Đầu tư chứng khoán nên là một chặng đường dài | |
Gượng dậy sau thua lỗ và bài học của tôi - một F0 | |
Hành trình nhân đôi tài khoản của tôi sau một năm đầu tư chứng khoán |
Cân bằng lợi ích là một thuật ngữ không quá xa lạ. Trong lý thuyết trò chơi, người tham gia có thể đạt được kết quả mong muốn bằng cách không đi lệch khỏi chiến lược ban đầu (Định lý cân bằng Nash).
Trong xét xử tư pháp, quyết định của thẩm phán nhiều lần phải xem xét đến việc cân bằng lợi ích của các đương sự.
Trong những mối quan hệ xã hội, cân bằng lợi ích là trạng thái cân bằng giữa các yếu tố đối đầu và hợp tác.
Còn trên thị trường chứng khoán (TTCK), làm sao để hài hoà được lợi ích giữa nhà đầu tư (NĐT), nhân viên môi giới chứng khoán (MGCK) và CTCK là một vấn đề được đặt ra trong bài viết này. Tôi không chắc những lập luận dưới đây sẽ giải quyết được bài toán trên nhưng hi vọng chúng có thể làm sáng tỏ một vài yếu tố liên quan và hữu ích với một số đối tượng nhất định.
Vấn đề cân bằng quyền lợi có thể được xem xét trong tương quan của 2 mối quan hệ: giữa nhân viên MGCK và CTCK và giữa NĐT với nhân viên MGCK. |
Để trở thành một nhân viên MGCK thực thụ, ngoài tấm bằng đại học thì một trong những điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật là nhân viên MGCK phải tham gia học và thi lấy chứng chỉ hành nghề MGCK. Thông thường, nhân viên MGCK phải trải qua ít nhất 5 lần thi (trong đó 4 lần thi chứng chỉ chuyên môn và 1 lần thi sát hạch) với nhiều buổi học. Đó là chưa kể phải tham gia học và thi các khoá huấn luyện nội bộ theo chương trình đào tạo của từng CTCK. Xét về yếu tố trình độ, điều này phần nào giúp loại bỏ những nhân viên không phù hợp, cũng như cải thiện năng lực tư vấn của người MGCK khi ra hành nghề.
Trong 3 năm vừa qua, quá trình tham gia học và thi của tôi khá suôn sẻ, phần nhiều vì tôi là người khá ham học. Tuy nhiên, lý thuyết giỏi chưa chắc thực hành sẽ giỏi, cũng như người học tốt chưa chắc làm sẽ tốt. Với sức ép từ thị trường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và gần đây là nhiều thông tin tiêu cực đến từ thị trường trái phiếu khiến TTCK rớt khá mạnh. Mặc dù đã xây dựng kế hoạch quản lý rủi ro từ trước nhưng tài khoản của tôi và nhiều khách hàng thân thiết vẫn rơi vào tình trạng thua lỗ nặng, con số tổn hại vào khoảng 50% trên tổng tài sản. Tình trạng giao dịch thưa thớt của các khách hàng trong thời gian dài tiếp theo dẫn đến doanh thu hoa hồng phí của tôi và nhiều anh/chị nhân viên MGCK sụt giảm đáng kể. Nguồn thu của CTCK bị ảnh hưởng nặng nề.
Lúc này, câu chuyện tôi nghe được nhiều nhất từ các anh/chị nhân viên MGCK xoay quanh đề tài "thiếu doanh số", đồng nghĩa với việc mức thu nhập hàng tháng sẽ bị teo lại. Theo quy định tại công ty tôi cũng như nhiều CTCK khác, một số nhân viên phải đối diện trực tiếp trước nguy cơ bị hạ bậc chức danh hoặc sa thải nếu không duy trì được doanh số tối thiểu trong các đợt đánh giá nhân viên định kỳ.
Bài toán doanh số của nhân viên MGCK sẽ tập trung vào giao dịch của khách hàng. Trong tình cảnh khó khăn khi nhân viên MGCK có khả năng bị mất việc làm, nhiều người sẽ vì lợi ích cá nhân, thực hiện những tư vấn không vì quyền lợi khách hàng, thông qua việc khuyến khích giao dịch chứng khoán “vô tội vạ”. Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp như vậy xảy ra và người chịu thiệt hại là NĐT, bao gồm cả những khách hàng nói trên và các NĐT khác đang giao dịch trên TTCK.
