xyanua.
Tiếp xúc với một lượng lớn xyanua bằng bất kỳ con đường nào cũng có thể dẫn đến mất ý thức, co giật, hôn mê và tử vong. Những người sống sót sau khi tiếp xúc nhiều với xyanua dễ bị tổn thương tim, não và thần kinh.
Xyanua được đánh giá là một chất loại cực độc nhưng nó lại được sử dụng phổ biến trong trong các ngành công nghiệp như: Công nghiệp mạ vàng, bạc, đồng hoặc các kim loại khác; khai thác vàng-lấy vàng bằng phương pháp xyanua hóa; sản xuất các pigmen màu dùng cho ngành công nghiệp sơn, bột vẽ, dệt nhuộm cần các muối xyanua làm nguyên liệu; sản xuất thuốc trừ sâu…
Thậm chí, chất độc này còn được ứng dụng trong lĩnh vực y dược, axit xyanhydric được dùng ở dạng muối như Hg(CN)2 hay ở thể kết hợp như nước anh đào với tỷ lệ 1% HCN.
Những thực vật dễ gây ngộ độc xyanua
Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, các chất có chứa xyanua xuất hiện tự nhiên ở hơn 2.000 loài thực vật, trong đó có măng, sắn, táo, mơ, lê, mận, anh đào, đào… Ở những thực vật này này, xyanua liên kết với các phân tử đường dưới dạng glycoside cyanogen.
Măng tươi là một trong những thực phẩm dễ gây ngộ độc xyanua |
Bản thân các glycoside cyanogen tương đối không độc hại, tuy nhiên chúng được chuyển hóa thành hydro xyanua độc hại trong đường ruột. Trẻ nhỏ chỉ nhai một vài hạt của những loại cây nói trên có thể gây ngộ độc xyanua. Nếu nấu kỹ thực vật chứa xyanua trong nước sôi có thể làm giảm hiệu quả mức độ độc tính của chúng.
Trong số các loại thực vật dễ gây ngộ độc xyanua nhất có sắn và măng tươi. Đây lại là loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình.
Ngộ độc xyanua trong thực phẩm xảy ra khi người ăn sắn không được chế biến đúng cách. Nguyên nhân là trong sắn có chất nhóm xyanua. Khi hấp thụ vào cơ thể sinh ra acid xyanhidric (HCN) có độc tính cao gây ngộ độc. Chất độc có nhiều nhất ở vỏ sắn, hai đầu củ sắn, lõi sắn.
Không chỉ trong sắn mà trong củ măng tươi cũng chứa xyanua. Người bị ngộ độc do sử dụng măng tươi không qua quá trình ngâm luộc hoặc uống nước luộc măng. Do đó, để đảm bảo an toàn khi sử dụng các loại thực phẩm này, mọi người cần lưu ý cách loại bỏ độc tố khi chế biến thực phẩm.
Giới chuyên gia khuyến cáo, xyanua là một chất loại cực độc nhưng nó lại được sử dụng phổ biến trong sản xuất, vì vậy cần những quy chế chặt chẽ và có tính khả thi trong khâu nhập khẩu, lưu thông phân phối, bảo quản, sử dụng và kiểm soát ô nhiễm, xyanua có thể gây tác hại lớn cho môi trường và sức khoẻ con người.
Đối với những thực vật dễ gây ngộ độc xyanua như sắn, trước khi chế biến cần ngâm sắn trong nước một vài tiếng để loại bỏ bớt xyanua; gọt bỏ sạch vỏ bên ngoài, cắt bỏ phần đầu và đuôi của củ sắn. Khi luộc sắn cần cho ngập nước, mở vung để xyanua bay, khi ăn bỏ phần lõi. Với măng, cần phải thái ngâm trong nước, luộc lên đổ nước đi rồi mới chế biến. Với các loại măng khô cần phải ngâm bỏ nước và luộc kỹ rồi mới chế biến.