CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HoSE: SKG) công bố báo cáo tài chính Q1/2024 với kết quả kinh doanh kém khả quan so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 8.5% so với cùng kỳ, đạt 107,6 tỷ và lợi nhuận sau thuế giảm 39,4% tương ứng 20.2 tỷ.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu của quý 1 giảm chủ yếu do doanh thu từ các tuyến chiểm tỷ trọng cao như Rạch Giá - Phú Quốc và Hà Tiên - Phú Quốc giảm do áp lực cạnh tranh về giá. Ngược lại, phần các tuyến đường Rạch Giá - Lại Sơn, Sóc Trăng - Côn Đảo và Phan Thiết - Phú Quý tích cực hơn so với cùng kỳ.
CTCP Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HoSE: SKG) có kết quả kinh doanh kém khả quan trong quý 1/2024 |
Dựa vào kết quả kinh doanh của ba năm gần đây, có thể thấy rằng chu kỳ lợi nhuận của SKG chủ yếu tập trung vào 6 tháng đầu năm - mùa cao điểm của ngành du lịch. Hai quý cuối năm thường là giai đoạn thấp điểm trong hoạt động kinh doanh của công ty tàu cao tốc này, do bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa du lịch cũng như điều kiện thời tiết thường trở nên khắc nghiệt hơn.
Nhưng Q1/2024 lại đưa ra kết quả không quá tốt, một phần trong năm vừa qua, Phú Quốc đang dần mất đi sự hấp dẫn đối với du khách, từ các yếu tố như thời tiết đến việc tăng giá cả. Điều này đã dẫn đến một sự giảm sút đáng kể trong lượng khách du lịch, làm SKG tốn chi phí cho các chương trình khuyến mãi để kích cầu thị trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường vận chuyển hành khách tại Kiên Giang, Tập đoàn SKG (Superdong) đã chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu với việc thực hiện chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào đội tàu. Tính đến thời điểm hiện tại, Superdong sở hữu 16 tàu cao tốc và 2 phà phục vụ hành khách. Trong tháng 6 năm ngoái, công ty đã nâng cấp 4 tàu, tăng cường tốc độ và rút ngắn thời gian di chuyển để cải thiện dịch vụ để gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Về tài chính, SKG là một trong số những công ty niêm yết có cơ cấu tài chính lành mạnh nhất khi phần lớn dòng tiền của SKG đến từ phần vốn tự có, không vay nợ, điều này giúp cho SKG không bị áp lực bởi gánh nặng lãi suất. Tự chủ đội tàu, không thuê tàu bên ngoài điều đó giúp Superdong có được nền tảng tài chính vững chắc và ổn định. Tính đến Q1/2024, công ty không có nợ vay tài chính ngắn hạn lẫn dài hạn trong bản cân đối của mình. Tính riêng về lượng tiền và các khoản tương đương tiền trong quý, công ty đang nắm giữ hơn 205 tỷ cao gấp 7 lần tổng nợ phải trả.
Về tài chính, SKG là một trong số những công ty niêm yết có cơ cấu tài chính lành mạnh. Tính riêng về lượng tiền và các khoản tương đương tiền trong quý có hơn 205 tỷ, cao gấp 7 lần tổng nợ phải trả |
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 3 triệu lượt người, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước và bằng 98,5% so với cùng kỳ năm 2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Năm 2024, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế, cao hơn khá nhiều so với lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 (12,6 triệu lượt người). Với diễn biến tích cực và việc Phú Quốc được định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế, kỳ vọng Phú Quốc sẽ hồi phục mạnh lượng khách du lịch trong năm nay, đặc biệt là quý 2/2024, mùa cao điểm của du lịch Việt Nam.
Tuy vậy, yếu tố rủi ro đến từ giá dầu DO biến động mạnh do chiếm ~50% chi phí kinh doanh chính của SKG, mặc dù quý đầu 2024, công ty giảm được giá vốn do giá dầu bình quân giảm nhẹ. Nhưng với các biến động tiêu cực của tình hình địa chính trị, sẽ có khả năng giá dầu tăng trong các quý tới, điều này sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của SKG.
Phiên ngày 24/4, SKG đang được giao dịch với mức giá 14.100đ/CP, với P/B tương ứng ở mức giá này là 1.01x. Mức P/B hiện tại đang thấp hơn so với trung bình 5 năm của doanh nghiệp. Hiện tại với các kỳ vọng và tình hình tài chính tốt, nếu quý 2 diễn biến tích cực, P/B kỳ vọng có thể tăng lên mức P/B của quý 2 cùng kỳ là 1.5x tương ứng mức giá 20.450đ/CP (theo định giá và khuyến nghị của Công ty Cổ phần Chứng khoán SmartInvest - AAS).
NHẬT DUY