Chứng khoán Mỹ bứt phá ngoạn mục, cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà tăng thị trường

15/04/2025 - 05:23
(Bankviet.com) Thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh trong phiên 11/4 (giờ Mỹ), với cả ba chỉ số chính đồng loạt lập đỉnh mới. Nhóm cổ phiếu công nghệ và bán dẫn dẫn dắt đà phục hồi, bất chấp lo ngại về chính sách thuế quan và triển vọng kinh tế suy yếu. Trong khi đó, giá vàng leo lên mức cao kỷ lục giữa làn sóng tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn.
Nhịp đập thị trường

Chứng khoán Mỹ bứt phá ngoạn mục, cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà tăng thị trường

Hoàng Thái 12/04/2025 07:31

Thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh trong phiên 11/4 (giờ Mỹ), với cả ba chỉ số chính đồng loạt lập đỉnh mới. Nhóm cổ phiếu công nghệ và bán dẫn dẫn dắt đà phục hồi, bất chấp lo ngại về chính sách thuế quan và triển vọng kinh tế suy yếu. Trong khi đó, giá vàng leo lên mức cao kỷ lục giữa làn sóng tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/4 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 12/4 giờ Việt Nam), các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều ghi nhận sắc xanh. Chỉ số S&P 500 tăng 95,31 điểm (1,91%) đạt 5.363,36 điểm. Nasdaq Composite tăng 337,14 điểm (2,06%) lên mức 16.724,46 điểm, trong khi Dow Jones tăng mạnh 619,05 điểm (1,56%) chốt phiên với 40.212,71 điểm.

Tất cả 11 nhóm ngành trong S&P 500 đều ghi nhận mức tăng tích cực, dẫn đầu là nhóm vật liệu và công nghệ. Trong một báo cáo gửi khách hàng, Citi đã điều chỉnh dự báo chỉ số S&P 500 cuối năm xuống còn 5.800 điểm, thấp hơn mức dự báo trước đó là 6.500 điểm, với lý do lo ngại về thuế quan và dấu hiệu tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Chứng khoán mỹ hồi phục mạnh trong phiên cuối tuần
Nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà hồi phục tại thị trường chứng khoán Mỹ

Cổ phiếu Apple (AAPL) bật tăng 4% trong phiên cuối tuần, đóng cửa ở mức 198,15 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ năm 1998. Apple dẫn đầu nhóm cổ phiếu “Magnificent Seven” trong bối cảnh thị trường hồi phục sau tuần biến động mạnh bởi các chính sách thuế quan.

Nhóm cổ phiếu bán dẫn cũng giao dịch tích cực, bất chấp lo ngại về thuế quan có thể áp dụng trong tương lai. Nvidia (NVDA) tăng 3,1% lên 110,93 điểm, trong khi TSMC – đối tác sản xuất chính của Nvidia – tăng 4% lên mức 157,0 điểm. Theo Morgan Stanley, nhu cầu chip AI của Nvidia đang bùng nổ do nhu cầu xử lý mô hình ngôn ngữ lớn, góp phần giúp công ty đạt doanh thu kỷ lục 39,2 tỷ USD trong quý gần nhất, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trái lại, Texas Instruments (TXN), công ty sản xuất chip tại Mỹ, ghi nhận hiệu suất hàng ngày yếu nhất trong S&P 500 khi cổ phiếu giảm 5,7% xuống còn 147,60 điểm. Sự sụt giảm diễn ra sau thông tin Trung Quốc tuyên bố rằng chip do các công ty Mỹ sản xuất với hoạt động thuê ngoài sẽ không phải chịu thuế quan đối với hàng hóa Mỹ.

Monolithic Power Systems (MPWR), nhà sản xuất chip quản lý điện, tăng vọt 10%, dẫn đầu mức tăng trong nhóm S&P 500. Trước đó trong tuần, cổ phiếu này đã bứt phá 23% sau thông tin chính quyền Trump tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, nhưng lại điều chỉnh mạnh vào ngày kế tiếp.

Giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục khi những bất ổn xung quanh thương mại toàn cầu đã thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý này, vốn thường được xem là khoản đầu tư "trú ẩn an toàn". Cổ phiếu của Newmont (NEM), nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, đã tăng 7,9% lên mức 54,97 điểm.

Cổ phiếu Aptiv (APTV), nhà cung cấp giải pháp phần mềm, phần cứng cho ngành ô tô, giảm 3% xuống 47,92 điểm sau khi RBC Capital hạ mục tiêu giá, dẫn chứng sự không chắc chắn về ảnh hưởng thuế quan đến ngành xe. Dù Aptiv có thể được hưởng lợi ngắn hạn từ các đơn hàng “mua sớm”, giới phân tích lo ngại các hãng xe có thể điều chỉnh dự báo lợi nhuận trong trung và dài hạn.

Old Dominion Freight Line (ODFL), công ty vận tải hàng hóa, giảm 2,9% xuống còn 152,23 điểm sau khi Jefferies hạ mức giá mục tiêu, lo ngại các yếu tố vĩ mô đang đè nặng lên ngành công nghiệp và triển vọng nhu cầu vận tải hàng hóa.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang New York, ông John Williams, đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống dưới 1% trong năm nay, đồng thời nâng dự báo lạm phát lên mức 3,5–4% do tác động từ các chính sách thuế quan mới.

Những dự báo này khác biệt đáng kể so với kỳ vọng chung của các quan chức Fed tại cuộc họp ngày 19/3, khi GDP năm nay được dự báo ở mức 1,7%, lạm phát 2,8% và tỷ lệ thất nghiệp 4,4%. Mặc dù thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 6, một số quan chức như Susan Collins đã phát tín hiệu thận trọng, cho thấy khả năng nới lỏng chính sách có thể bị trì hoãn.

Hoàng Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán