Nóng: Chuyển động mới tại dự án đường sắt cao tốc Bắc–Nam, viễn cảnh đoàn tàu "Make in Vietnam" gần ngay trước mắt
Khi cuộc đua trở thành nhà thầu chính tại dự án đường sắt cao tốc Bắc–Nam đang ngày càng nóng, một “mặt trận” khác cũng bắt đầu tăng nhiệt.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) – doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ lực trong mạng lưới hạ tầng đường sắt quốc gia đã chính thức đề xuất đầu tư tổ hợp công nghiệp đường sắt với tổng vốn hơn 17.500 tỷ đồng, nhằm từng bước làm chủ công nghệ và nội địa hóa các thiết bị vận hành, bảo trì, đặc biệt là tàu tốc độ cao.

Theo kế hoạch, tổ hợp sẽ được triển khai theo hai giai đoạn, bắt đầu từ năm 2029. Trong giai đoạn đầu, VNR đặt mục tiêu lắp ráp đầu máy, toa xe khách dưới 160km/h và toa tàu hàng tốc độ 120km/h. Đến giai đoạn 2 (sau năm 2035), doanh nghiệp đặt mục tiêu sản xuất được tới 80% các đoàn tàu EMU tốc độ cao và phụ tùng đi kèm. Đây được xem là bước đi chiến lược nhằm chuẩn bị năng lực kỹ thuật cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang bước vào giai đoạn thẩm định và khởi công giải phóng mặt bằng trong năm 2026.
Trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng, VNR nêu rõ định hướng sẽ nhận chuyển giao công nghệ và mua bản quyền thiết kế để sản xuất đầu máy, toa xe cho các tuyến đường sắt quốc gia và đô thị. Dự kiến đến năm 2035, tổ hợp này có thể làm chủ khâu lắp ráp đoàn tàu EMU với tỷ lệ nội địa hóa 20% và tiếp tục nâng lên 80% sau năm 2040. Doanh nghiệp kỳ vọng tổ hợp sẽ mang lại doanh thu khoảng 228.000 tỷ đồng trong vòng 20 năm, hoàn vốn sau 16 năm vận hành.
Nếu thành công, dự án sẽ giúp ngành đường sắt Việt Nam giảm mạnh phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, vốn là một trong những điểm nghẽn lớn của các dự án metro tại TP.HCM và Hà Nội thời gian qua. Ngoài ra, đây cũng là lời đáp trả rõ ràng từ khối doanh nghiệp nhà nước trước sự nổi lên của các doanh nghiệp tư nhân lớn như VinSpeed – đơn vị đề xuất làm chủ đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam theo mô hình vay vốn Nhà nước không lãi suất và tự huy động 20% vốn.
Không chỉ có VNR, nhiều doanh nghiệp nội địa cũng đang nhanh chóng chuẩn bị để không bị tụt lại trong chuỗi cung ứng. Các tập đoàn cơ khí lớn như THACO và Thành Công đã từng bước đặt nền móng cho việc tham gia vào lĩnh vực chế tạo đầu máy và toa xe. Trong khi đó, VEAM – một tên tuổi quen thuộc trong ngành cơ khí – cũng đã bày tỏ mong muốn cung cấp linh kiện, kết cấu thép và dịch vụ bảo dưỡng cho các tuyến đường sắt tốc độ cao trong tương lai.
Một động thái đáng chú ý khác là việc Tập đoàn Đèo Cả hợp tác cùng FECON (HoSE: FCN) thành lập liên minh nghiên cứu chuyên sâu về hạ tầng đường sắt, trong đó có lĩnh vực sản xuất toa xe, đầu máy và hệ thống tín hiệu – điện khí hóa. Theo giới quan sát, đây có thể là bước đi mang tính “mở đường” cho những hợp tác chiến lược sâu hơn trong lĩnh vực đường sắt – lĩnh vực mà Việt Nam dự kiến sẽ cần đầu tư hơn 275 tỷ USD đến năm 2050, bao gồm hàng loạt tuyến như Bắc – Nam, Lào Cai – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội, và các tuyến đô thị trọng điểm.
Hiện tại, VNR đang quản lý hệ thống đường sắt quốc gia với tổng chiều dài hơn 3.140km, đi qua 34 tỉnh, thành và đóng vai trò then chốt trong mạng lưới vận tải kết nối Bắc – Nam. Năm 2024, doanh thu hợp nhất của VNR đạt 9.783 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ khi doanh nghiệp công bố thông tin tài chính với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 132 tỷ đồng, tăng gần 73% so với năm 2023.
Trong bối cảnh Chính phủ đã ấn định mốc thời gian khởi công giải phóng mặt bằng cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam vào ngày 19/8/2025, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, những bước chuẩn bị về công nghệ, thiết bị và nhân lực của các doanh nghiệp trong nước đang mang ý nghĩa đặc biệt.
Thay vì chỉ tham gia với vai trò thầu phụ hoặc mua sắm từ nước ngoài, ngành công nghiệp đường sắt Việt Nam đang từng bước thể hiện khát vọng làma chủ chuỗi giá trị sản xuất.
Và nếu kế hoạch của VNR cũng như các tập đoàn nội địa được thực thi đúng lộ trình, không loại trừ khả năng trong vòng 10–15 năm tới, những đoàn tàu tốc độ cao “Make in Vietnam” sẽ chính thức lăn bánh trên trục xương sống Bắc – Nam, hiện thực hóa khát vọng nội địa hóa một ngành công nghiệp chiến lược.