Chuyển biến mới nhất tại KIDO sau thương vụ hơn nghìn tỷ đồng với Nutifood

06/01/2025 - 19:06
(Bankviet.com) Thương vụ nghìn tỷ giữa KIDO và Nutifood không chỉ thay đổi cấu trúc sở hữu mà còn đặt ra vấn đề về quyền khai thác các thương hiệu lớn như Merino và Celano. Tập đoàn khẳng định vẫn nắm quyền sở hữu trí tuệ đối với Celano và Merico, do đó xin ý kiến cổ đông về việc giữ lại thương hiệu cũng như ủy quyền cho bên thứ ba sử dụng.

Công ty CP Tập đoàn KIDO (KIDO Group, HOSE: KDC) vừa công bố nội dung tờ trình trình Đại hội đồng cổ đông bất thường, trong đó đề cập đến việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods).

Chuyển biến mới nhất tại KIDO sau thương vụ hơn nghìn tỷ đồng với Nutifood
Sau 9 tháng đầu năm 2024, Kido mới chỉ hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu và 9% mục tiêu lợi nhuận trước thuế

Theo đó, KIDO Group đã hoàn tất giao dịch bán hơn 24% vốn KIDO Foods cho đối tác với giá trị 1.069 tỷ đồng, định giá công ty này ở mức 4.450 tỷ đồng (khoảng 200 triệu USD). Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của KIDO Group giảm từ 73% xuống 49%, đồng nghĩa với việc KIDO Foods được chuyển từ công ty con thành công ty liên kết.

Đơn vị mua lại cổ phần KIDO Foods là Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood. Sau khi hoàn tất giao dịch, Nutifood nắm giữ 51% cổ phần và chính thức trở thành công ty mẹ của KIDO Foods.

Ban lãnh đạo KIDO Group cho biết đây là giao dịch có tính chất trọng yếu, đặc biệt vì những vấn đề liên quan đến Luật Doanh nghiệp và điều lệ công ty chưa quy định chi tiết. Do đó, tập đoàn cần sự đồng thuận và ý kiến từ cổ đông tại đại hội bất thường. Ban kiểm soát nhấn mạnh rằng việc chuyển nhượng cổ phần không chỉ thay đổi mối quan hệ sở hữu mà còn đặt ra vấn đề về quyền sử dụng các thương hiệu lớn như Celano và Merino – những tài sản quan trọng của KIDO Foods.

KIDO Foods được thành lập từ năm 2003 sau khi mua lại nhà máy kem Wall’s, doanh nghiệp này đã xây dựng vị thế vững chắc trên thị trường thực phẩm đông lạnh. Các thương hiệu Merino và Celano lần lượt ra mắt năm 2004 và 2005, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần lớn trong ngành hàng kem. Theo số liệu từ Euromonitor, tính đến năm 2023, Merino và Celano lần lượt chiếm 24,2% và 19,2% thị phần – vượt xa các đối thủ lớn như Unilever và Vinamilk.

Trước bối cảnh đó, KIDO Group xác định thương hiệu là “linh hồn doanh nghiệp” và là yếu tố cốt lõi trong chiến lược phát triển dài hạn. Từ năm 2022, tập đoàn đã hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu trí tuệ của 34 thương hiệu, bao gồm Celano và Merino, từ các công ty con về tập đoàn mẹ. Điều này đảm bảo quyền kiểm soát toàn diện đối với các thương hiệu chủ lực, đồng thời tăng giá trị tài sản vô hình của công ty.

Tuy nhiên, sau khi KIDO Foods trở thành công ty liên kết, quyền khai thác thương hiệu Celano và Merino trở thành vấn đề cần làm rõ. Ban lãnh đạo KIDO Group cho biết, họ muốn giữ quyền sở hữu hai nhãn hiệu này tại tập đoàn mẹ nhằm bảo vệ giá trị thương hiệu và quyền lợi pháp lý. Tập đoàn cũng dự kiến xin ý kiến cổ đông về việc trao quyền cho HĐQT và Tổng giám đốc thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng thương hiệu, bao gồm cả ủy quyền cho bên thứ ba ngoài KIDO và công ty con.

Về tình hình kinh doanh, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều bất ổn và sức mua trong nước suy giảm, KIDO Group đã triển khai hàng loạt biện pháp để thúc đẩy doanh thu. Tập đoàn mở rộng sang nhiều ngành hàng mới, bao gồm cả thực phẩm tươi và khô. Đáng chú ý, thương hiệu bánh bao Thọ Phát sau một năm gia nhập KIDO đã phát triển hệ thống lên gần 300 cửa hàng miniBao, tạo dấu ấn trong ngành thực phẩm.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Sau 9 tháng đầu năm 2024, Kido ghi nhận doanh thu đạt 5.980 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 92%, chỉ đạt 54 tỷ đồng. Tập đoàn chỉ hoàn thành 46% kế hoạch doanh thu (13.000 tỷ đồng) và 9% mục tiêu lợi nhuận trước thuế (800 tỷ đồng).

Diễn biến mới nhất vụ nhận thừa kế tại DIC Corp (DIG)

Bà Lê Thị Hà Thành - mẹ Chủ tịch HĐQT DIC Corp tiếp tục nhận thừa kế để nâng sở hữu lên 3,4% vốn điều ...

Quỹ ngoại Singapore đẩy mạnh sở hữu tại Cơ Điện Lạnh (REE) sau thương vụ gần 1.800 tỷ đồng

Vừa chi gần 1.800 tỷ đồng mua cổ phiếu REE, cổ đông ngoại tiếp tục đăng ký mua thêm, muốn tăng sở hữu tại Cơ ...

Tuấn Tú

Tuấn Tú

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán