Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 26 - 30/7, chỉ số VnIndex tăng +41,22 điểm – tương đương +3,25%, lên 1.310,05 điểm. Chỉ số duy trì đà tăng điểm tại cả 5 phiên giao dịch trong tuần với 270 mã tăng và chỉ 98 mã giảm. MSN, VIC và GVR là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho VN-Index trong tuần này, đóng góp lần lượt +4,79, +2,93 và +2,92 điểm. Ở chiều ngược lại, VNM, SSB và HNG là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số, lấy đi -0,85, -0,31 và -0,15 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 16.807,09 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại mua ròng +658,53 tỷ đồng trên sàn HSX trong tuần này.
Trên sàn HNX, chỉ số Hnx-Index kết thúc tuần giao dịch tại mức 314,85 điểm, tăng +13,08 điểm – tương đương +4,33%. Chỉ số cũng duy trì đà tăng điểm tại 5 trên 5 phiên giao dịch trong tuần với 153 mã tăng và 118 mã giảm. NVB, SHB và VND là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức tăng của chỉ số, đóng góp +3,03, +2,96 và +1,99 điểm. Trong khi đó, DXS, KHG và TVC là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên Hnx-Index, lấy đi -0,40, -0,23 và -0,09 điểm. Giá trị giao dịch trung bình đạt 2.175, 63 tỷ đồng/phiên. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua ròng +25,56 tỷ đồng trên sàn HNX.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán Bảo Việt BVSC, tuần này, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến khởi sắc. VN-Index nhiều khả năng sẽ tăng điểm và hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.350-1.380 điểm trong những tuần đầu tháng 8. Dù vậy, thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp điều chỉnh, rung lắc đan xen trong quá trình đi lên. Tình hình kiểm soát dịch COVID-19 tiến triển tốt và tiến trình triển khai tiêm vaccine ở các thành phố lớn diễn ra nhanh sẽ là các yếu tố hỗ trợ cho diễn biến thị trường ở thời điểm hiện tại.
Theo BVSC, đà hồi phục ở các nhóm cổ phiếu sẽ diễn ra rõ nét hơn trong tuần này. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép… nhiều khả năng sẽ tiếp tục hồi phục chậm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ thuộc các nhóm ngành như bất động sản, cảng biển, xuất khẩu, phân bón, bán lẻ… sẽ tập trung được sự quan tâm của dòng tiền trong giai đoạn hiện tại. Nhà đầu tư có thể nâng tỷ trọng danh mục lên mức 40-55% cổ phiếu và xem xét nâng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục khi thị trường rung lắc, điều chỉnh trong thời gian tới.
Nhìn nhận thị trường tuần qua, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty chứng khoán VNDIRECT đánh giá chỉ số VN-Index hồi phục 3,3% trong tuần qua, khép lại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7 trong sắc xanh và chốt ở mốc 1.310,1 điểm (hồi phục 43 điểm sau ba tuần điều chỉnh mạnh). Thị trường có sự phân hóa mạnh ở các nhóm ngành, ở giai đoạn đầu tuần ghi nhận sự phục hồi của nhóm bất động sản gồm KBC (+3.0%), NLG (+5.0%), KDH (+1.5%), … Giai đoạn sau là nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ gồm MSN (+3.9%), FRT (+11.8%), DGW (+4.1%) và nhóm cổ phiếu phân bón gồm DCM (+6.0%) và DPM (+10.0%). Đến hai phiên cuối tuần có thêm sự tham gia của nhóm chứng khoán như SSI (+3.5%), HCM (+0.6%).
Bên cạnh đó, dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây chưa cao, biểu hiện là thanh khoản các phiên (trừ thứ 6 – ngày 30/7 ) chỉ ở mức dưới 19.000 tỷ đồng và thậm chí có phiên giao dịch được ghi nhận là phiên có thanh khoản thấp nhất trong 6 tháng trở lại. Phiên cuối tuần ghi nhận thanh khoản cao nhất tuần đạt 21 nghìn tỷ đồng nhưng một phần là nhờ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ. Khối ngoại trong phiên cuối tuần cũng có một phiên giao dịch khá tốt bù lại cho nhưng phiên giao dịch ảm đảm khác trong tuần. Riêng phiên cuối tuần khối ngoại ghi nhận lượng mua ròng hơn 449 tỷ đồng trên HOSE, tập trung vào các mã STB, MBB, CTG.
Ông Đinh Quang Hinh cho rằng kết thúc một tuần cuối cùng của tháng 7 trong sắc xanh, VN-Index sẽ có động lực tăng trong tuần đầu của tháng 8 do đây là thời điểm các doanh nghiệp công bố Báo cáo tài chính quý II. Tuy nhiên về cuối tuần VN-Index có thể gặp áp lực chốt lời ngắn hạn. Ngưỡng cản tuần tới có thể sẽ là vùng 1.335-1.340 điểm. Nhà đầu tư giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức hợp lý và có thể chốt lời một phần khi chỉ số tiến tới các ngưỡng kháng cự mạnh.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