HOSE – 25 năm một hành trình: Những trụ đỡ âm thầm đồng hành kiến tạo thị trường
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, HOSE có được nền tảng vững chắc nhờ lực lượng công ty chứng khoán – những trụ đỡ âm thầm nhưng bền bỉ.
Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Thăng Long – Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) để cùng nhìn lại vai trò thiết yếu của công ty chứng khoán (CTCK) từ bên trong thị trường, nhân dịp tròn 25 năm HOSE ‘chào đời’.
Một hệ sinh thái trung gian trưởng thành vượt bậc
Trải qua 25 năm, TTCK Việt Nam có những bước phát triển đột phá, trong đó các công ty chứng khoán là một thành phần không thể thiếu. Ông nhìn nhận vai trò của lực lượng này ra sao?
Khi HOSE ra đời năm 2000, thị trường chỉ có 6 công ty chứng khoán, chủ yếu làm nhiệm vụ môi giới đơn thuần. Đến nay, có tới 78 CTCK thành viên đang hoạt động, với 10 công ty lớn nhất nắm giữ gần 70% thị phần môi giới, điều đó cho thấy một hệ sinh thái đã thực sự trưởng thành.

CTCK chính là cầu nối tài chính giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chúng tôi giúp các doanh nghiệp huy động vốn cho các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, đồng thời cung cấp giải pháp đầu tư và dịch vụ tài chính cho nhà đầu tư. Tại BSC, chúng tôi đã đồng hành cùng nhiều tên tuổi lớn như VNM, FPT, Vietnam Airlines, ACV, BSR… trong các thương vụ cổ phần hóa, IPO, phát hành trái phiếu.
Từ góc độ vĩ mô, các CTCK chính là hạ tầng trung gian đảm bảo thị trường vận hành hiệu quả. Không có kênh trung gian hiệu quả, dòng vốn sẽ khó chảy đúng nơi, đúng lúc, đúng mục tiêu.
Cùng với sự trưởng thành của thị trường, vai trò của công ty chứng khoán dường như cũng đã được mở rộng hơn nhiều so với trước đây?
Chính xác! Nếu trước đây CTCK chủ yếu đóng vai trò môi giới, thì hiện nay chúng tôi đảm nhận thêm nhiều chức năng quan trọng khác, đặc biệt là trong phát triển dịch vụ tài chính, tư vấn đầu tư và cảnh báo rủi ro.
Về dịch vụ tài chính, cho vay ký quỹ (margin) đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược tăng trưởng của các CTCK. Tính đến cuối quý I/2025, tổng dư nợ margin toàn hệ thống đạt mức kỷ lục 282.000 tỷ đồng – minh chứng cho vai trò kích hoạt thanh khoản của chúng tôi.
Số liệu đáng chú ý:
- 78 công ty chứng khoán đang hoạt động trên thị trường.
- Top 10 công ty lớn nhất chiếm gần 70% thị phần môi giới.
- Dư nợ margin tính đến Q1/2025 đạt 282.000 tỷ đồng.
- Một số thương vụ lớn do BSC tư vấn: VNM, FPT, Vietnam Airlines, ACV, BSR…
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, phân tích và tư vấn đầu tư được các CTCK đầu tư rất bài bản. Tại BSC, chúng tôi cung cấp hàng trăm báo cáo phân tích mỗi năm, giúp nhà đầu tư có thông tin rõ ràng, minh bạch và kịp thời để ra quyết định. Ngoài ra, các CTCK còn tổ chức hội thảo, đào tạo, chia sẻ kiến thức cho nhà đầu tư – đây là cách chúng tôi góp phần nâng cao trình độ tài chính cho cộng đồng.
Nói cách khác, CTCK không chỉ “chạy theo” thị trường mà đã bắt đầu “dẫn dắt” thị trường – thông qua việc kiến tạo sản phẩm, phổ cập kiến thức, và đảm bảo dòng tiền được vận hành một cách hiệu quả, lành mạnh.
Đồng hành cùng HOSE trên chặng đường nâng chuẩn thị trường
Ở góc độ là đối tác thường xuyên của HOSE, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Sở trong từng chặng phát triển và mối liên kết với hệ thống công ty chứng khoán?
HOSE giữ vai trò hạt nhân trong hệ thống thị trường vốn. Ở giai đoạn đầu (2000–2006), Sở tập trung đặt nền móng về pháp lý, kỹ thuật và tổ chức thị trường. Từ năm 2007–2012, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, HOSE thể hiện rõ vai trò điều tiết, hỗ trợ thị trường vượt qua giai đoạn biến động.
.jpg)
Từ 2013 đến nay, HOSE không chỉ hoàn thiện về quy mô mà còn vươn mình theo hướng chuẩn hóa. Những cải cách gần đây như bộ chỉ số VN30, chứng quyền, ETF, và đặc biệt là triển khai hệ thống KRX, đã mở ra không gian tăng trưởng mới cho thị trường. Trong toàn bộ tiến trình này, CTCK là lực lượng phối hợp chặt chẽ nhất – chúng tôi không chỉ thực thi chính sách mà còn tham gia góp ý, đề xuất giải pháp để thị trường vận hành mượt mà, an toàn và minh bạch hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng để TTCK Việt Nam bứt phá, cần một hệ thống trung gian đủ mạnh. Theo ông, các CTCK cần làm gì để thích ứng và dẫn dắt trong giai đoạn sắp tới?
Để đáp ứng kỳ vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, chúng ta phải giải quyết nhiều điều kiện then chốt, gồm cải thiện hạ tầng công nghệ, nâng chuẩn quản trị, tăng cường minh bạch và gỡ bỏ rào cản sở hữu nước ngoài. Trong cả bốn yếu tố này, công ty chứng khoán đóng vai trò quyết định.
Thứ nhất, CTCK cần đầu tư mạnh vào nền tảng công nghệ – từ hệ thống giao dịch đến phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tư vấn, và khả năng tích hợp đa nền tảng.
Thứ hai, nâng cao năng lực phân tích và quản trị rủi ro. Chúng tôi không chỉ là “bên bán sản phẩm” mà là người đồng hành cùng nhà đầu tư trong toàn bộ vòng đời đầu tư – từ lựa chọn tài sản đến thoái vốn an toàn.
Thứ ba, góp phần chuẩn hóa thị trường. CTCK là những đơn vị đầu tiên phát hiện các hành vi bất thường, đồng thời là cầu nối phản ánh kỳ vọng của thị trường về những cải cách lớn.

Nếu không có lực lượng trung gian đủ mạnh và chuyên nghiệp, thì việc nâng hạng thị trường sẽ chỉ dừng lại ở những tiêu chí kỹ thuật, chứ chưa chạm đến bản chất sâu xa là niềm tin của dòng vốn dài hạn.
Một nhận định ngắn gọn, nếu ông phải mô tả vai trò hiện tại của các công ty chứng khoán trong hệ sinh thái thị trường chứng khoán Việt Nam?
Nếu thị trường chứng khoán là một dòng chảy tài chính, thì các công ty chứng khoán chính là những con đập điều tiết, những kênh dẫn linh hoạt và những nhà máy chuyển hóa dòng chảy ấy thành năng lượng phát triển cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trân trọng cám ơn ông!