Năm 2023, kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất ổn do tình trạng suy thoái và lạm phát tăng cao lan rộng ở nhiều nước và khu vực; xu hướng thắt chặt tiền tệ thông qua lãi suất cao, các căng thẳng địa chính trị và dư địa tài khóa ngày càng thu hẹp… đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố bên ngoài và yếu tố nội tại nền kinh tế. Những tác động kép từ dịch bệnh Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến tăng trưởng và phục hồi kinh tế Việt Nam, tuy vậy, kinh tế trong nước được duy trì ổn định, Việt Nam được xếp vào nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới; nhiều cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Trong đó, chính sách tài chính đã thể hiện được vai trò tích cực trong ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
1. Bối cảnh kinh tế vĩ mô và những thách thức
Trong những tháng cuối năm 2023, kinh tế thế giới đã xuất hiện một số điểm sáng cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2023 có thể tích cực hơn ở một số nước, khu vực. Tuy vậy, đa số các đánh giá đều nhận định, kinh tế toàn cầu năm 2023 phải đối mặt với tình trạng sụt giảm do những khó khăn trong lĩnh vực sản xuất, thương mại và rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Một số nền kinh tế lớn như Trung Quốc, khu vực đồng Euro đang phải đối mặt với rủi ro tăng trưởng thấp hơn do những vấn đề trong nội tại nền kinh tế; căng thẳng chính trị, xung đột vũ trang giữa Nga- Ukraine, Israel- Hamas ở dải Gaza, cùng với đó là rủi ro nợ công tăng cao và dư địa tài khóa hỗ trợ nền kinh tế ngày càng thu hẹp đang khiến cho triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu càng trở nên khó khăn, thách thức hơn.
Chính sách tài khóa đã và đang hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế
Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên, nền kinh tế với độ mở lớn, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do các yếu tố bên ngoài gây ra, cùng với các thách thức nội tại như khó khăn trong lĩnh vực sản xuất, lạm phát chịu sức ép tăng do những rủi ro khó lường trong biến động giá dầu và lộ trình điều chỉnh giá hàng hóa thuộc quản lí nhà nước, điều chỉnh lương; tăng trưởng xuất, nhập khẩu đang phải chịu tác động kép của việc gia tăng áp dụng bảo hộ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa và xu hướng chuyển dịch tiêu dùng hàng hóa trong nước của các nước trên thế giới; khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục gặp khó khăn, quy mô doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục thu hẹp... đã tạo áp lực cho đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
2. Chính sách tài khóa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế
Năm 2023, bên cạnh những điều kiện thuận lợi kế thừa từ thành tựu trong phục hồi kinh tế của năm 2022, kinh tế Việt Nam chịu nhiều rủi ro, thách thức từ những biến động khó lường của tình hình thế giới; để kịp thời, chủ động trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, ngày 12/01/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 33/QĐ-BTC về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước (NSNN), cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 của Bộ Tài chính. Theo đó, các nhóm chính sách trọng tâm đã được ban hành, triển khai trong năm 2023 gồm: (i) Các giải pháp hỗ trợ thuế, phí nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Trong đó, đã giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội và Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15; gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ gia hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kì tính thuế các tháng 6, 7, 8, 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 của Chính phủ gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023 theo Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 03/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023; giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 của Chính phủ quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; ban hành Thông tư số 44/2023/TT-BTC ngày 29/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, theo đó giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí; giảm 10% đến 50% phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Ngày 29/11/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 110/2023/QH15 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; trong đó, đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong thời gian từ ngày 01/01/2024 đến hết 30/6/2024 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%.
(ii) Nhóm giải pháp đối với giá xăng dầu nhằm kiểm soát lạm phát: Tiếp tục kế thừa các Nghị quyết đã ban hành trong năm 2021 - 2022; trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Việc kịp thời, chủ động ban hành các giải pháp về giảm thuế đã góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá xăng, dầu trong nước, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, chi phí tiêu dùng cho nền kinh tế.
Ngày 18/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, thực hiện từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Theo đó, giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn so với mức trần trong Biểu khung thuế; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa so với mức trần trong Biểu khung thuế; riêng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng mức sàn trong Biểu khung thuế nhằm góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân, chi phí sản xuất, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
(iii) Nhóm giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn NSNN và quản lý chi NSNN chặt chẽ: Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, 03 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã chủ động công tác tham mưu, điều hành theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các đơn vị chức năng kịp thời tổng hợp, báo cáo các khó khăn, vướng mắc phát sinh; kịp thời xử lí kiến nghị của các bộ, cơ quan trung ương về công tác triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Thực hiện kiểm tra việc phân bổ vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách theo quy định (bao gồm vốn giao đầu năm, vốn kéo dài) của các bộ, ngành, đồng thời, thực hiện việc phê duyệt dự toán trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lí ngân sách và kho bạc) để Kho bạc Nhà nước có đủ cơ sở kiểm soát chi vốn đầu tư nguồn NSNN cho các dự án.