Ở đây, vấn đề cân bằng quyền lợi có thể được xem xét trong tương quan của 2 mối quan hệ. Một là, trong mối quan hệ giữa nhân viên MGCK và CTCK. Về bản chất, đây là mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động dựa trên giao kết hợp đồng lao động. Nếu không có những thoả thuận nào khác khi ký kết giữa hai bên thì xem như người lao động đồng ý với những nội quy, quy định kinh doanh hiện hành, trong đó, việc tuân thủ điều kiện duy trì doanh số kinh doanh tối thiểu là một trong những điều kiện phổ biến tại nhiều CTCK. Hai là, trong mối quan hệ giữa NĐT và nhân viên MGCK. Về bản chất, đây là mối quan hệ giữa khách hàng và CTCK dựa trên hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng uỷ thác đầu tư. Theo nội dung của hai loại hợp đồng này, rủi ro tổn thất đầu tư thường thuộc về NĐT khi thực hiện giao dịch chứng khoán bởi lẽ trách nhiệm của CTCK trong các tình huống thông thường gần như được miễn trừ.
Qua đó, cho thấy cần có những chính sách phù hợp nhằm cân bằng lợi ích các bên.
Thứ nhất, tập trung cân bằng quan hệ giữa nhân viên MGCK và CTCK thông qua việc xây dựng điều khoản bảo vệ nhân viên MGCK trước sức ép doanh số, hay những quy định về chạy đua thành tích tại các CTCK.
Thứ hai, thống nhất quyền và nghĩa vụ trong quan hệ của NĐT và CTCK theo hướng hoàn thiện mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng uỷ thác đầu tư, đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên khi tham gia giao kết.
Thứ ba, hoàn thiện khung giáo trình đào tạo người hành nghề MGCK, chú trọng nội dung giảng dạy về đạo đức nghề nghiệp.
Thứ tư, ngoài Quỹ hỗ trợ thanh toán (Điều 66 Luật Chứng khoán 2019), cơ quan có thẩm quyền cân nhắc việc thiết kế và xây dựng: Quỹ bảo vệ nhà đầu tư (Investor Protection Fund), Quỹ hỗ trợ CTCK, Quỹ điều tiết thị trường chứng khoán (cả trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền và chứng khoán phái sinh) dưới sự kiểm tra và giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Bộ Tài chính, hướng tới một TTCK phát triển bền vững.
Tôi nhớ lại những buổi học đầu tiên về đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề MGCK. Với tư cách của một nhân viên MGCK, tôi phải bảo vệ và đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, doanh thu của mình chỉ là thứ yếu. Bên cạnh đó, MGCK có trách nhiệm tuân thủ đúng quy định của pháp luật và điều lệ, nội quy của Công ty. Đơn cử như việc nhân viên MGCK chỉ được mở tài khoản tại CTCK nơi mình đang làm việc (điểm b, khoản 2 Điều 98 Luật Chứng khoán 2019). Việc đảm bảo quyền lợi cho những khách hàng là điều mà không chỉ tôi, các nhân viên MGCK tại công ty, mà tất cả những người hành nghề MGCK trên TTCK Việt Nam phải luôn đặt lên hàng đầu. Có như thế, TTCK Việt Nam mới hoạt động lành mạnh và củng cố niềm tin của NĐT với những thông tin tư vấn từ người môi giới.
Để là một NĐT tài ba, một nhân viên ưu tú của công ty và một người môi giới chân chính trên TTCK, có lẽ tôi cần phải nỗ lực học tập, trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm làm việc, cũng như không bao giờ ngừng nhắc nhở mình về đạo đức nghề nghiệp bởi lẽ câu chuyện cân bằng lợi ích sẽ vẫn tồn tại trên thị trường.
Bài dự thi Cuộc thi viết "Tôi là nhà đầu tư" năm 2022 do Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam tổ chức. Toàn bộ các bài viết được đăng tải trên fapage: Tôi là nhà đầu tư , mời độc giả like page và tương tác cùng các nhà đầu tư. Bạn đọc có thể gửi bài viết dự thi vào địa chỉ Email: [email protected];. Tác phẩm dự thi ghi rõ trên tiêu đề thư khi gửi email: Bài tham dự cuộc thi viết “TÔI LÀ NHÀ ĐẦU TƯ". |
Nguyễn Hoàng Nam (Quận Tân Phú, TP HCM)