Cuối tuần trước, dư luận dậy sóng trước tin đồn một nữ ca sĩ GenZ làm sugar baby cho một đại gia U60. Bên cạnh đó, bức ảnh Hiền Hồ thân mật bên một người đàn ông có ngoại hình tương đồng ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen cũng gây nhiều chú ý.
Trong những bức ảnh này, Hiền Hồ và ông Hồ Nhân rất thân mật, dắt tay nhau, thậm chí còn ôm nhau. Chính vì vậy, dư luận nghi ngờ hai người có quan hệ tình cảm với nhau.
Tối muộn ngày 20/3, trả lời Zing, ông Hồ Nhân, CEO Nanogen khẳng định 2 người chỉ là "anh em họ của nhau", "Anh em nương tựa nhau, giúp đỡ nhau thôi, có gì đâu".
Khi được hỏi nếu thông tin cáo buộc 2 người có quan hệ tình cảm là sai sự thật, ông và ca sĩ Hiền Hồ có đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hay không, ông Hồ Nhân nói: “Không đâu, tôi mệt lắm. Kệ họ muốn làm gì thì làm. Tụi tôi là anh em họ với nhau mà".
Hiền Hồ khoe tậu siêu xe 13 tỷ đồng.
Trong khi dư luận còn đang xôn xao bàn luận về mối quan hệ của hai người, “số phận” vắc xin Covid-19 được mong đợi nhất – Nano Covax lại được nhắc tới sau vài tháng “mất hút”. Được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng chưa thể ra mắt, bên cạnh vị Tổng giám đốc, Nanocovax được tin là có thể gây ảnh hưởng cho cổ đông Nanogen.
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Nanogen là đơn vị sớm nghiên cứu sản xuất vắc xin Covid-19. Nano Covax vì thế được đặt rất nhiều kỳ vọng và liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nanogen nhiều lần “giục” để Nanocovax được cấp phép lưu hành.
Tuy nhiên, hồi tháng 9/2021, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3 của vaccine Nanocovax và gửi Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét.
Đáng chú ý, về hiệu quả bảo vệ (kết quả quan trọng nhất về chất lượng), đến thời điểm đó, vẫn chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp hiệu lực bảo vệ của ứng viên vaccine Nanocovax dựa trên số trường hợp mắc Covid-19 trong nghiên cứu, cần tiếp tục thực hiện đánh giá về hiệu lực bảo vệ theo đề cương được phê duyệt.
Nanocovax vẫn chưa được cấp phép.
Tới cuộc họp diễn ra cuối tháng 12/2021, 15 thành viên của hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá nghiệm thu kết quả, có 11 phiếu chấp thuận kết quả này, 2 phiếu chấp thuận nhưng đề nghị bổ sung thêm dữ liệu, 2 phiếu trắng.
Nhóm nghiên cứu đã báo cáo hiệu lực bảo vệ của vắc xin và được hội đồng thông qua. Thế nhưng, cho tới nay, vắc xin Nanocovax vẫn chưa được cấp phép.
Mới đây, ngày 18/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về kết quả xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành vắc-xin Nanocovax.
Có thể thấy, đây là thời điểm rất quan trọng của Nanocovax nói riêng và Nanogen nói chung. Nhưng đúng lúc này, vấn đề dư luận quan tâm nhiều hơn lại là những tin đồn xoay quanh CEO Hồ Nhân và ca sĩ Hiền Hồ.
Trong vài năm gần đây, bất chấp vốn chủ sở hữu tăng mạnh nhưng hoạt động kinh doanh của Nanogen lại có xu hướng đi ngang.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2020, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 1.085 tỷ đồng, tăng 862 tỷ đồng, tương đương 387% so với năm 2016. Cũng trong giai đoạn 5 năm nay, doanh thu nhích từng bước, tăng 17 tỷ đồng, tương đương 9% lên 205 tỷ đồng.
Lợi nhuận là chỉ tiêu trải qua nhiều thăng trầm nhất tại Nanogen. Năm 2019, công ty ghi nhận khoản thua lỗ 26,6 tỷ đồng. Còn năm 2020, lợi nhuận chỉ đạt 1,1 tỷ đồng, giảm 17,3 tỷ đồng, tương đương 94% so với năm 2016.
Tại thời điểm cuối năm 2021, công ty lỗ luỹ kế 39,1 tỷ đồng.
Xem xét quá trình hoạt động của Nanogen, có thể thấy công ty này hoạt động chủ yếu dựa vào vốn tự có, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, 2020, thời điểm Covid-19 bắt đầu xuất hiện và Nanogen xác định nghiên cứu sản xuất Covid-19, nợ phải trả tại công ty có xu hướng tăng mạnh hơn các năm trước đó.
Tại thời điểm cuối năm 2020, Nanogen vẫn lỗ luỹ kế 39,1 tỷ đồng.
Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, nợ phải trả tại Nanogen lần lượt đạt 281 tỷ đồng, 299 tỷ đồng, 310 tỷ đồng, 267 tỷ đồng và 319 tỷ đồng.
Điều đó có nghĩa, năm 2020, nợ phải trả của công ty tăng 52 tỷ đồng. Trong khi, mức tăng trước đó lần lượt là -43 tỷ đồng, 11 tỷ đồng và 18 tỷ đồng.
Trong năm 2021, chỉ tiêu này có thể tăng cao hơn khi công ty ghi nhận con số kỷ lục về tài sản thế chấp.
Năm 2021, công ty thực hiện 2 hợp đồng vay vốn với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Nam Sài Gòn. Trong đó, danh sách tài sản đảm bảo lập kỷ lục về đầu máy móc, lên đến 35 thiết bị.
Hiện tại, Nanogen chưa tiến hành IPO và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nên giá trị đầu tư của cổ đông không định giá được. Tuy nhiên, do việc cấp phép vắc xin Nanocovax không diễn ra nhanh chóng như kỳ vọng nên hoạt động kinh doanh của công ty khó có thể không bị tác động.
Theo lần thay đổi diễn ra trong ngày 26/3/2021, Nanogen có số vốn điều lệ 806,25 tỷ đồng. Trong đó, vợ chồng ông Hồ Nhân nắm giữ 74,21%, KIS sở hữu 0,202%, số cổ phần còn lại thuộc về 8 nhà đầu tư ngoại.
Các nhà đầu tư ngoại là Stic Shariah Private Equity Fund III L.P (Đảo Cayman, 1,378%); Stic Private Equity Fund III L.P (Đảo Cayman, 7,713%), HB Growth Ladder M&A Venture Fund (1,364%); Company K Promising Service Fund (1,818%); Next Science Co.,Ltd. (10,455%); Kiwoom-Hisstory 2018-8 Bio Investment Fund (2,273%; Shin Jae Won (Indonesia, 0,227%) và Kim HeenYeon (Indonesia, 0,227%).
Hồng Nam/Kiến thức Đầu tư
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam