Chứng khoán châu Á phân hóa giữa động thái mới của Trung Quốc, đồng USD sụt giảm mạnh
Chứng khoán châu Á trái chiều khi Trung Quốc hoãn kích thích, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gia tăng, USD giảm mạnh trên diện rộng.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng nhích nhẹ 0,022% lên 21.970,81 điểm. Trong khi đó ở Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,054% xuống 3.286,65 điểm, chỉ số CSI300 mất 6,54 điểm (0,17%) còn 3.775,08 điểm. Chính phủ Trung Quốc đã đẩy nhanh các kế hoạch kích thích kinh tế trong năm nay nhưng hiện đang tạm hoãn các biện pháp mới, nhằm duy trì sự ổn định và kỳ vọng Washington sẽ nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại kéo dài.
Việc chưa triển khai thêm các gói kích thích không đồng nghĩa Trung Quốc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% như năm ngoái, mà là chiến lược giữ linh hoạt trong bối cảnh xung đột thuế quan với Mỹ.

Tại Đài Loan, chỉ số Taiex tăng 198,22 điểm (0,99%) đạt 20.232,63 điểm. Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại có dấu hiệu tăng trưởng mạnh hơn trong quý I/2025 nhờ nhu cầu công nghệ cao. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) dự kiến tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 2,9% của quý IV/2024, theo khảo sát từ 24 chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, mức dự báo GDP sơ bộ dao động rộng từ 1,5% đến 6,3%, phản ánh sự bất ổn do ảnh hưởng từ các mức thuế của Hoa Kỳ.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 16,56 điểm (0,65%) lên 2.565,42 điểm. Xuất khẩu trong 20 ngày đầu tháng giảm 5,2%, với các mặt hàng ô tô và thép giảm lần lượt 6,5% và 8,7%, trong khi xuất khẩu chất bán dẫn tăng 10,7%. Các nhà sản xuất chip tỏ ra lạc quan nhờ nhu cầu mạnh mẽ, trong khi ngành ô tô lo ngại trước sức ép thuế quan.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 134,25 điểm (0,38%) đạt 35.839,99 điểm. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, Trưởng ban chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản đã kêu gọi Tổng thống Donald Trump cân nhắc lại kế hoạch áp thuế đối ứng, cảnh báo rằng động thái này có thể làm suy yếu vai trò của Mỹ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Một số thị trường khác trong khu vực ghi nhận diễn biến trái chiều. Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 tăng 75,50 điểm, tương đương 0,92%, lên 8.070,60 điểm. Trong khi đó tại Ấn Độ, chỉ số Sensex tăng nhẹ 107,34 điểm (0,13%) lên mức 80.312,50 điểm. Tại Thái Lan, chỉ số SET giảm nhẹ 4,24% xuống mức 608,29 điểm.
Thị trường đang bước vào giai đoạn sôi động của mùa báo cáo lợi nhuận quý I, với sự chú ý đổ dồn vào các "ông lớn" công nghệ như Meta Platforms (META.O), Microsoft (MSFT.O), Apple (AAPL.O) và Amazon.com (AMZN.O) dự kiến công bố kết quả kinh doanh trong tuần này.
Các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn tiếp tục tác động mạnh tới thị trường. Giống như cách đã thúc đẩy thị trường đi lên trong hai năm qua, nhóm này cũng gây ra một số áp lực giảm điểm trong phiên đầu tuần.
Trên thị trường tiền tệ, đồng đô la Mỹ vẫn gặp khó khăn dù tăng nhẹ 0,48% so với đồng franc Thụy Sĩ lên 0,8238, và tăng 0,27% so với đồng yên Nhật Bản lên 142,41.
Đồng Euro giảm 0,34% còn 1,1383 đô la, nhưng vẫn hướng tới mức tăng hàng tháng mạnh nhất trong hơn hai năm. Đồng bảng Anh giữ vững quanh đỉnh ba năm ở mức 1,3399 đô la.
Chỉ số đồng Đô la ổn định tại mức 99,25, song đang hướng tới mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2022, với mức giảm 4,7%.
Tại Canada, đồng đô la Canada (Loonie) giảm hơn 0,2% xuống 1,3863 CAD sau cuộc bầu cử, khi Đảng Tự do của Thủ tướng Mark Carney giành chiến thắng nhưng không đạt được đa số, gây khó khăn trong việc đàm phán các thỏa thuận thương mại với Mỹ.