Bên cạnh đó, công tác quản lí chi NSNN cũng được chủ động triển khai chặt chẽ, hiệu quả. Trong năm 2022 - 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 về việc ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - NSNN. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, trong đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực quản lí, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của NSNN. Ngay từ đầu năm, dự toán chi NSNN đã được xây dựng chi tiết theo từng lĩnh vực chi, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội; đồng thời, đảm bảo triệt để tiết kiệm 10% các khoản chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, tăng chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cấp bách khác.
3. Kết quả thực hiện chính sách tài khóa góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô
Về kinh tế: Nhìn chung, kinh tế vĩ mô trong năm 2023 cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong tầm mục tiêu, tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng kinh tế năm 2023 của nước ta duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%; quý II tăng 4,25%; quý III tăng 5,47%; quý IV tăng 6,72%). Tính chung cả năm 2023, GDP tăng 5,05% so với năm 2022, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra nhưng vẫn thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khu vực và trên thế giới; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25% so với cùng kì, thấp hơn mục tiêu 4,5% của cả năm 2023; xuất, nhập khẩu tăng dần qua các tháng, cả năm 2023 xuất siêu 28 tỉ USD; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tích cực qua từng quý (quý I tăng 3,6%; quý II tăng 5,6%; quý III tăng 7,5%), tính chung cả năm 2023 tăng khoảng 6,2% so với cùng kì năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt khoảng 23,18 tỉ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, là mức thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.
Hình 1. Thu - chi NSNN giai đoạn 2013 - 2023 (*)
Nguồn: Bộ Tài chính
(*) Số liệu thu, chi NSNN giai đoạn 2011 - 2016 được chuyển đổi theo Luật NSNN năm 2015, theo đó thu NSNN bao gồm thu từ hoạt động xổ số kiến thiết; chi NSNN bao gồm chi đầu tư từ nguồn xổ số kiến thiết và trái phiếu Chính phủ, không bao gồm chi trả nợ gốc, chi đầu tư phát triển không bao gồm chi dự trữ quốc gia.
Về thu NSNN: Lũy kế tổng thu NSNN năm 2023 ước đạt 1.717,8 nghìn tỉ đồng, bằng 106% dự toán năm và giảm 5,4% so với năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.439 nghìn tỉ đồng, bằng 107,9% dự toán năm, thu từ dầu thô ước đạt 62,8 nghìn tỉ đồng, bằng 149,5% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 213 nghìn tỉ đồng, bằng 89,1% dự toán. Cơ quan Thuế và Hải quan đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và thu nộp NSNN khoảng 15 nghìn tỉ đồng.
Về chi NSNN: Lũy kế chi NSNN năm 2023 ước đạt 1.731,9 nghìn tỉ đồng, bằng 83,4% dự toán năm và tăng 10,9% so với năm trước. Trong đó, chi thường xuyên ước đạt 1.058,6 nghìn tỉ đồng, bằng 90,3% dự toán; chi đầu tư phát triển ước đạt 579,8 nghìn tỉ đồng, bằng 79,8% dự toán; chi trả nợ lãi ước khoảng 90,1 nghìn tỉ đồng, bằng 87,6%. Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lí nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN, trong đó, đã thực hiện tăng lương tối thiểu (từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng) cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ ngày 01/7/2023.
Về thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế: Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước thực hiện trong năm 2023 khoảng 193,4 nghìn tỉ đồng. Trong đó: (1) Miễn, giảm khoảng 78,4 nghìn tỉ đồng, bao gồm: Giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 khoảng 3 nghìn tỉ đồng, theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 khoảng 21,5 nghìn tỉ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 khoảng 6,2 nghìn tỉ đồng, theo Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 khoảng 35 nghìn tỉ đồng; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg, Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ khoảng 7 nghìn tỉ đồng; giảm lệ phí trước bạ theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 của Chính phủ khoảng 5 nghìn tỉ đồng; (2) Gia hạn khoảng 115 nghìn tỉ đồng, bao gồm: Gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 khoảng 107 nghìn tỉ đồng; gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 khoảng 8,1 nghìn tỉ đồng.
Bội chi NSNN và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 và Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội. Theo đó, bội chi NSNN năm 2023 ước khoảng 3,7 - 3,8% GDP; nợ công khoảng 37% GDP; nợ Chính phủ khoảng 34% GDP; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 34% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 17,5% tổng thu NSNN. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, trong đó Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định” (Việt Nam là một trong hai quốc gia trong 62 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nâng hạng).
