VCSC dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 3.246 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,4% và giảm 5,6% so với thực hiện năm ngoái. |
Nhìn lại năm 2022, VCSC ghi nhận doanh thu hoạt động đạt hơn 3.150 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 870 tỷ đồng, giảm đến 42%, hoàn thành vẻn vẹn 56% kế hoạch cả năm.
Với kết quả đạt được, VCSC dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch phân phối lợi nhuận, trong đó chia cổ tức năm 2022 tổng tỷ lệ 12%, tương ứng cổ đông được nhận 1.200 đồng cho mỗi cổ phiếu. Trước đó, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền với tỷ lệ 7%.
Trong năm 2022, ngoài việc tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền, VCSC còn phát hành thêm hơn 100 triệu cổ phiếu để trả cổ tức bằng cổ phiếu (tỷ lệ 30%) qua đó nâng vốn điều lệ lên hơn 4.350 tỷ đồng.
Năm 2023, VCSC dự kiến phát hành 2 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cổ phiếu, chỉ xấp xỉ một nửa thị giá hiện tại. Cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ khi phát hành. Số tiền huy động được từ đợt phát hành ESOP sẽ dùng để bổ sung vốn lưu động của công ty và giảm nợ vay.
Một nội dung quan trọng khác, dự kiến tại cuộc họp thường niên tới, VCSC sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 3.246 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 12,4% và giảm 5,6% so với thực hiện năm ngoái.
VCSC cho biết kế hoạch được xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.100 điểm vào cuối năm 2023. Ban lãnh đạo nhận định, hoạt động môi giới chứng khoán 2023 vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh gay gắt của nhiều công ty chứng khoán với chiến lược cho vay ký quỹ cao, áp dựng chính sách miễn/giảm phí giao dịch cùng với việc đầu tư rất nhiều cho đội ngũ môi giới, trả hoa hồng cao để đội ngũ này chào mới và nhà đầu tư có thâm niên đang giao dịch tại những công ty khác qua nhiều kênh.
Vì vậy, VCSC đặt mục tiêu tiếp tục tập trung phát triển lĩnh vực môi giới bán lẻ cho các nhà đầu tư cá nhân nhằm thu hút các nhà đầu tư "F0".
Đáng chú ý, doanh nghiệp đang tính đến phương án đổi tên, tránh làm pha loãng sức mạnh thương hiệu. Đồng thời, tên gọi Chứng khoán Bản Việt có thể làm khách hàng nhầm lẫn với một số tổ chức trong nước khác có tên tương tự.
Từ đó, tên mới của VCSC được đề xuất là Chứng khoán Vietcap, tên viết tắt cũng sẽ là Vietcap. Theo ban lãnh đạo, tên gọi mới rất ngắn gọn, độc đáo và đã được các nhà đầu tư trên thị trường biết đến. Ban lãnh đạo công ty cũng cho rằng việc đổi tên sẽ gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu.
Ánh Dương