Chiều 9/4, tại Điếu Ngư Đài, Thủ đô Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam - Trung Quốc với sự tham dự của đông đảo đại biểu nhân sĩ trí thức, các cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, các học giả, nhà nghiên cứu về Việt Nam, đại biểu các doanh nghiệp, thanh thiếu niên...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự chương trình Gặp gỡ hữu nghị Nhân dân Việt Nam - Trung Quốc (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Đây là lần thứ hai, chương trình ý nghĩa này được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Hội hữu nghị đối ngoại Nhân dân Trung Quốc tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau Chương trình Gặp gỡ nhân sỹ hữu nghị và thế hệ trẻ Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Việt Nam tháng 12/2023.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, sớm sớm chung nghe tiếng gà gáy cùng, Nhân dân hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời.
Từ đầu thập niên của thế kỷ XX, các nhà cách mạng tiền bối của Việt Nam và Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã kề vai sát cánh, đoàn kết giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau, cùng nhau kết nên mối quan hệ thắm thiết "vừa là đồng chí, vừa là anh em", ngày nay trở thành tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước, cần không ngừng gìn giữ, bồi đắp, trao truyền cho các thế hệ mai sau.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam luôn ghi nhớ tình đoàn kết gắn bó, sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Trung Quốc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng trước sự phát triển rất tốt đẹp của quan hệ Việt - Trung những năm gần đây, với việc hai nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại, đặc biệt là các chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc năm 2022 và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam năm 2023, qua đó đã xác lập định vị mới, nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược với nội hàm "6 hơn".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại chương trình (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của nhân dân mỗi nước, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong thực tiễn hoạt động, Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc luôn nỗ lực nắm bắt, phản ánh tâm tư, tình cảm của nhân dân, tăng cường định hướng, xây dựng đồng thuận xã hội, tạo dựng và củng cố nền tảng dân ý vững chắc cho quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt - Trung.
Chuyến thăm Trung Quốc lần này và việc ký mới Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc nhằm mục đích duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, góp phần thiết thực làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đem lại những lợi ích thiết thực cho Nhân dân hai nước.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Quốc hội Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các tổ chức Nhân dân Việt Nam sẽ cùng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc, Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, Hội hữu nghị đối ngoại Nhân dân Trung Quốc và các tổ chức Nhân dân Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các đoàn thể nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tổ chức tốt các hoạt động giao lưu truyền thống như Diễn đàn Nhân dân, Liên hoan hữu nghị Nhân dân biên giới, Liên hoan thanh niên, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt - Trung.
Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền tích cực về quan hệ hữu nghị Việt - Trung cũng như thành quả đổi mới, cải cách mở cửa của mỗi nước, củng cố nền tảng dân ý vững chắc hơn, định hướng xây dựng đồng thuận trong nhân dân về phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Quỳnh Nga