Về giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn NSNN: Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/12/2023 là 579.848,8 tỉ đồng, đạt 73,5% kế hoạch (đạt 81,87% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kì năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch và đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 72.686 tỉ đồng (đạt 56,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
4. Khuyến nghị chính sách tài khóa giúp ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024
Thời gian qua, kinh tế toàn cầu đang phải chịu tác động mạnh bởi nhiều yếu tố, nhu cầu yếu đi ở hầu hết các nước và khu vực đã ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu, điển hình là Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Trong đó, EU đang đối mặt với các khó khăn, thách thức bởi các căng thẳng địa chính trị, tái cơ cấu ở các nước thành viên, nợ công và huy động nguồn lực tài chính thực hiện chuyển đổi xanh, thực hiện các mục tiêu về biến đổi khí hậu đến năm 2050. Đối với Trung Quốc, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính sách tài khóa, Trung Quốc đã không phải chịu những tác động tiêu cực nặng nề do dịch Covid-19 gây ra; tuy nhiên, việc mở cửa chậm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và các vấn đề của thị trường bất động sản, nợ của chính quyền địa phương đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Trong ngắn hạn, những vấn đề về chính sách tiền tệ thắt chặt; lạm phát vẫn ở mức cao, rủi ro trong giá lương thực, năng lượng; nguy cơ dễ bị tổn thương của thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế toàn cầu và gây ảnh hưởng lớn tới các động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Ở trong nước, bên cạnh các thuận lợi được kế thừa từ các năm trước, nền kinh tế đang phải chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng. Nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)… đã dự báo, năm 2024, tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức khoảng 5,5 - 6,5%, lạm phát có thể tăng lên 4,71%. Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước từ 6,0 - 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4,0 - 4,5%, qua đó cho thấy thách thức không nhỏ trong thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Để đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, chính sách tài khóa cần ưu tiên chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Trong đó, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ động phối hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm đảm bảo thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu và hoàn thiện hệ thống chính sách thuế theo hướng phù hợp với thực tiễn, các sáng kiến về thuế quốc tế và thông lệ quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả Chiến lược Tài chính đến năm 2030 nhằm tạo nền tảng, nguồn lực cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030.
Hai là, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, thận trọng; mở rộng hơp lí, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo huy động đủ vốn đáp ứng nhu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, đảm bảo cân đối NSNN. Các giải pháp về tài khóa, trong đó có chính sách thuế, cần hướng đến việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng nhằm thu hút đầu tư và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong năm 2024, cần nhanh chóng tổ chức triển khai hiệu quả, kịp thời các giải pháp chính sách miễn, giảm một số khoản thuế sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua. Chủ động tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách thuế, phí, lệ phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã được ban hành trong thời gian qua để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp trong trường hợp tình hình kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục biến động bất lợi trong thời gian tới.
Ba là, chú trọng thúc đẩy và phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Trong đó, các động lực tăng trưởng truyền thống bao gồm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, thúc đẩy và phát huy hiệu quả tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế. Các động lực tăng trưởng mới bao gồm phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), đẩy mạnh đầu tư cơ sơ hạ tầng, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh gắn với chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bốn là, thúc đẩy đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Theo đó, cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Triển khai quyết liệt các chương trình đầu tư quy mô lớn, nhất là hạ tầng chiến lược, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông liên vùng, năng lượng xanh, hạ tầng xanh, hạ tầng số quốc gia,… để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế. Trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu sẽ được triển khai áp dụng từ năm 2024, Việt Nam cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các vấn đề về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, dự báo tình hình kinh tế, tài chính... các rủi ro, bất ổn có khả năng tác động, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, theo dõi sát các diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường, chủ động và linh hoạt các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường phù hợp, triển khai các biện pháp phát triển thị trường trong nước. Chủ động xây dựng các kịch bản dự báo, xác định đối tượng thụ hưởng, bám sát thực tế để lường trước các khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách tài chính để kịp thời đề xuất phương án điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế nhằm phát huy tối đa hiệu quả của chính sách.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 247/BC-BTC ngày 29/12/2023 của Bộ Tài chính về tình hình thực hiện NSNN tháng 12 và 12 tháng năm 2023.
2. Báo cáo Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 05/01/2024.
3. IMF (2023), World Economic Outlook: Navigating Global Divergences, 10/2023.
4. Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2023 - 2024.
5. OECD (2023), OECD Economic Outlook, Interim Report: Confronting Inflation and Low Growth, 9/2023.
6. Tổng cục Thống kê (2023), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2023.
Vũ Thị Huyền Trang
Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính